Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLC Hoa Kỳ tại Quantico, Virginia

10 Tháng Mười 20216:50 CH(Xem: 1286)
 
               Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLC Hoa Kỳ tại Quantico, Virginia

Với số tiền trợ cấp 350 Đô la một tháng, tôi được một Trung tá TQLCHK đến Cư xá Sĩ Quan đón tôi ra ngoài. Tại một khu chung cư cho thuê ngay trước cổng chính ra vào của căn cứ Quantico, tôi ký hợp đồng thuê một căn nhà trọ 1 phòng ngủ vói bếp riêng. Từ đây, hàng ngày tôi có thể đi bộ vào trường Chỉ Huy và Tham Mưu của binh chủng lừng danh TQLC Hoa Kỳ, trong suốt khóa học từ đầu tháng 9 năm 1972 đến tháng 9 năm 1973.
Tôi khám phá ra Căn cứ Quantico, với diện tích hơn 50 dậm vuông, nằm sát vịnh Cheasepeake mở ra từ hai con sông Potomac và Occoquan, sát nách Thủ Đô Washington, DC, là nơi chứa Trung Tâm Huấn Luyện Sĩ Quan Căn Bản TQLCHK, Trường Chiến Tranh Thủy Bộ (Amphibious Warfare), trường Chỉ Huy và Tham Mưu, cùng với quân số tương đương 1 Trung đoàn TQLC đặc trách bảo vệ Thủ Đô. Ngoài một phi trường chiến thuật, nơi đây còn là Nhà Ga chứa chiếc Trực thăng chuyên chở Tổng thống Hoa Kỳ, bên ngoài Hậu cứ của Trung Đoàn TQLC Danh dự đóng tại bờ Nam sông Potomac, trên địa phận giáp với Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia. Thời gian này, Trung tâm Huấn Luyện của Cơ quan Tình Báo FBI cũng vừa thành hình ngay trong căn cứ Quantico. Chỉ Huy Căn cứ Chuẩn Tướng Similik. Một Tượng Đài Dựng Cờ trên đảo Iwo Jima cũng được tái tạo ngay trên đại lộ dẩn vào căn cứ. Trước ngày nhập học, tôi và một số Sĩ quan thuộc các quốc gia không nói tiếng Anh phải trải qua một cuộc khảo lược Anh Ngữ. Sau đấy, chúng tôi được phân toán theo mẫu các trường Đại học với Cố vấn giáo dục và Trưởng Phân khoa. Khoảng 50 khóa sinh Sĩ quan cấp từ Thiếu tá đến Trung Tá của TQLCHK quy tụ về học với một vài SQ Lục quân và 10 SQ từ các nước Đồng Minh của Hoa Kỳ, từ Anh quốc, Úc Đại Lợi, Canada, Do Thái, Ba Tây, Argentina, Nigeria, Đài Loan, Nam Hàn, Việt Nam. Trường Cao đẵng Quân sự này áp dụng phương thức như khuôn mẫu một trường Đại học. Ngoài các môn học chính, khóa sinh phải chọn các lớp phụ và tham gia thuyết trình cũng như thảo luận, với những bài viết biên soạn bắt buộc.
Nếu thiếu sót phần hành, vào ngày mãn khóa người ta chỉ nhận một chứng chỉ theo học thay vì cấp bằng tốt nghiệp. Nhiều khóa sinh ngoại quốc do trình độ Anh Ngữ, trước đây, đã chỉ nhận chứng chỉ theo học. Nghĩ đến các bạn cùng khóa đang ngày đêm ngoài trận địa ác liệt chống Cộng sản, tôi tự quyết tâm phải tốt nghiệp dù phải ra công sức học ngày đêm.
Trong khóa học, tôi đã được hướng dẩn từ việc điều hành Tham mưu cấp Trung đoàn cho đến tổ chức hành quân hỗn hợp Thủy bộ, giữa Hải quân, Không quân, TQLC trong các lực lượng Thủy Bộ lên cấp Sư đoàn. Những bài học rút tỉa từ các trận đánh, từ Thế Chiến Thứ I đến Thế Chiến Thứ II, nhất là chiến trường Thái Bình Dương, cho đến cuộc chiến giải phóng Nam Hàn 1955 với các trân đỗ bộ và rút quân chiến lược Inchon. Tuy nhiên, vào ngày nghỉ cuối tuần, Nhà Trường khuyến cáo tôi không nên mặc quân phục khi lên viếng Washington, DC do những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ngày càng dữ dội của nhóm phản chiến. Ngày nào xem tin tức trên TIVI cũng thấy cảnh đám phản chiến cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và ngay cả cờ của CS Miền Bắc trên nước Mỹ bị Cảnh sát và Vệ binh Hoa Kỳ giải tán bằng võ lực. Thỉnh thoảng, ông Ngoại trưởng nói tiếng Anh giọng Pháp Kissinger xuất hiện nói về cuộc đàm phán với Bắc Việt với giọng điệu đầy vẻ tôn trọng về đám Việt Cộng như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ…Trong lòng tôi không sao kềm được tức giận và khinh bỉ đối với con người luôn được gọi là Tiến sĩ vốn gốc người Do Thái. Khi trò chuyện với người bạn cùng khóa là một Trung tá Nhảy Dù của Quân Đội Do Thái, tôi hình dung ra ông Kissinger này đang tìm cách đem quân Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam để sẵn sàng đối phó với Iraq khi nước này vừa ký kết hiệp ước bất tương xâm với Nga Xô. Nếu quân Ả Rập đồng loạt tấn công Do Thái, chắc chắn quân Mỹ phải ở tư thế nhập cuộc chống trả khi không còn dính dáng đến Việt Nam. Một trong những bài tập quân sư, trong lớp Chỉ Huy và Tham Mưu là soạn thảo một kế hoạch thủy bộ khi quân CS Bắc Việt tràn xuống Vỹ tuyến 17. Sư đoàn 3 TQLCHK ở Okinawa sẽ đổ bộ lên Vinh rồi thiết lập lại khu Phi chiến. Mãi cho đến ngày Tổng thống Nixon bị buộc phải từ chức sau vụ Watergate, tôi mới tin chắc rằng Mỹ sẽ bỏ Việt Nam. Trong khi ấy, ngày 15 tháng 9 năm 1972, từ Quantico, tôi nhận được tin TQLC Việt Nam đã tái chiếm Quảng trị và dựng ngọn cờ Vàng trên Cổ Thành, bên này bờ sông Thạch Hãn. Cuộc tái chiếm đầy máu lửa và ác liệt này đã gây tổn thất cho quân Nhảy Dù, Biệt cách Nhảy Dù và TQLC cả ngàn tử vong và thương tích. Về sau, tìm hiểu thêm, qua các tin tức của CS và Quốc gia, trong cuộc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, mỗi một thước đất là một người lính ngã xuống. Khối Bổ Sung của TQLCVN, từ Trung Tậm Huấn Luyện có khi phải chuyển vận nguyên cả 1 Đại đội từ Nam ra để bù đắp vào tổn thất. Nhân dịp Nhà Trường tổ chúc lễ Sinh Nhật cho binh chủng TQLCVN, như các Đồng Minh khác, tôi đã xoay sở xin được những hình ảnh mới nhất trong trận tái chiếm Quảng trị, để làm một buổi thuyết trình về cuộc chiến đấu anh dũng của Quân Đội Miền Nam sau ngày quân Mỹ đã rút lui. Cử tọa gồm cả Đại Tướng Tư Lệnh TQLCHK đã vổ tay nồng nhiệt. Nhưng cả nước Mỹ đã reo mừng và không còn biểu tình khi lần lượt các Phi công Tù Binh Hoa Kỳ đã được trở về, như Đại Úy John McCain, được thăng lên cấp Trung tá sau 6 năm tù, nay đã là Ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ. Người bạn cùng chiến đấu với tôi trong trận Bình Giả, là Đại Úy Pete Cook, cũng được thăng lên Trung Tá nhưng đã từ trần trong một Trại giam của VC trong Nam vào năm 1968, theo tin của CS Bắc Việt. Tôi ý thức được người Mỹ sẽ bỏ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu còn viện trợ Hoa Kỳ, tôi tin Miền Nam sẽ còn đứng vững. Quân đội CS Bắc Việt trên đầu đội nón, mặc quấn áo, vai mang Ba lô và đi giày của Trung Cộng với AK từ Trung Cộng. Đại pháo và Xe Tăng tư Nga Xô chuyển qua. Một Tiểu đoàn VC không sao đánh lại 1 Tiểu đoàn TQLC của Miền Nam. Nhưng Lãnh Đạo của Miền Nam quá yếu hèn đối với quyết tâm thôn tính Miền Nam của bọn CS rất lớn. Mang nặng niềm tư duy ấy, tôi cũng vẫn nóng lòng trở về quê hương để phụ giúp giữ vững Miền Nam.
Do thiếu điều chuẩn an ninh Quốc phòng, vào các tuần lễ được nghe thuyết trình về các vấn đề bảo mật, các khóa sinh ngoại quốc được cho đi du hành quan sát. Chúng tôi được đi thăm Cơ quan Nasa ở Florida, Trại Huấn Luyện Tân Binh TQLC ở Georgia, Trại Thiết Giáp Fort Knox ở Louisville, Kentucky, trận địa chiến Nam Bắc Hoa Kỳ ở Gettysburg. Pennsylvania, Trường Võ bị Hải Quân Annapolis, Maryland. Tại đây, tôi được biết con của Đề Đốc Trần Văn Chơn là Trần Văn Trung đã được Đô Đốc Zumwalt giới thiệu theo học. Khi lên thăm trường Võ Bị Lục Quân West Point, ở New York, chúng tôi được mời dư một bửa ăn trưa với Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan. Với độ 2 nàn SVSQ tiến vào phòng ăn và suốt thời gian dùng bữa, bên trong thật yên lặng. Chỉ nghe tiếng nhạc Cổ điển mà không có một tiếng động dao muỗng, bàn ghế xê dịch và tiếng người nói chuyện. Chỉ từng ấy người ta có thể thấy ngay đây là một Quân trường kỹ luật không đâu sánh bằng. Tôi cũng được biết có 1 SVSQ khóa 19 của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đang theo học tại đây, theo chương trình Việt Nam Hóa. Nhân một tuần trên thành phố New York, tôi đã mò mẫm tìm đến Khu phố Tàu vì quá thèm thức ăn Á Đông sau gần một năm dùng thức ăn Mỹ.
Trong thời gian theo học Khóa CH&TM, ở Quantico, tôi đã kết thân với Trung Tá Joey Strickland, nguyên là một Tiểu Đoàn Trưởng Trinh Sát của TQLCHK, do nhiều lần được giao công tác chung trong giáo trình. Nhờ Joey tôi hiểu biết thêm nhiều về người Mỹ, lại thêm việc thích xem Dã Cầu và Túc cầu Football sau khi nghe dẩn giải. Vào dịp cuối tuần, tôi một mình lên xe bus và Xe Hỏa, từ Woodbridge lần mò về thăm Thủ Đô Washington, DC và Cả Baltimore. Qua chương trình của đài Phát thanh địa phương, tôi cũng được hai gia đình người Sĩ quan Hoa Kỳ lấy vợ Việt mời đến nhà dùng bửa. Thèm thức ăn Việt quá, tôi tìm đến các Cảng bán Tôm cua và cá mua về nấu lấy. Gạo đều có bán trong Quân Tiếp vụ của Căn cứ. Đặc biệt tôi thèm Nước Mắm quá nên lùng khắp các Chợ Tàu đều không có. Bởi lẽ giản dị là người Tàu chỉ dùng xì dầu.
Vào đầu tháng 4 năm 1973, người chị họ chú bác với tôi chuyển đến Arlington, Virginia do chồng được bổ nhậm làm Bí Thư Thứ I của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa, tại DC. Chị ấy đã xoay sở đem theo 2 đứa con sang dạy tiếng Việt cho Quân Đội Mỹ, sau vụ Tết Mậu Thân 1968, do quá sợ VC. Từ đây, tôi thường ghé thăm chị cho đở nhớ nhà. Là người am hiểu tường tận tình hình chính trị giửa Hoa Kỳ và Việt Nam, chị khuyên tôi nên ở lại luôn bên Mỹ sau ngày mãn khóa. Sớm muộn gì Miền Nam cũng mất. Tôi phản đối kịch liệt và không lên thăm chị nửa. Mãi cho đến ngày mãn khóa, vào cuối tháng 8 năm 1973, chị đã tự lái xe về tận Trường dự lễ. Lần này, chị không nói gì thêm về chuyện ở lại vì tôi cho làm như thế là Đào ngũ. Chị trao cho tôi 1 lá thư tay do ông anh rể viết gởi cho Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm đang làm Bộ Quốc Phòng bên Việt Nam. Mở ra đọc sau đấy tôi mới biết anh gởi gấm tôi cho Tướng Đạm. Tôi cất giữ trong tay cho đến ngày mất nước 30.4.75. Chị tôi nay không còn trên cỏi đời này nửa nhưng tôi cũng đã thầm cám ơn tấm lòng của chị. Tôi nhất quyết trở về quê hương dù cho phải sống còn. Trước lễ mãn khóa học một tuần, viên Trung Tá Trưởng phòng du học đã mời tôi lên văn phòng cho biết tôi sẽ được cấp Văn bằng tốt nghiệp và họ đề nghị thưởng cho tôi 1 tháng du hành quan sát trên Đệ VI Hạm Đội Hoa Kỳ tại Địa Trung Hải trước khi về nước. Tôi tỏ lời cương quyết từ chối trước đôi mắt nhìn vừa ngạc nhiên vừa thương hại của ông ta. Tôi xin về nước càng sớm càng tốt ngay sau ngày mãn khóa. Trong khi Thiếu tá Don Hirsch, bạn tôi, lại vừa ly dị với cô vợ thứ hai và ghé rủ tôi đi nhậu dưới phố Frederickburg. Chàng ta bảo người Mỹ chắc chắn sẽ bỏ Việt Nam nên khuyên tôi nên liệu thân khi về nước. Tôi tự thấy mình già đi trước tuổi với trăm mối ngổn ngang trong lòng. Nhưng nhất quyết tôi không rời bỏ Quê hương.
Trong giáo trình của Trường CH&TM của TQLCHK có phần thực tập Thuyết trình ngắn (Briefing) với 3 phút, tường trình quân sự 15 phút do từng khóa sinh thực hiện với đề tài do mình chọn, qua sự chấp thuận của Cố vấn. Chiến thuật du kích của VC và Vai trò Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa(VNCH) trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968 là hai đề tài do tôi đảm trách. Đó cũng là 2 bài khảo luận phải nạp cho Trường đánh giá. Về phần khảo luận chung dành riêng cho các khóa sinh SQ ngoại quốc là “Những thế lực nào đã tạo nên xu hướng chính trị của Hoa Kỳ”. Ba nhân vật then chốt trong việc hoàn thành Khảo luận này là một Trung tá Quân Đội Úc Châu, một Trung tá Nhảy Dù của Do Thái và một Thiếu tá của Cảm tử quân (Commando) của Hoàng Gia Anh. Trong các buổi thảo luận, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các SQ Đồng minh khác. Đặc biệt tôi đã nhìn ra tầm ảnh hưởng rất lớn của hơn 8 triệu người Mỹ gốc Do Thái, đang năm trong tay hầu hết ngành truyền thông, tài chánh, y khoa của Quốc gia Hoa Kỳ. Thêm nửa, tổ chức Cộng đồng Do Thái ở Mỹ rất chặt chẻ, hợp nhất và rất tích cực. Tôi nhìn thấy rồi Mỹ cũng sẽ bỏ Miền Nam VN như Đài Loan. Nhưng nhờ đâu Đài Loan vẩn còn đứng vững cho đến nay, dù eo biển giửa Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan không quá tầm Đạn pháo 130 ly. Mang niềm tin Miền Nam sẽ không dễ dàng đỗ vở, tôi xôn xao trở về Quê hương. Tại phi trường Không Quân Travis, ở California, tôi gặp 4 Thiếu Úy Nữ quân nhân VNCH mới ra Trường được Không Quân gởi sang Mỹ học ngành Điều Dưởng tại một trường Đại Học ở Florida. Thấy họ phờ phạc và lúng túng, tôi cố giúp họ lo thủ tục rồi chia tay. Chắc chắn 4 cô này đã kẹt lại Mỹ sau ngày 30.4.75 và không biết số phận của họ ra sao. Khi ra Phi cảng lập thủ tục lên máy bay về nước, tôi thấy một anh có vẻ mặt người Á Đông, mừng quá tôi vội chạy đến hỏi thăm. Chàng ta trả lời bằng Anh ngữ và chỉ vào bảng tên. Tôi đọc được:” HAKYLIEM. Không Quân Hoàng Gia Lào”. Sang Mỹ, sống và đi học một mình nên tôi nhớ quê hương và con người Việt vô cùng. Suốt ngày, từ sáng đến tối tôi chỉ nghe tiếng Mỹ. Thèm nghe tiếng Việt quá tôi đã phải vừa xem Tivi vừa nói cho tư mình nghe. Những người qua Mỹ sau năm 1975, tôi mang tâm trạng này. Ai ngờ, một lúc sau, chàng người Lào chạy sang gặp tôi nói tiếng Việt ngon lành:” Tôi là Đại Úy Hà Kỳ Liêm, người Việt sinh trưởng bên Lào và đi học Trực Thăng nay về nước. Tôi cũng ghé Sài Gòn trước khi qua Vientane. Hành Lý tôi mang quá tải, anh giúp tôi được không?
Tôi nhìn anh ta vừa tức cười vừa chế nhạo:” Ồ, thì ra thế!” “Sao tôi hỏi anh tiếng Việt anh không thèm trả lời”
“Thôi được rồi, anh thừa bao nhiêu pound” Anh ta cười hể hả đáp :”Tôi mua thêm quà cho gia đình ấy mà. 20 pounds.” Do quy chế du sinh Sĩ quan cấp Tá, tôi được mang 70 cân Anh hành lý thay vì 50. Tôi còn dư hơn 20 cân nên cũng vui vẻ dành cho người đồng hương lớn lên bên xứ Lào
Cuối tháng 8 năm 1973, Chuyến bay của Hàng Không Hoa Kỳ đã đưa tôi về nước xuyên qua biển Thái Bình Dương với những trạm dừng tại Honolulu, Guam. Khi chiếc phản lực cơ xuống thấp từ Phi Luật Tân, tôi bồi hồi nhận diện ra miền đất quen thuộc của quê hương với những đồng lúa trải dài. Tôi càng xúc động hơn khi nhìn ra dải đất từ bờ biển Cam Ranh dẩn vào Sài Gòn. Bước xuống phi cảng Tân Sơn Nhất vào khoảng 10 giờ sáng, tôi kéo chiếc va li ra ngoài mà lòng ngấy ngất trong tâm trạng người trở về sau một thòi gian dài xa cách. Với bộ quân phục đi phố thời bình màu kaki và chiếc mủ bê rê xanh, tôi vượt qua cổng Quan thuế rồi đi thẳng ra ngoài bải đậu xe. Một người Tài xế Tắc xi trẻ chạy theo hỏi: “ Ông anh Lính Thủy Đánh Bộ đi về đâu đây?”
Ngạc nhiên, tôi quay lại nhìn anh, hỏi:” Sao anh gọi tôi là Lính Thủ Đánh Bộ thay vì TQLC?” Anh vui vẻ đáp:” Thì sau vụ Tái chiếm Quảng Trị nghe tụi VC gọi mấy anh là Lính Thủy Đánh Bộ mà” Tôi cũng sởi lởi lên xe của anh về nhà. Sau cuộc Tổng tấn công nắm 1972 đến nay, dù ở nơi đồng quê hẻo lánh và chốn rừng sâu xa cách, ngày đêm vẫn còn có bao nhiêu chiến sĩ cầm súng ngoài chiến tuyến hi sinh đền nợ nước nhưng ở Sài Gòn người ta vẫn dửng dưng ăn chơi, biểu tình chống đối chính quyền thậm thụt tranh dành quyền lợi phe nhóm và tham ô nhũng lạm. Tôi cũng đã có dịp nhìn ra không một quốc gia nào nghèo khổ. Chỉ có những kẻ cầm quyền và chính quyền mới đưa người dân vào tăm tối, đói khổ. Nhưng tôi chỉ là một Sĩ quan hiện dịch được đào tạo ra để phục vụ cho Quân Đội. Tôi đã sẳn sàng để trở về với Quân Đội.

Trần Ngọc Toàn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn