Nước Liban - Lebanon

05 Tháng Mười Hai 201810:54 SA(Xem: 4169)
Nước  Liban - Lebanon
 
 
Nước Cộng Hòa Dân chủ Nghị viện Liban /Lebanon nằm cạnh Syrie và Israel trên vùng Cận Đông, có diện tích 10.452 km2 cho khoảng 4.5 triệu dân. Trong suốt thời huy hoàng Liban, được danh tặng là Viên ngọc miền Cận Đông từ cảnh sắc: một dải đất dài 250 km, rộng từ 25 đến 60 km, với 240 km bờ biển hướng ra ngát xanh Địa Trung Hải. Thấp thoáng dàn trải 170 km rặng Mont-Liban.. với nhiều đỉnh cao hơn 3000 mét phủ tuyết trắng, cùng bao dẫy đồi thoai thoải và thung lũng đẹp tươi. Tên Liban có nguồn từ cổ ngữ Ả-rạp lbn = trắng, Lébnan hay Jabal Lubnān /Núi Liban -từ ngàn xưa luôn là biên thùy thiên nhiên bảo vệ cõi bờ. Trên vùng cao nơi đây mọc xanh rì nhiều cánh rừng cây sồi và thông, nhất là giống thông bách hương cedar/cèdre hay tuyết tùng Liban /Cedrus libani là biểu tượng của nước nhà. Hình cây tuyết tùng được dùng tô điểm trên quốc kỳ nền trắng viền 2 sọc đỏ.    
 
 
      Huyen-Anh Du-Ky 179   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 123   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 070                     
 
Tên Liban từng được đề cập nhiều lần ở 3 trong số 12 phiến đá tạc Gilgamesh Epic và trong Ebla Library -có niên đại 2900 trước Công nguyên, nhất là trong kinh thánh Do Thái giáo Torah khởi nguồn từ tổ phụ Abraham -là nền tảng tín lý của các nhánh Kitô Giáo thờ Đức Chúa Trời /Jehovah /Allah hay Chúa Jesus của tín lý Một Đấng Ba Ngôi /Tam Vị Nhất Thể, được Công giáo Roma khẳng định sau này. Sách thánh Cựu Ước từng mô tả sự phong phú của lãnh thổ Liban như "một vùng đất của sữa tươi và mật ong", có đia thế ven Địa Trung Hải miền Cận Đông, không xa châu Phi, lại ở cạnh các cửa sông và Biển Đỏ dẫn qua châu Á, khiến Liban trở thành mục tiêu chiếm đoạt của nhiều đoàn quân chinh phục qua bao thiên niên kỷ. Riêng Saida và Tyr được Chúa Jésus nhắc đến nhiều lần trong kinh sách Tân Ước.

              Liban-Syrie-Jordanie 05-06 038       Liban-Syrie-Jordanie 05-06 025                                                     * Tàn tích 7000 năm trên thành phố Byblos
 
Lịch sử Liban có nền móng ở Byblos từ khoảng 7000 năm cũ, là miền đất quê hương của dòng giống dân du mục Phoenicia -từ một nhóm nhỏ người Canaanite. Để theo thời gian trở thành dân thương thuyền, mạo hiểm trên khắp các vùng biển xưa, từng thu gọn nền thương mại trên toàn miền đất biển Méditerranée, để lập chi nhánh trên các thành phố.. Và đã bị thống trị sâu đậm bởi nhiều cường quốc như Persia, Assyrian, Hy Lạp Macedonian, La Mã, Armenia, Hy Lạp Byzantine, Ả-rạp, Seljuk, Mamelukes, đoàn quân Cruisaders, đến Đế chế Ottoman -bị sụp đổ sau Thế chiến l, để một Đại Liban được thành hình ngày 1/9/1920 qua Hiệp Ước San Remo, cho nước Pháp quyền đặt nền đô hộ trên Liban -và cả Syrie cạnh bên. Sau, với nhiều cuộc đấu tranh giành chủ quyền, Pháp phải chấp nhận nền độc lập của Liban năm 1943.
 
 
Liban-Syrie-Jordanie 05-06 TY 042   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 2441   IMG-0567             
 
Với dân số khoảng 4.5 triệu nhưng trên phần đất dài hẹp Liban có đến hơn 6 triệu người sinh sống. Theo ước tính, trên toàn thế giới có từ 12 đến 14 triệu dân gốc Liban lưu vong vì nhiều lý do, hoặc từ trên 1 thế kỷ nay rất đông đảo đã chọn Brazil, Canada, Mỹ, Pháp, Argentina.. Liban là một đất nước vô cùng phức tạp từ ngàn xưa, bởi vị trí thuận lợi nên luôn bị nhòm ngó, và cũng từ tình trạng khó khăn của xã hội lẫn chính trị. Hay của cuộc nội chiến tương tàn 1975-1990, khởi đầu từ những bất đồng gây hiềm khích giữa 2 nhánh chính Shia và Sunni của Hồi giáo cùng các nhánh Thiên Chúa giáo, để kéo dài trong 15 năm giữa bom nổ đạn rơi, thanh trừng đẫm máu, ám sát.. khiến đất nước suy sụp. Nhiều thành phố tan tành, mọi cơ cấu quốc gia bị lũng đoạn nặng nề, gây tử vong cho hơn 200.000 thường dân cùng vô vàn phế nhân, cũng như đã đẩy biết bao người ra khỏi quê hương.. Và cho dù cuộc chiến đã chấm dứt nhưng ảnh hưởng và hậu quả sâu rộng vẫn luôn tiềm tàng, không dễ gì phá bỏ được trong những định kiến và duy tư..

 Liban-Syrie-Jordanie 05-06 043    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 077    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 TY 077  
 *Đền Hồi giáo Al-Amin trên thủ đô Beyrouth /Beirut  *Nhập gia tùy tục, phụ nữ viếng đền phải che phủ rất kỹ càng..

.. Hay như vào tháng 7/2006, bùng nổ Cuộc chiến Israel-Hezbollah, do Israel sau vài đụng độ gần biên giới đã tấn công vào sâu trên lãnh địa Liban, quyết tâm tiêu diệt nhóm Lực lượng bán quân sự Hezbollal -gốc Islamic, được thành lập năm 1982, có đại diện tham gia chính quyền, lại luôn giúp đỡ dân Ả-rạp nghèo tụ tập đông đúc nơi vùng nam Liban trên các phương diện xã hội, y tế, giáo dục.. khi họ bị Chính phủ trung ương hờ hững bỏ quên. Nhóm Hezbollah pro-Syrie luôn được nâng sức bởi Iran, cả 2 xứ bạn Ả-rạp có quân đội hùng mạnh này luôn cho Israel là kẻ thù không đội trời chung và tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng với khối lượng vũ khí khổng lồ của họ. Tổ chức Herzbollah rất có công trong việc dẹp cuộc Nội chiến 15 năm, lại được lòng và sự giúp đỡ của dân Liban khắp thế giới. Cuộc chiến giữa một kiên trường và cứng rắn Israel -bởi thế mới có ngày hôm nay, cho dù Israel rất nhỏ bé lại thưa dân, nhưng với sức mạnh của lòng kiên trì và sự đồng nhất dân quân, nhất là được hỗ trợ từ công đồng Do Thái thành công nơi hải ngoại, nên Israel rất ngang tàng, chả ngán sợ bất cứ điều chi, kể cả khối Ả-rạp gồm 22 xứ sở và 423 triệu dân. Nhưng sau 34 ngày của cuộc chiến, Israel phải ngưng mọi xung đột theo lệnh của Liên Hiêp Quốc, để lại trận địa bao xác dân quân cũng như khiến gần 1 triệu người Liban, và hơn nửa triệu dân Israel phải tháo chạy ra khỏi các tỉnh làng. *Hezbollah "Đảng của Thượng Đế", chính thức công bố năm 1985, là một đảng phái chính trị đặt trụ sở trên Liban, gồm nhiều binh sĩ thuộc nhánh thiểu số Shia -đa phần người xứ Iran.  Các hoạt động bán quân sự của Hezbollah được giám sát từ Hội đồng Trung ương Jihad -là Cơ quan đấu tranh bảo vệ Hồi giáo của nhánh Shia, khi cần sẽ được ra tay với những biện pháp mạnh bạo. Đa số các quốc gia trên thế giới đều xếp hạng tổ chức Hezbollah vào danh sách các nhóm khủng bố. Từ năm 2005, Hoa Kỳ hỗ trợ vũ khí cho Israel nhiều nhất, sau là Liban.
  
Liban từ hơn một thập niên đã tạm ổn định, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc vực dậy sau bao khủng hoảng làm tê liệt guồng máy xã hội và gây lũng đoạn nặng nề cho nền kinh tế, nhất là phải đương đầu với cảnh tranh chấp tử sinh giữa các đảng phái, lạm dùng quyền hành, tham nhũng.. Bao hiềm khích giữa người khác giáo phái luôn là một cơn sốt ngầm trên xứ sở đa chủng tộc và đa tôn giáo này. Người dân cũng có những chọn lựa khu vực riêng để sống xa nhau cho bớt căng thẳng, như tín đồ Thiên Chúa giáo tập trung ở vùng đông, phía tây thành phố là thủ phủ của người Ả-rạp. Trên một Liban đã quá tải với dân Palestine trốn tránh sự kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền Israel từ nhiều thập niên, nay có hơn 1 triệu người tị nạn xứ Syria sống lây lất trong những lều trại của biết bao khu định định cư tạm bợ, do từ tháng 3 /2011, qua cuộc bạo động "Mùa xuân Ả-rạp" đòi nhân quyền và dân chủ, để dẫn đến tình trạng tan nát, thảm thương không lối thoát hiện nay qua sự can thiệp ồn ào của nhiều cường quốc.  
 
                    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 093          IMG-0552     
                                                            * Thánh đường Saint John Chính Thống giáo   

Liban cũng phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp trên bình diện tín ngưỡng. Hồi giáo có 2 nhánh lớn: Sunni với hơn 85% của tổng số 1.8 tỉ tín đồ toàn thế giới, 10% thuộc nhánh Shia và vài nhánh phụ. Dân số Liban 90%  có gốc Ả-rạp -mà 54% là tín đồ Hồi giáo của 2 nhánh Sunni và Shia, từ 13 thế kỷ qua luôn chống đối nhau kịch liệt do không thống nhất được ngôi giáo chủ -theo huyết thống hay được tuyển cử bời tài ba, sau khi nhà lãnh đạo Mahomet qua đời. Còn lại 38%  theo Thiên Chúa giáo với khoảng 10 nhánh quan trọng, từ Công giáo Roma đến Anh giáo, Tin Lành, Maronite, Cơ đốc Hy-lạp, Cơ Đốc Arménien, Chính thống giáo.. Và gần 6% dân Liban theo giáo phái Druze. *Với tổng số khoảng 15 triệu tín đồ trên toàn vùng Trung Đông, nhánh đạo và hệ thống Đức tin Độc thần phái Druze khẳng định sự Nhất Thể Thiên Chúa. Tuy lấy nguồn cội từ Do Thái Giáo, như Kitô giáo và Hồi Giáo nhưng Giáo phái Druze từ chối Tín lý Thiên Chúa Ba Ngôi của Vatican-Roma cũng như không áp dụng khắt khe 5 Giáo điều cột trụ của Hồi Giáo. Các tín đồ của "Một Thiên Chúa duy nhất" phái Druze tập trung nhiều ở vùng nông thôn và miền núi xứ Liban, được bảo vệ và công nhận là 1 trong 5 cộng đồng Hồi Giáo chính thức trên Liban, gồm các nhánh Sunni, Shia, Druze, Alawi và Ismaili -đều có đại diện trong Cơ quan bảo vệ tôn giáo của guồng máy chính quyền. Và chỉ có trên Liban ngày nay mới có được sự đa dạng tôn giáo rất phong phú tương đối yên ổn này. Người theo giáo phái Druze nổi tiếng nhất thế giới là nữ luật sư Amal Alamuddin, phu nhân mỹ miều của tài tử Hollywood George Clooney.
 

Liban-Syrie-Jordanie 05-06 008   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 TY 102   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 010  
*Con đường vòng La Corniche của thủ đô nhộn nhịp hàng quán, bars, cafés-terrasses hướng ra xanh ngát Địa Trung Hải tô điểm bởi Le Rocher aux pigeons /Raouché, ven sườn đồi dàn trải những buildings cao tầng, chung cư, nhà xinh cửa rộng..  

Thủ đô Beyrouth /Beirut với hải cảng quan trọng, là trung tâm tài chính cũng như văn hóa, thương mại và có vị trí chiến lược quốc tế. Liban không nhiều tài nguyên thiên nhiên, ngay cả mặt đất cũng không đủ mầu mỡ để nuôi dân, nên từ nhiều thế kỷ qua người Liban chuyên và có khả năng vượt trội về ngành thương mại, từ việc buôn bán đổi chác trên những thuyền tầu kiên cố đóng bằng gỗ cây tuyết tùng, rong ruổi khắp các vùng biển hay trên lưng lạc đà giữa mênh mông cát vàng sa mạc. Họ cũng rất xuất sắc trong lãnh vực ngân hàng, do tiên phong tạo nên một hệ thống vay, mượn, gìn giữ tiền tệ rất thành công từ ngàn xưa, làm kim chỉ nam cho cơ cấu các ngân hàng của nhiều thế hệ sau này. Một thời Liban với tổ chức ngân hàng vững chãi hàng đầu thế giới, được danh tặng là Thụy Sĩ của vùng Trung Đông.

IMG-0555     IMG-0554     IMG-0556
*Từ ảnh hưởng nền văn minh thời thuộc địa, thủ đô Beyrouth mang kiến trúc mới và tươi đẹp như vùng Côte d'Azur ở miền nam nước Pháp

Thủ đô Beyrouth tươi đẹp và vùng phụ cận có hơn 2 triệu dân, với nhiều trung tâm thương mại sang trọng và gia cư tân tiến, lắm khu phố cũ nay được hay thế bằng nét hiện đại, đường sá tấp nập xe cộ người qua kẻ lại, nhiều bờ nước cũng được bồi lấp để lấn xa trên mặt biển. Người Ả-rạp Liban có nước da trắng sáng xem gần giống dân Âu châu, từ cuộc sống chung của nhiều sắc dân và tôn giáo nên Liban rất "thoáng", phụ nữ đạo Hồi mặc theo truyền thống xưa với áo choàng dài và quấn khăn voan che tóc, người theo Kitô Giáo hay giới trẻ nói chung, ưa chuộng thời trang Âu Mỹ. Liban có vị thế đặc biệt đối với Khối Ả-rạp, luôn là một trung tâm thương mại, văn hóa và giáo dục đa dạng, nhất là đa tôn giáo trên vùng biển Méditerranée. Cơ sở các công ty và ngân hàng thuộc hàng đầu thế giới luôn chọn Liban, dù bao rối bời chính trị và ảnh hưởng của cuộc nội chiến đã ít nhiều đình trệ khả năng phát triển của Liban so với những Tel Aviv, Dubai, Abu Dhabi, Doha. Hàng năm nhiều tỷ đôla của người Liban hải ngoại được gởi về để đầu tư, kiến tạo trên phần đất nhỏ bé xứ mẹ. 
    Ba di tích quý báu nhất của Liban là Thành phố cổ Byblos, Đền Bacchus và Đền Jupiter.
 
*BYBLOS, 
 
Phần đất được xem như "Chiếc nôi của nền văn minh nhân loại" và là điểm phát minh ra bảng chữ Phoenician -từ văn bản soạn theo âm ngữ, là nguồn cội bảng chữ cái cho những thế kỷ sau này. Tên Byblos có gốc từ biblia -những mảnh giấy bồi làm từ loại cây sậy nước papyrus mà người Ai Cập tiên phong dùng để ghi các ký tự, sau được dân thương mại hàng hải Hy Lạp mang đến vùng biển Méditerranée. Các thử nghiệm của ngành khảo cổ với chất carbon cho biết Byblos là phần đất liên tục có người sinh sống xưa cổ nhất thế giới. Theo tiến trình của lịch sử nhân loại bắt đầu từ thời tiền sử thuộc niên đại đồ đá cũ /paleolithic sang thời đồ đá mới /neolithic, đến giai đoạn phát triển nông nghiêp -khoảng từ 8000-5000 năm trước Công nguyên. Đây là lúc từng nhóm dân du mục đã bắt đầu bớt di chuyển liên tục, họ ở lâu hơn một chỗ để tập làm rẫy, gầy dựng ruộng vườn hoa mầu.. Đến cuộc lập làng thôn đầu tiên để quây quần định cư trên phần đất Byblos ven biển, nhằm đánh bắt tôm cá..
 
Liban-Syrie-Jordanie 05-06 0931      IMG-0565     Liban-Syrie-Jordanie 05-06 180
*Lâu đài của các chiến sĩ Đoàn quân Thập Tự chinh, được xây dựng và trùng tu trong suốt thời gian 1095-1291 của 8 cuộc Thánh chiến

Nhiều nhà khảo cổ cho rằng Byblos có tuổi từ hơn 5000 năm trước Công nguyên, qua khám phá vết tích của "bức tường nguyên thủy" và nền móng nhiều căn nhà với vật dụng bằng đất sét, đất nung, vũ khí thô sơ.. Theo tiến trình tăng trưởng của Byblos vào những thiên niên kỷ sau, nhiều gian nhà trở nên vững vàng dùng đá tạc, cả 9 ngôi mộ bề thế, từ tập tục mai táng giới quyền quý với rất nhiều của cải quý báu. Tiếp nối với nền móng ngôi đền gần 5000 năm tuổi hình chữ L thờ Thần El /Elohim /Jaweh /Jehovah -là "Đấng Tạo hóa sinh ra các vị Thần và thiên đường, cũng như tạo nên vũ trụ, vạn vật và con người" của đức tin Đa thần giáo theo truyền thống Phoenician. Theo thời gian Bybos trở thành bến cảng sung túc và là tụ điểm bán buôn đổi chác cực thịnh và tối cần thiết cho toàn vùng Cận Đông suốt nhiều thiên niên kỷ trên Địa Trung Hải. Và là một trung tâm tôn giáo thờ các vị thần đa quyền năng như Thần Osiris, Thần Ba'al, Thần Jupiter.. Byblos cũng từng chịu đựng bao cuộc xâm lược của Persia, Đại đế Alexandre, La Mã, Byzantine, Ả-rạp, nhiều đoàn quân Thập Tự chinh.  Ngày nay thành phố cổ Byblos với màu đá sáng ven biển xanh Địa Trung Hải, nằm trên thành phố Jbeil /Núi nhỏ, không xa thủ đô Beyrouth nên thu hút đông khách viếng nhiều di tích cổ xưa nhất thế giới, lâu đài của các Chiến sĩ Thập tự chinh, bến cảng làng chài đầu tiên của nhân loại.

  Liban-Syrie-Jordanie 05-06 071    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 058   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 030     
*Đền Obélisque, đài tưởng niệm với những phiến đá tạc thuôn dài  *Cột kèo và quan tài đá  *Tân cổ giao duyên: tàn tích xưa và tòa nhà mới mái đỏ!

 IMG-0563    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 078   IMG-0566
*Amphithéâtre romain /Nhà hát lộ thiên La Mã  * Cổ thành trên đồi cao    *Làng chài đầu tiên của sắc dân du mục
 
*BAALBEK, 

Tên Baalbek được đặt từ Thần Ba'al, một thời mang tên Heliopolis /Thành phố Mặt trời, miền đất trù phú do thành công thương mại của sắc dân Phoenicia thuộc dòng giống Canaanite từ hơn 3000 năm trước Công Nguyên.  Vào thời điểm các vị thần thánh từ phương đông được truyền đến với bao huyền thoại tốt đẹp, Baalbek được xây dựng nhiều đền đài huy hoàng để tôn thờ Thần Ba'al, vị thần của những trận giông to bão lớn, cả có uy quyền tạo ra sấm sét và mưa thuận gió lành. Thần Ba'al cùng với nữ thần phối ngẫu Astarte là 2 đấng được tôn sùng nhất trên vùng biển rộng phía đông Địa Trung Hải. Ngày nay Baalbek là một quần thể với nhiều di sản đền đài, dần được tu chỉnh để tôn vinh các chứng tích huy hoàng, vĩ đại của các nền văn minh cổ đại La Mã, Greco-roman, Syria-roman, Persia.. qua những thế kỷ chiếm đóng. Khu vực Baalbek được Tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa của Thế giới. 
   Ba đền đài quan trọng nhất Khu vực Bảo tồn Di tích cổ Baalbek là: Đền Bacchus, Đền Jupiter và Đền Venus.
Sanctuaire de Bacchus, 
đền hoàn hảo nhất khu vực, cũng là một trong những đền tích La Mã to lớn nhất và được bảo tồn tốt đẹp nhất thế giới, thờ Thần Rượu Bacchus -tượng trưng cho sự dư dả và phú quý. Được xây dựng suốt trong hơn 2 thế kỷ, đền Bacchus thật vĩ đại với kiểu peristyle -được bao quanh bởi một dẫy cột đá cao, dùng làm cảnh chứ không để chống đỡ mái vòm như thường thấy. Có tổng cộng 42 cột đá khổng lồ, tạc từ những khối đá nguyên tảng dùng cho vòng ngoài và phía trong đền, nơi có một cella /phòng rộng hay đại sảnh gần như toàn vẹn, ngày trước dành để tôn thờ tượng tạc các vị thần thánh. Những tàn tích xưa nay đã ít nhiều được tu chỉnh, cho khách xa ngậm ngùi và cảm nhận được nét huy hoàng một thuở.

 
IMG-0560   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 TY 060   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 TY 057 
 * Giữa ngổn ngang kèo cột và ngàn vạn phiến đá, đền thờ Thần Ba'al huy hoàng vĩ đại dần được tái tạo dựng 

           Liban-Syrie-Jordanie 05-06 252Liban-Syrie-Jordanie 05-06 252       IMG-0561                                                                                    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 251
                                                                            *Một cella /đại sảnh của Đền thờ thần Bacchus
 
 
* Đền Jupiter,  
tôn thờ vị thần La Mã có uy quyền nhất trong tất cả các vị thần. Theo huyền thoại,Thần Jupiter cai trị bầu trời và mặt đất với toàn thể nhân loại. Thần Jupiter được xem là đồng hóa với thần Zeus của Hy Lạp và Thần Shiva của Ân Độ giáo. Đền Jupiter với những nền móng vững vàng, nay đang trong tình trạng được khôi phục, còn biết bao khối đá và kèo cột chung quanh.



Liban-Syrie-Jordanie 05-06 227    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 264    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 261           
*Được xây dựng và bổ túc qua nhiều thế kỷ nhưng Đền Jupiter phải chịu bấp bênh từ sức tàn phá của thời gian, chiến tranh, động đất.. Nay đứng chơ vơ 6 cột đá granite cao 22 thước được vững vàng tái tạo, cho khách viếng mường tượng được nét huy hoàng vĩ đại của một đền tháp xưa. 


IMG-0562    Liban-Syrie-Jordanie 05-06 244    IMG-0557
*Khu vực đền Jupiter có những tảng đá chạm tuyệt đẹp.. Cùng chênh vênh hàng cột chống cho giàn cổng của một dinh điện nguy nga thuở cũ.


  Liban-Syrie-Jordanie 05-06 100  Liban-Syrie-Jordanie 05-06 210  IMG-0559
*Vết tích một nhà tắm công cộng kiểu La Mã với những ghế ngồi, lò nấu nước nóng xông hơi qua ống thoát.. 
 
*Đền Venus,
 Liban-Syrie-Jordanie 05-06 TY 051   IMG-0558   Liban-Syrie-Jordanie 05-06 TY 037
*Đền Venus, thần nữ của sắc đẹp, tình yêu, sự quyến rũ không được tu chỉnh nhiều, đa phần chỉ là những cột kèo và muôn phiến đá ngổn ngang. Gần đấy có nguyên khối đá /monolithique lớn nhất thế giới được mang khỏi lòng đất, tạc cạnh vuông 4.5 mét, chiều dài 21 mét, nặng 1200 tấn.


* Chuyến thăm 3 quốc gia Jordanie, Syrie và Liban trên vùng Trung Đông của cánh cò BTX nhiều năm trước, đã để lại biết bao kỷ niệm tốt đẹp. Nhất là không lâu trước khi xẩy ra cuộc nội chiến tàn khốc trên Syrie. Từ giới truyền thông, theo những thông tin và hình ảnh về Syrie ngày nay, thấy thật ngậm ngùi trước cảnh tượng từ thê lương đến điêu tàn trên lắm thành phố, và của những di tích tuyệt vời nhiều ngàn năm tuổi tại Lataquia, Homs, Ougarit, Aleppo,  Apamea, Hama, Palmyra, Safita.. cả gần thủ đô Damascus. Những di sản quý báu hơn châu ngọc, là minh chứng trước toàn thế giới cho dòng lịch sử huy hoàng qua nhiều chao đảo trong kiên trường và kiến tạo của Syrie. Nay rất nhiều di sản lịch sử, đền đài, thánh đường Hồi giáo, thành phố cùng thôn làng xưa đã thành bình địa, hiển hiện chỉ toàn ngổn ngang đá bụi, hay hoàn toàn bị biến mất. 
Hôm nọ trên phố chợt nghe tiếng reo gọi tên mình! Thật vui khi gặp lại Myriam cùng chung chuyến thăm Trung Đông 3 tuần, tổ chức riêng cho 14 khách, dẫn đoàn bởi Professeur Michel Fortin, ngành Archéologie, Université Laval, Québec. Bên tách café và bánh ngọt, cả hai cùng nhắc lại bao kỷ niệm xưa và nhỏ to đủ việc đời!  Myriam người xứ Syrie và chồng là dân Liban sống tại thủ đô tỉnh bang Québec, thỉnh thoảng đến Montréal thăm con cháu. Ngồi nghe Myriam âu sầu kể về tình trạng xứ Liban còn nhiều khăn khó.. Và Syria, như một địa ngục trần gian trong suốt 7 năm qua, dưới bom đạn và khí độc hóa chất, khiến 85% dân tình phải sống trong cảnh đói khổ thiếu thốn đủ bề..  Cuộc nội chiến nồi da xáo thịt với những bàn tay cùng nhúng máu của cường quốc Nga, Iran và Israel, cho biết có đến hơn 350.000 người tử nạn, khoảng 12 triệu dân trên tổng số 23 triệu phải bỏ tỉnh làng đôn đáo trốn chạy, 3.4 triệu người phải di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ, hay hơn 1 triệu người khác trôi dạt đến Lebanon cũng đang đầy khăn khó, và biết bao nữa đang mòn mỏi tìm một chốn dung thân đâu đó trên quả đất này.
Và theo Myriam -vốn không đặt niềm tin nơi đâu ngoài khả năng của chính mình, đó là những ngẫu nhiên quá nghiệt ngã đã luôn nhan nhản xẩy ra ở khắp nơi, để giáng lên phận người hay nghiệp nước. Chứ không gì khác có thể giải thích cho vuông tròn, kể cả lòng tin vào một hay những vị thần với nhiều quyền năng siêu phàm, có lắm phép mầu nhiệm để biến hóa hay ban ân sủng khi con người cầu khẩn, hoặc ra tay khi cần trừng trị nào. Rồi Myriam chép miệng: Chỉ vì quyền lợi hay duy tư đâu đâu để thù ghét dòng giống và triệt tiêu đến tận gốc của nhau, hay là It's simply human nature !?  Khiến cánh cò BTX chợt nhớ và nhắc đến những cuốn phim cùng nhiều tác phẩm đã thành kinh điển của Orson Welles với Myriam, cùng câu "Race hate isn't human nature, race hate is the abandonment of human nature".
 
liban-syrie-jordanie-05-06-ty-075-content     liban-syrie-jordanie-05-06-419-content     
liban-syrie-jordanie-05-06-ty-030-content
*Ba tấm ảnh trên được trích ra từ.. Du Hành ký, trang 12.  Để bùi ngùi cho một *Syria, Syrian Arab Republic -và những địa danh với nhiều di tích lịch sử và văn hóa vô cùng quý hiếm, được vinh danh bởi Tổ chức UNESCO, nay đã bị hủy hoại nặng nề hay không còn nữa. Và nhất là cho nỗi đau của nhiều triệu người dân bạc phận.

 *Huyền Anh, BTX 69
 

                                                                              
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn