Lá Thông Reo * Trần Ngọc Toàn

03 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 118935)

Lá Thông Reo

Trần Ngọc Toàn

 

 Phải nói ngay rằng các cựu nữ sinh Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân tại Dalat phải gọi tôi là một trong những “Đàn Anh” chứ không phải “Đàn Chị” của trường Trung Học Việt Nam Công lập đầu tiên của “Hoàng Triều Cương Thổ”. Dù sau này tôi có người yêu đầu đời học trường BTX. Nói đúng ra là bạn gái thân vì đã “không yêu nhau cùng một lúc” như nhận xét của cô bạn Đào Thị A. Tôi không dám thậm xưng vì btx_truong-large-contenttrước một năm, lớp Đệ Thất đầu tiên do Thầy Nguyễn Trọng dẫn dắt phải ngồi học tạm ở mãi tận trường Phan Chu Trinh trong khu Cité Saint Benoit về sau được gọi là Chi Lăng. Năm 1951, sau khi thi đậu bằng tiểu học, tôi đã phải so gươm với hơn 300 thí sinh, từ Bảo Lộc (Blao), Đơn Dương, Di Linh, Trại Hầm, Trại Mát và quanh thành phố Dalat để thi tuyển vào lớp Đệ Thất thứ nhì của trường Trung Học Phương Mai là quý danh của công chúa con của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Nhờ hồng phước của mẹ tôi để lại, tôi lọt qua cửa ải với độ 30 người bạn cùng lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Sau khi chen lấn với cả trăm người, thấy được tên mình trên danh sách trúng tuyển, tôi mừng quá co giò chạy một mạch từ trường tiểu học Dalat, ở đầu dốc Duy Tân, về đến nhà ở đầu dốc Prenn. Lúc ấy, tôi vừa lên 11 tuổi. Mẹ tôi mất lúc tôi còn 9 tuổi. Năm này, tôi đã phải sống với dì ghẻ với một đứa con trai riêng của dì. Tôi vừa hớn hở vừa hãnh diện chạy vào nhà vừa lúc Ba tôi cũng từ Sàigon trở về, lớn tiếng khoe con đã thi đậu vào trường trung học và xin tiền để mua vở tập đi học. Bà dì trừng mắt nhìn tôi rồi xua đuổi tôi ra ngoài. Ba tôi lặng thinh không nói gì. Tôi tiu nghỉu đi ra ngồi một mình ngoài rừng cho đến tối hẳn mới mò về nhà lục cơm nguội.

 Tôi nhập học không có tập vở giấy viết gì cả. Nhưng nhờ những người bạn nhỏ dễ thương đã chia sẻ cho tôi. Niên học năm 1952 ấy bắt đầu phải mượn tạm cơ sở của trường tiểu học Dalat do ông Lê Thêm làm hiệu trưởng. Tôi vốn cũng xuất thân từ trường này khi ở với người cậu ruột tại Khu Nhà Đoan, gần Nhà Thờ Con Gà Năm lên lớp Đệ Lục, năm 1953, chúng tôi được vào cơ sở trường mới được xây cất trên mặt bằng của ngọn đồi sân đánh cù nên thường được gọi là Đồi Cù, vị trí của trường trung học Phương Mai nhìn xuống Hồ Lớn sau này được gọi là Hồ Xuân Hương. Bên kia hồ, về hướng Đông là khu trường Lycée Yersin đã được chính phủ Pháp thành lập lâu đời với diện tích rộng lớn và hiện đại rất nhiều so với Trường Phương Mai. Năm ấy, ngoài Thầy Nguyễn Trọng ra còn có Cô Đại, Cô An, Thầy Tuấn, Thầy Lê Phỉ. Năm tôi lên lớp đệ ngũ, do Hiệp định Genève chia cắt đất nước Việt Nam năm 1954, trường đã tiếp đón thêm nhiều giáo sư và học sinh từ miền Bắc di cư tránh nạn cộng sản. Một số anh chị lớn đến với các lớp Đệ nhị cấp như anh Thành “Bắp Sú”, Kim Qui, Chị Trần Phương Thu sau này lên làm hiệu trưởng trường BTX, là con của cụ Khắc, học trên tôi một lớp. Tôi học cùng lớp với em của chị Thu là Kim Phượng. Hiện cả hai chị em đều ở bên Canada. Ông Phạm Văn Nam chính thức là hiệu trưởng và nhà trường đã đổi tên là Trung Học Quang Trung. Trường sở cũng được xây cất thêm khang trang hơn trước. Học sinh nam nữ học chung, ngoài giờ nữ công gia chánh và thể dục. Cuối năm học nào, nhà trường cũng tổ chức phát thưởng và đêm văn nghệ tưng bừng nhờ các lớp học có cả nam lẫn nữ.

 Mùa hè năm 1955, với sự hướng dẫn của Thầy Lê Phỉ, vốn là một Trưởng Hướng Đạo, nhà trường đã tổ chức một trại hè về tận Nha Trang bằng đường xe lửa rất vui. Trong lúc ấy, bên khu nhà trường của thiếu sinh quân AET đã lập trường trung học Bảo Long (Con Vua Bảo Đại) rồi sau đổi thành Trần Hưng Đạo với tất cả các nam học sinh từ trường Quang Trung chuyển qua để thành lập Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân trên cơ sở ấy vào năm 1959. Xuất thân từ trường Phương Mai và Quang Trung cũng như Trần Hưng Đạo có hai người nổi tiếng là ca sĩ Quang Minh và ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương, tên thật là Lê Văn Lộc ngụ tại đường Võ Tánh, là bạn học cùng lớp với chúng tôi. Đợt sóng di cư năm 54 từ Bắc đã đem vào ngôi trường của chúng tôi nhiều người tài giỏi, xuất sắc và nhiều người đẹp “chết người” mà bản thân tôi chỉ dám đứng xa ngắm nhìn.

thieu_nu-large-content Lớp của tôi có một người đẹp “Như Tuyết” được nhiều người lớp trên ngẩn ngơ dõi mắt trông theo. Sau giờ học tôi thường nhập bọn đi chung đường về với hai cô bạn cùng lớp là Mỹ và Nương. Vì vậy nên tôi thường bị đàn anh nhờ trao “thư tình”. Trong số những người bạn gái di cư vào Nam từ Tùng Nghĩa có Nông Kim Yến sau này trở thành một Trưởng của Nữ Hướng Đạo Việt Nam trước năm 1975. Yến được học bổng du học Phi Luật Tân vừa trở về ít lâu thì cộng sản tràn vào Miền Nam và vài năm sau đã vĩnh viễn ra đi tại Sàigòn. Quang Minh bắt đầu hát trên đài phát thanh Đà Lạt. Về sau anh nhập vào nhóm thi ca của Đinh Hùng với giọng ngâm thơ truyền cảm. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương nổi lên với những khúc tình ca của tuổi trẻ ngập ngụa trong khói lửa chiến chinh và ngẩn ngơ trước thời cuộc đầy chua xót.

 Khi Thầy Nguyễn Trọng còn đảm trách dạy Văn, ông lập ra nhiều sinh hoạt văn nghệ cho toàn trường, với bích báo, tập san Thông Reo, những đêm trình diễn văn nghệ vào dịp Tết, cuối năm học.Từ sau năm 1954, trường trung học Quang Trung vốn là tiền thân của nữ trung học Bùi Thị Xuân sau này, được sự góp mặt của nhiều vị giáo chức vào từ Miền Bắc, trong ấy có nhạc sĩ Thẩm Oánh. Từ lúc ấy, các môn dạy chuyên khoa như toán, lý hóa, Anh Pháp văn mới được phân định rõ ràng. Từ đó, nhiều lớp thanh thiếu niên đã nối gót nhau tạo nên những thế hệ thanh niên Việt trưởng thành trong đất nước không còn là thuộc địa của Pháp, với tự do và dân chủ.

 Bây giờ, quay lại Dalat không sao tìm thấy lại trường xưa nữa bởi nhà hàng, quán ăn, tiệm buôn được xây cất nhiếu tầng và chợ búa đã vây quanh kín mít. Cả một vùng đồi núi trống vắng ngày xưa nay đã trở thành một khu thương mại xô bồ. Người ta phải đi tới ngay trước đường vào trường mới nhìn ra được cổng trường Bùi Thị Xuân núp khiêm nhường sau dãy phố buôn bán náo nhiệt.

 Và người xưa nay cũng không còn nữa.

 

 Trần Ngọc Toàn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn