BA TÔI – CHÚT TÌNH BÙI THỊ

20 Tháng Hai 201910:25 CH(Xem: 2736)

BA TÔI – CHÚT TÌNH BÙI THỊ

(Kính tưởng nhớ ba, nhà thơ Việt Trang Phạm Gia Triếp. Con kính chúc quý thầy cô trường Bùi Thị Xuân an lạc, khỏe mạnh)

Tri kỷ cùng ta một ấm trà

Quên đi ngày tháng lắm phôi pha

Nghe làn khói ảo huyền bay quyện

Nồng chút hương ngào ngạt thoảng qua

Rồi thả hồn thơ mơ vạn nẻo

Sau tìm ý mộng kết ngàn hoa

Lại thêm điếu thuốc ân tình nữa

Như bạn tâm giao sống một nhà

Việt Trang (Ấm trà tri kỷ)


BÁC CHƠN TOÀN- THÂN PHỤ CÔ TÔN NỮ CẨM QUỲ

Năm 1965, tôi thi đậu vào trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân. Học sinh ngữ Pháp nên tôi vào lớp đệ thất 4 do cô Tôn Nữ Cẩm Quỳ hướng dẫn.

Cô Cẩm Quỳ, người con gái xứ Huế thơ mộng giọng nói nhẹ nhàng. Khuôn mặt thanh tú thêm nước da ngăm đen, nét của một người lai Ấn Độ khiến cô đẹp mặn mà, quyến rũ người nhìn,

Giờ học vẽ của cô giúp cho chúng tôi những hiểu biết căn bản về hội họa. Bài thực hành đầu tiên của lớp đệ thất là lập bảng pha màu: học sinh vẽ một vòng tròn lớn, trên vòng tròn kẻ nhữ cóng tam giác đối xứng, ô tam giác nhỏ giao nhau được tô màu bằng couleur nước. Ba ô lớn được tô 3 màu chính xanh, đỏ, vàng. Hai màu chính pha với nhau ra màu phụ rồi tô vào ô nhỏ ở giữa…tiếp tục như vậy cho được 24 màu chính và phụ cơ bản.

Cô dạy kỹ thuật phun màu bằng bàn chải đánh răng được chúng tôi áp dụng làm thiệp Xuân. Bạn Kim Thoa, người bạn chí cốt, nheo mắt ngắm độ dài khuôn mặt tôi vẽ bằng bút chì đen sau học bài họa chân dung. Những bài làm chưa xong hay phải làm 2 tuần đều được cô ký vào để tránh thay giấy mới hay nhờ người khác làm lại nói lên sự quy củ của nền giáo dục xưa.

Các lớp Đệ nhất cấp học buổi chiều nên sau ăn cơm trưa, ba trở lại Ty Thông Tin tiện đường chở tôi và Thoa lên trường.Vài tháng sau, chờ tôi quen trường lớp. Ba đưa một phong bì dày và dặn:

-Con xuống Cư xá giáo sư đưa cho bác Chơn Toàn

Bác Chơn Toàn tên thật là Tôn Thất Mậu, thân phụ cô Cẩm Quỳ và cô Thanh Trà. Chiếc phong bì chứa những bài thơ mà 2 người làm và họa với nhau. Ba tôi, nhà thơ Việt Trang, bấy giờ còn rất trẻ, bác Chơn Toàn hơn nhiều tuổi nhưng cùng sở thích yêu thơ. Tôi và Thoa men theo con đường mòn của ngọn đồi nhỏ trước mặt trường xuống khu cư xá và mang về lại thư phúc đáp

Nhìn nhau trăng khuyết lại trăng tàn

Dài dặc ngày đêm dạ thót thon

Bút ngọc tri âm hòa sóng bạc,

Lời vàng tri kỷ tạc lòng son

Nha thành thắng cảnh tày hoa gấm

Đà Lạt thân tình dội nước non

Vẹn tiếng Việt Trang cùng chung thủy

Chơn Toàn gắn bó nghĩa keo sơn

                               Chơn Toàn Tôn Thất Mậu

                                         11/67

Năm 1973, bác Chơn Toàn mất, ba tôi tiếc thương

Câu thơ bạn cũ tìm trong mộng

Tiếng ngọc người xưa biệt giữa đời

Đốt nén tâm hương xin bái vọng

Theo niềm thương tiếc lệ châu rơi

                                     Việt Trang ( khóc bạn )      

                                     16 . 5 âm lịch Quý Sửu

 

BÁC NGÔ LA- CHÚ CỦA THẦY NGÔ HIỆP

Năm 1950, ba mạ vào Dalat” không có bà con thân” nhận những người họ mạc xa như dì Cáp tận Hai Bà Trưng, ôn Bốn cai trường Trần Hưng Đạo làm ruột thịt. Ba mạ luôn trân trọng tình cảm của hàng xóm láng giềng và nhất là những người cùng quê hương như bác Ngô La.

Bác Ngô La vào Dalat rất lâu, bác làm Ấp trưởng ấp Đa Hòa.     (bây giờ vẫn còn ngôi đình Đa Hòa nằm trên đường Duy Tân ) Người bác người thấp, mập mạp, nước da trắng hồng. Ba xem bác như người thân nên đám cưới chị Mai Trang (1974), bác được mời như người thân đi đón nhà trai. Các con của bác như các anh Ngô Lân, Ngô Lộc… bạn đồng trang lứa với anh Việt.

 Bác Ngô La có 2 khách sạn Vinh Quang 1 và 2. Khách sạn Vinh Quang 1 nằm trên đường Hàm Nghi cạnh con dốc Sông Lô nhỏ, dài dẫn  xuống đường Phan Đình Phùng. Mỗi đầu năm, ba thường đưa gia đình đến chúc tết. Chúng tôi được bác đãi những món ăn xứ Huế và được nhận những phong tiền lì xì màu đỏ.

Ba khóc tiễn bác về cõi hư không

Như lá vàng rụng rơi về cội

Xin ngày mai xanh lạ trên cành

Như cát bụi trở thành cát bụi

Xin hình hài hoá thể lai sinh

 

Đốt nét hương thơm vĩnh biệt anh

Nghe niềm xao xuyến động thiên thanh

Ngàn năm gối nhẹ đầu lên núi

Anh gặp ngàn năm giấc mộng lành

                                      (Việt Trang- Đôi dòng hoài niệm)

 

Bác Ngô La là chú của thầy Ngô Hiệp dạy môn Lý Hóa. Thầy dạy giỏi và nghiêm, không nữ sinh nào dám cười giỡn trong giờ học hay copy lúc kiểm tra vì thầy sẽ nhận ra và cho điểm 0. Suốt những năm học với thầy, tôi vẫn nghĩ thầy không biết mình là con của ba, bạn của chú thầy, bởi thầy xem tôi như các bạn cùng lớp.

Năm 2018, các cựu học sinh Bùi Thị Xuân ở Sài Gòn  họp mặt đón cô Hường về Việt Nam. Buổi họp mặt có nhiều thầy cô : Thầy Dũng, cô Hoa Mai; thầy Uyên, cô Bích; cô Thanh Tâm, thầy Hiền, cô Luông… cả thầy Ngô Hiệp cùng hơn 40 học sinh cũ. Thầy chạy xe Honda đến dự. Dáng thầy khỏe, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt thanh thoát.

Buổi hàn huyên của thầy trò thật thân thiết. Gần trưa, thầy về sớm, tôi và Kim Thoa tiễn chân xuống cầu thang. Nhìn thầy, tôi bỗng nhớ ba, buộc miệng hỏi:

-Thầy còn nhớ con không.

Thầy gật đầu:

-Thầy nhớ chớ. Con là Mai Hương. Con giống ba con lắm.

Ôi. Tôi thật không ngờ, thầy nói tiếp :

-Con! Cho thầy gởi lời thăm ba con.

Tôi ngậm ngùi:

-Dạ! ba con mất đã 8 năm rồi thầy

Thầy lặng yên một lúc:

-Hôm nào thầy về Dalat, sẽ ghé nhà thắp nhang cho ba con.

Dạ! Chúng con cảm ơn thầy còn nhớ ba con, một người bạn vong niên.

CUỐN SÁCH ĐIỆN BIÊN PHỦ- THẦY HUỲNH VĂN UYÊN.

Sau năm 1975, tôi là giáo viên Tiểu học được đưa lên dạy kê môn Sử Địa cấp 2. Chương trình lúc ấy chưa thay đổi nên nhiều người ngạc nhiên khi thấy một học sinh ban B toán như tôi mà giảng dạy thành thạo như người học ban C; bởi trong tôi, niềm đam mê học sử địa được truyền từ người giáo sư thời còn học trung học: thầy Huỳnh Văn Uyên.

Thầy Uyên tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm Huế. Thầy có kiến thức rộng mênh mông và nói lưu loát. Đứng trước tấm bảng đen, thầy giảng bài và vẽ minh họa bài dạy sống động bằng cả 2 tay: một tay viết và tay kia vẽ cùng một lúc. Học sinh thán phục bởi chữ thầy rất đẹp, vẽ lại chính xác. Tôi thích ngắm những tấm bản đồ vẽ đủ màu phấn và thấm từng lời dạy về các trận đánh giặc ngoại xâm. Thích nhất thầy có thể thêm thắt các câu chuyện ngoài sách giáo khoa. Tôi hiểu rõ trận đánh Điện Biên Phủ dẫn tới ký hiệp ước Genève nhờ sự giảng dạy tận tình của thầy và một cuốn sách mà ba tôi cất giữ.

Trong chiếc tủ gỗ âm trong tường ở ngôi nhà số 8 đường Trần Nhật Duật của chúng tôi có 1 ngăn nhỏ dưới cùng cũng nằm âm dưới sàn nhà là nơi ba tôi thường cất giữ những giấy tờ quan trọng. Chỉ khi nào ba đi vắng, những đứa con nhỏ mới dám lén giở tủ ra lục lọi.Ngoài cuốn gia phả, giấy khai sanh…ba còn lưu giữ một cuốn sách có nhiều hình ảnh đẹp in màu của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trước năm 1975, ở miền Nam, những tài liệu như vậy rất hiếm, hiếm hơn nữa khi đó được in tại miền Bắc chừng  năm 1956-1957: các vị tướng còn rất trẻ cùng bộ chỉ huy ngồi trong những chiếc lều vải, ngọn đồi Him Lam cờ bay phất phới, tướng De Castrie giơ tay đầu hàng...Tuy còn nhỏ, tôi cũng biết đó là tài liệu cấm nên ba mới dấu kỹ không để lẫn với tủ sách gia đình. Thời gian sau tôi không thấy cuốn sách đó nữa nên nghĩ nó thất lạc trong lúc chạy di tản.

Nhân ngày nhà giáo 20.11.2018, các cựu học sinh Bùi Thị Xuân họp mặt cùng quý thầy cô. Thầy Uyên tâm sự:

-Trước năm 1975, ba con có cho thầy mượn một cuốn sách về chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuốn sách ấy do miền Bắc xuất bản. Không hiểu sao mà công an biết, tới tịch thu và tra hỏi thầy cuốn sách có từ đâu. Thầy nói: thầy được một người nào đó cho mượn mà không nhớ tên. Cũng may mà họ bỏ qua. Thầy chỉ sợ liên lụy đến ba con. Ba con là người thầy kính trọng nhất.

Trong đám tang của ba, thầy tới viếng và ngồi thật lâu trước bài vị

TẤM ẢNH ĐEN TRẮNG-GIÁO SƯ TRẦN THỊ PHƯƠNG THU

Nhiều người Dalat biết và đã từng nếm vị ngon ngọt của kem Việt Hưng nằm trên đường Thành Thái và Lê Đại Hành. Quán kem rộng thoáng, ngồi từ đó có thể ngắm nhìn hồ Xuân Hương. Thời tiết Dalat quanh năm lạnh, thêm cái lạnh của kem đủ mùi vị, có cái thú riêng thu hút nhiều khách. Chủ nhân quán là cụ Trần Văn Khắc, một trong những người sáng lập Hướng Đạo Việt Nam giúp thanh thiếu niên miền Nam thể hiện tư thế sẵn sàng để giúp ích, đóng góp vào đời sống cộng đồng và đối phó với những khó khăn trở ngại gặp phải trong cuộc sống. Cụ có 2 người con gái cùng là giáo sư trường Bùi Thị Xuân: cô Trần Thị Phương Thu và cô Trần Thị Kim Phượng.

Cô Trần Thị Phương Thu, giáo sư dạy môn Anh văn và sau là Hiệu trưởng của trường. Cô còn dạy trường liên quân Võ Bị Quốc Gia Dalat nên có uy tự nhiên khiến mọi người nể phục.

 Năm lớp đệ tam chúng tôi mới học Anh văn, tuy một tuần chỉ có 2 giờ nhưng không học sinh nào dám lo là bởi cô rất khó. Ngày đó tôi nghiệm ra rằng chúng tôi sợ cô hơn các thầy cô khác. Học sinh chăm chỉ học từ vựng, văn phạm nên kiến thức môn tiếng Anh giúp nhiều trong cuộc sống cho đến hôm nay.

Đầu giờ có chừng 10 phút để dò bài, học sinh đứng trước bảng đen nhìn xuống các bạn. Vốn tính nghịch ngầm, tôi chờ Kim Thoa lên bảng, làm đủ trò tha hồ nheo mắt, méo miệng chọc bạn cười. Thoa không dám nhìn lại, trả bài xong về lại chỗ ngồi thể nào cũng nhéo tay tôi trả thù. Trò chơi trẻ con ấy trải dài suốt thời gian đi học và chúng tôi ngây thơ tin rằng giáo sư ngồi cạnh đó không biết

Sau năm 75, chúng tôi không gặp lại cô, mỗi lần đi ngang căn nhà có khung cửa sổ màu xanh lá trên đường Trần Bình Trọng, tôi nhớ những lần cùng Kim Thoa tới nhà chúc tết cô; nhớ chiếc xe volfagen màu xanh ngọc nhỏ nhắn; nhớ vị giáo sư nữ duyên dáng nhưng mạnh mẽ.  

Khi ba mất, trong những sách vở cũ, tôi tìm  gặp một tấm ảnh đen trắng chụp cô, ba và vài người trong một buổi tiệc. Cô dịu dàng trong chiếc áo dài, nụ cười rất tươi, ánh mắt sáng thông minh. Hình như mọi vẻ làm uy với học trò để lại ở sân trường. Cô là một cô gái trẻ thanh xuân có một cuộc đời trẻ trung, sống động mà đám học sinh chúng tôi không biết đến.

Bỗng dưng tôi nhớ lại tiết học ngày xưa và ngộ ra rằng: không phải cô giáo của tôi không biết học trò đang làm trò hề dưới đây. Cô biết và gỉả vờ không thấy để cho học trò mình đỡ căng thẳng, thư giản trong giờ học và buồn cười nhìn khuôn mặt ngô nghê của chúng tưởng đã qua mặt mình. Ôi cô giáo của tôi! Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò mà cô lại là thầy của học trò …..

Phạm Mai Hương 18.2.2019

*Ghi chú: Con xin phép được xưng hô với các vị tiền bối như thời ba con còn tại thế. Ba con là Chi hội trưởng hội Phụ huynh học sinh Bùi Thị Xuân gần 20 năm nên thân thiện với với hầu hết giáo sư trong trường,  Con chỉ xin ghi lại vài vị qua những câu chuyện ba  kể.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn