TỪ ĐƯỜNG BÙI THỊ XUÂN

29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 14522)

TỪ ĐƯỜNG BÙI THỊ XUÂN

 

Bùi Thị Xuân quê ở ấp Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay là Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn). Xuân Hòa xưa có ba xóm: Đông, Trung Bắc. Dân cư nơi đây sống rải rác dọc theo bờ sông Kôn giống như hình một lá cờ đuôi nheo. Dân làng thường ví quê hương mình giống như hình lá cờ tung bay.

den_tho_do_doc_bui_thi_xuan2-large-thumbnail-large-content-large-contentCũng giống như bao làng quê khác, dân Phú Hòa chủ yếu sống bằng nghề nông kết hợp với một số nghề thủ công khác như làm gạch, ngói, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông kéo sợi và đan lát. Những người nghèo còn tìm kế sinh nhai bằng nghề khai thác lâm sản.

Chính tại làng quê bình dị này vị nữ tướng "tuy thân bồ liễu, sức như anh hùng" đã sinh ra và trưởng thành. Tài thao lược và chí khí anh hùng của Bùi Thị Xuân đã được thêu dệt thành nhiều truyền thuyết ly kỳ.
Có chuyện kể rằng lúc còn nhỏ tuổi, Bùi Thị Xuân sáng dạ học giỏi, viết chữ rất đẹp và luôn có chí nam nhi, thường thích mặc quần áo con trai và chuyên tâm luyện võ. Đến năm 15 tuổi thì tài nghệ đã điêu luyện.

Theo Cân quắc anh hùng truyện, một truyện thơ dài kể về cuộc đời Bùi Thị Xuân, lúc còn nhỏ nàng lại được học võ với Đô thống Ngô Mãnh, một tướng giỏi dưới thời Nguyễn Phúc Khoát. Do quyền thần Trương Phúc Loan đố kỵ người tài bày mưu hãm hại, Ngô Mãnh cùng cháu là Ngô Văn Sở phải cải trang đi trốn. Nghe tiếng Bùi Công (cha Bùi Thị Xuân) là một phú hào có lòng nghĩa hiệp, ông cháu giả làm người hành khất đến cửa cậy nhờ.

Được Bùi Công cưu mang, tận tình giúp đỡ, vị Đô thống luôn mong có dịp báo đền. Rồi một hôm gia đình họ Bùi bị cướp. Hai ông cháu họ Ngô đã ra tay dẹp trừ quân cường bạo. Đến lúc ấy Ngô tướng quân không thể dấu diếm tung tích được nữa, đem hết mọi chuyện ra kể rồi xin cáo biệt để gia đình khỏi liên lụy. Bùi Công nghe xong càng thêm bội phần yêu mến, giữ ông cháu Ngô Mãnh lại để dạy võ cho con mình. Hết lòng dạy dỗ người con gái Công được 3 năm thì vị Đô thống qua đời. Khi ấy Bùi Thị Xuân cũng đã tinh thông các ban võ nghệ.

Lúc bấy giờ, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đang chiêu tập hào kiệt trên đất Tây Sơn Thượng đạo. Nghe tiếng đồn về cha con Bùi Công, Nguyễn Nhạc cử Trần Quang Diệu xuống Xuân Hòa để kết giao. Trên đường đi Diệu gặp hổ và được Bùi Thị Xuân tận tình cứu giúp rồi hai người nên vợ nên chồng.

Về việc Bùi Thi Xuân quy phục được voi, giải thích của Cân quắc anh hùng truyện cũng có khác với lời truyền khẩu. Theo đó thì có một lần Bùi Thị Xuân đang dạo chơi săn bắn gần khe núi bỗng thấy cây cối rung chuyển, gió thổi ào ào rồi một tiếng rống thảm thiết vang lên. Dưới khe một con voi trắng bị một con mãng xà khổng lồ quấn chặt đang dẫy dụa chờ chết.

Động lòng trắc ẩn, nàng múa thương xông vào đâm phọt óc con trăn lớn. Voi trắng thoát chết liền rập đầu tạ ơn cứu mạng rồi bỗng nhiên rống lên mấy tiếng vang động cả núi rừng. Từ đâu bỗng thấy tiếng động rầm rầm, một bầy voi rừng chạy đến bên voi trắng. Hóa ra, Bùi Thị Xuân đã cứu một con voi chúa. Từ đó nàng thần phục cả đàn voi, dẫn về nhà nuôi dưỡng huấn luyện. Khi theo về với Tây Sơn, Bùi Thị Xuân đã có trong tay cả một đàn voi chiến.

Mặc dù có nhiều tình tiết hư cấu với những dị bản khác nhau, nhưng những truyền thuyết trên đây có cốt lõi sự thật là đều thể hiện Bùi Thị Xuân là một phụ nữ võ nghệ tài giỏi, có ý chí kiên cường và lòng dũng cảm vô song.

Bà đã kết duyên cùng danh tướng Trần Quang Diệu và trong suốt thời kỳ chiến đấu dưới cờ Tây Sơn với tư cách là người chỉ huy đội tượng binh. Binh chủng đặc biệt và dũng mãnh này khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh khiếp sợ.

Vào thời điểm mạnh nhất, đội tượng binh của Tây Sơn có đến 500 thớt voi. Uy lực và sức công phá của voi chiến đã được nhân lên cấp bội khi được quân Tây Sơn sử dụng để chở pháo dã chiến có thể vừa đi vừa bắn.

Chiến công của các đội tượng binh gắn liền với tên tuổi nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bà đã chiến đấu vì sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn đế hơi thở cuối cùng. Khi bị Nguyễn Ánh bắt và đem xử phạt voi giày, bà vẫn hiên ngang, lẫm liệt khiến con voi đao phủ phải nhiều lần chùn bước.

Bùi Thị Xuân hiện được thờ tại từ đường chính phái họ Bùi ở xóm bắc, thôn Phú Xuân. Đó là một nhà nhỏ ba gian làm bằng gỗ lim. Bàn thờ chính đặt ở gian giữa. Ngoài các đồ thờ cúng còn có một bức tranh Bùi Thị Xuân cưỡi voi hai tay cầm song kiếm. Theo gia đình, bức tranh này do một họa sĩ tên là Đỗ Lê phóng tác trên cơ sở nghe lại những truyền thuyết về bà.

den_tho_do_doc_bui_thi_xuan-large-large-contentHọ Bùi còn một từ đường tứ phái còn giữ được hai bức đại tự cổ, một đề Bùi từ đường và bức kia là Quang tiền liệt. Một số hiện vật ở từ đường Bùi Thị Xuân hiện đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung. Trên quê hương của Bùi Thị Xuân hiện còn một số di tích gắn với gia đình và cuộc đời của bà.
Di tích Vườn Dinh tương truyền là dinh của Bùi nữ tướng ở ngay phía sau nhà thờ chính phái. Di tích còn lại là một khổ đất hình chữ nhật chiều dài chừng 80m chạy theo hướng Bắc-Nam và chiều rộng 25m. Dân làng kể lại trước đây trong vườn có những cây duối cổ thụ gốc rất to là nơi bà Bùi thường buộc voi. Rải rác quanh vườn vẫn còn sót lại những viên gạch cổ kích thước lớn 40x30x25cm.

Di tích Trường Võ gắn liền với sự tích luyện võ của Bùi Thị Xuân là một bãi đất cao ở gần sát cầu Đồng Sim trên Quốc lộ 19 hiện nay.

Di tích Gò Đình tương truyền là nơi dạy voi của Bùi Thị Xuân. Gò đất ở vào vị trí trường cấp I Bùi Thị Xuân hiện nay. Quanh khu vực này trước đây là ruộng của họ Bùi. Thời Minh Mạng đã sung công và gọi đó là "ngụy điền". Gò mang tên Gò Đình vì theo dân gian, trước đây trên đã từng có một ngôi đình lớn chung cho cả 7 xã.

Cạnh đó về phía Tây có một gò đất khác cao hơn, hình dáng vuông vắn rộng khoảng 1 mẫu, tục gọi Gò Me. Phía Bắc hiện vẫn còn một cây me cổ thụ và cạnh đó có dấu tích một bệ tam cấp xây bằng gạch cổ, tương truyền là chỗ Bùi Thị Xuân dùng để trèo lên voi mỗi khi chỉ huy luyện tập.

Theo ĐCBĐ

This is Google's cache

These search terms are highlighted: từ đường nữ tướng bùi thị xuân 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn