NHỮNG MẢNH GHÉP LỚP 5C

25 Tháng Tư 20182:32 CH(Xem: 3015)

NHỮNG MẢNH GHÉP LỚP 5C
( Thương tặng lớp 5C k94-95 Trần Bình Trọng)
Tôi có một cuộc đời bình lặng, đơn giản hơn những người khác. Tôi sinh ra ở xóm Lò Gạch, lên 6 tuổi học trường tiểu học Trần Bình Trọng gần nhà. Tôi chỉ băng qua ngọn đồi từ đường Trần Nhật Duật và đường Yagút là đến cổng phụ của trường. Hết bậc tiểu học, tôi học  trường Bùi Thị Xuân và Sư Phạm Dalat hết 9 năm. Năm 1977, tôi trở về làm giáo viên trường Trần Bình Trọng đến ngày về hưu.
 
Một đời người: thời thơ ấu, tuổi trẻ, tuổi trung niên trên 60 năm tôi gởi vào căn nhà ở đường Trần Nhật Duật, xóm Lò Gạch và ngôi trường Trần Bình Trọng đủ biết mọi điều ở chốn cũ thân thiết với tôi đến dường nào.
Tôi xuống Sai gòn, thi thoảng về Dalat thăm nhà, ghé nhìn qua ngôi trường nhỏ, vô chợ Mỹ Thành. 
Ai có qua sân ngày đầu niên học
Nhớ giùm tôi mấy khóm cúc hoa vàng
Tôi đã ra đi và đã khóc
Sợi buồn như giọt nắng giăng ngang ( Khuyết danh)
Tôi tập sống không luyến tiếc, không xót lòng vào ngày tựu trường hay 20/11… nhủ lòng: cô giáo tiểu học là người chèo đò đưa học sinh qua dòng sông tri thức mà ít khi gặp lại khách qua đò. Cuộc sống bình lặng đến khi tôi nhận được tin nhắn: chúng em tìm cô và các bạn lớp 5C
….
Bắt nguồn từ Vũ Trùng Dương, em định cư ở Lavia, một quốc gia nhỏ bé nhưng thanh bình. Một buổi tối nhớ nhà, nhớ về quê hương và tự dung nghĩ đến thời gian nào khiến mình cảm thấy hạnh phúc nhất. Chắc lúc em là một chú bé lên 10 tuổi có khuôn mặt trắng trẻo bầu bĩnh, từ Đồng Nai, theo mẹ lên Dalat vào giữa năm học lớp 5. 
Dương còn chưa quen bạn, không thuộc đường đến trường. em nhớ:
 “Cô giáo cho làm bài kiểm tra, em không làm được, cô không cho điểm nhưng ngày hôm sau cô cho con số 0 to tướng với lời dặn:
-Mai Anh cho bạn mượn vở chép bài. Trường Sơn dẫn bạn về nhà cho quen đường, đừng để bạn đi xe ôm mà tốn tiền.”
“Một vé đi về tuổi thơ” cách đây 24 năm trở về thật mạnh mẽ bởi cảm giác được chăm sóc, lo lắng của cô và bạn khiến em nhớ mãi. 
Dương  in trong tâm cô bạn học giỏi, da ngăm, mạnh mẽ mà tên cũng khá đẹp : Bạch Mai – loài hoa mai trắng hiếm thấy-. Em tìm trên facebook và nhận ra cô bạn cũ giờ ở tận bên Đức.
Chỉ vài ngày sau Bảo Ân có khuôn mặt phúc hậu, Lan Phương đẹp nhất lớp ngày nào, Trung Hiếu là cô giáo tận Lạc Dương xinh xắn, Lạc Anh đoan trang xuất hiện. Lạc Anh bắt tay vào việc như lớp trưởng ngày nào và khi Ngọc Mai quyến rũ, bộ nhớ siêu đẳng được tìm thấy thì việc tìm các bạn trở nên dễ dàng vì Ngọc Mai nhớ tên, và cả chỗ ngồi của bạn.
 Mai Anh cháu gái tôi còn giữ tấm hình chụp cả lớp ở giữa sân trường và giúp bạn tìm gặp tôi, cô giáo cũ. 
Từ tấm hình cũ chúng tôi mơ ước : tìm cho đủ mọi người lớp 5C và trở về trường chụp lại tấm hình như cách đây 24 năm.
Mỗi em là một mảnh ghép, mảnh ghép từ từ được lật lên. 
Đến nay được gần 40 em, chỉ còn hơn 10 em. Nhưng những người sau cùng khó kiếm vì các em không còn ở nơi cũ. Và vĩnh viễn chúng tôi không còn gặp Trương Vũ Bảo bởi em bị tai nạn mất năm học lớp 9, nỗi mất mát không gì bù đắp.
Mỗi em khi gặp lại bạn, mang cảm giác ngạc nhiên, vui mừng và hạnh phúc bởi mình còn sống trong tâm trí của nhau. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về, cô trò chan hòa chia sẻ. 
Thật buồn cười khi giờ này vào từng tuổi này mà còn lao vào một ước mơ tưởng chừng trẻ con nhưng trong tôi nhóm lên một ngọn lửa nhiệt tình bởi tôi tìm về học sinh là tìm về những ký ức của ngôi trường, xóm Lò Gạch, ngôi nhà nơi được sinh ra vả gia đình của mình.
…ngày xưa thật bé, tuổi còn thơ dại…
Khuôn mặt tuấn tú của Nguyên Lê là bản sao của anh bạn thời còn lẩm chẩm biết đi của tôi; cùng các bạn cùng xóm, chúng tôi trèo lên đồi Quan Thuế sau nhà hái trái mát mát chua, trái sim ngọt lịm. 
Buổi tối, lũ em nghịch ngợm của tôi, học khuya hay trèo qua nhà bác Tư Bờ, bà nội của Ngọc Mai cũng là bà cố Quốc Huy hái trộm ổi. Mỗi chiều thứ bảy, O Liên, bà nội Quốc Huy làm bánh thuẩn, mùi thơm bay khắp nơi. 
Anh Lân ở đối diện ngõ vào nhà Quốc Huy.
Cô cháu gái Mai Anh xinh đẹp vẫn còn cảm giác sờ sợ cô giáo, mỗi sáng tôi ghé về nhà thăm ba mạ tôi, đâu biết lúc thi tú tài ba em và tôi cùng học chung. Anh Việt của tôi là ba của em cũng hiền lành như em; anh vẽ đẹp, biết làm thơ
…ngôi trường thân yêu…
Niên khóa 94-95, lớp tôi dạy có khá nhiều con giáo viên: nhớ ngày Thanh Tâm, mẹ Quế Anh, từ ngoài Bắc mới vào, mái tóc dài, thắt 2 con rít, giọng truyền cảm dạy môn Văn. 
Bảo Ân giống chị Hồng Ân và mẹ Hạnh với khuôn mặt phúc hậu, ăn nói từ tốn. 
Quốc Bảo tuy có khuôn mặt, điềm đạm giống anh Diên nhưng vẫn còn nét giống chị Hồng Vân, người mà cả trường khen: dẫu trời có sập chị cũng không vội. Thanh Thúy có mái tóc dài, dáng người thon thả của con gái miền Nam như mẹ Thanh Thủy, giờ này Thủy còn đứng lớp. 
Quang Liêm còn thật nhỏ dại, đeo vành khăn tang cùng 2 em nhỏ, đi sau quan tài mẹ. Cô Khoa vắn số, mất sớm vì bệnh ung thư., 
…nhớ về xóm đạo Vạn Thành 
Ngôi nhà thờ Vạn Thành đơn sơ với sân rộng nhiều cây. Từ nhà thờ rẽ vào con ngõ nhỏ vào nhà Hoàng Hưng. Chú học trò hay ngại ngùng có cùng ngày sinh với tôi và tên mẹ trùng với cô.
Xóm ngoài nhà thờ, tôi tìm về nhà của Quang Quý, Quý hiền lành, nhút nhát, có các chị gái da trắng như trứng gà bóc.
 Bố của Long Bình tặng tôi một cây si nhỏ chừng gang tay, ở giữa 2 nhánh ông để một hòn đá cuội to. Giờ cậy mọc cao gần nửa mét, rễ đan chằng chịt hòn đá. Cây si có dáng đẹp bởi đã 24 năm rồi. Nguyễn Thanh Nguyên có mẹ làm trong Trại cây giống thuốc gần đó. Còn có Bích Kiều, Minh Cường, Hoàng Uyên 
Nhà của Hoàng Oanh ở lưng chừng dốc, từ lúc nhỏ em đã vất vả làm việc ngoài vườn. Ngày Nhà Giáo, trời chập choạng tối, em tới thăm tôi, tay cầm một bao đựng cà rốt còn bám đất đỏ. Câu nói của em khiến tôi nghẹn lòng:
-Ngày 20 tháng 11, em biếu cô. Em đi mót nên tới hơi trễ.
Có lẽ đó là món quà mà tôi trân quý nhất trong cuộc đời đi dạy. Nó có giá trị tinh thần không gì sánh bằng. 
 
…xóm Lò Gạch nơi tôi sinh ra…
Học sinh Trần Bình Trọng cũng chỉ ở vài con đường quanh đó. Ngay gần đình Mỹ Thành là chú bé Thân Trọng Hoàng ngang tàng nghịch ngợm trái ngược với Trịnh Ngọc Toàn hiền lành như con gái. 
Cạnh suối Ba Toa, Phạm Thị Hương cao lớn gần bằng cô giáo, Thu Huyền ít nói, thật thà trước khi lập gia đình còn hay lên chở tôi đi chùa viên Quang. Tuyết Phương lanh lợi từ nhỏ cho đến bây giờ. 
Lên dốc Yagút đến dường Trần Bình Trọng, tôi gặp ngôi nhà gỗ của Bảo Duy, đẹp nằm dưới mặt đường, đi thêm chút nữa vào đồi quan thuế sẽ tìm thấy Phạm Nhật Khoa, nhỏ con, nét đẹp thanh cảnh.
Lên dốc Domain sẽ đến nhà Trần Vĩnh Thọ, em ít nói nên giờ dù biết tin nhưng em cũng chỉ đứng nhìn các bạn trò chuyện với nhau
…con đường Lê Thánh Tôn, Hàn Thuyên,…
Nhớ 
Ba Nhật Quang đến nhà thăm, thấy cô giáo cực khổ xin dùng nước với hàng xóm nên giúp bắt cho đường nước vào nhà.
Trần Thị Thúy vui mừng gặp lại tôi sau quầy của ngân hàng Công thương rồi tỉ mỉ chỉ cô cách sử dụng thẻ ATM 
Ông Thị Phương Vân có họ khá lạ mà mỗi khi nhà trường lập danh sách đi thi, giáo viên cười: Ông khi phải ông mà là bà. 
Đặng Văn Thuật cũng lạ nhà như Vũ Trùng Dương, em từ Buôn Mê Thuộc lên trọ học. Mỗi lần ba lên thăm, ông đem quà cho cô giáo là lọ đựng mật ong và một gói tiêu xài mấy năm không hết.
Kơ Đông K’Sinh, em dân tộc nội trú trong nhà thờ Cam Ly, ngôi thờ trước năm 1975 có khu nội trú dành cho học sinh dân tộc khắp Tây Nguyên. Các em dân tộc hiền lành ít nói nhưng chăm chỉ học giỏi do được các sơ chăm sóc 
Trường Sơn cao lớn, em chững chạc và trưởng thành sớm, em từ Cầu Đất lên trọ học với cô Gia, cô ruột cũng là giáo viên của trường.
Tiến Sỹ có quán bán tạp hóa khi tôi làm nghề tay trái:sấy trà, đóng trà thành từng gói gởi bán ở nhà em.
Lương Quốc Bảo nhỏ con ngày xưa đứng gần cô cười toe mà giờ ốm và cao dù khuôn mặt không thay đổi mấy.
Có thêm Nguyễn Hữu Trí, điềm đạm chững chạc đã cùng lớp 5C học chung những buổi chiều phụ đạo. một thành viên vô cùng thân thiết
Ngà, Hoàng Lâm, Đăng Khoa, Nguyễn Vũ, Võ Đình Trung,chu Lục Anh Tuấn, Hà . Hiếu, Ninh Đăng Nga, Trịnh Thúy….là những mảnh ghép còn đang lạc ở đâu đó…
Cùng nhau chụp lại tấm hình như ngày xưa là mong ước nhưng nối lại sợi dây tình cảm của những học sinh dưới mái trường tiểu học cùng chung một lớp là điều thiết thực. 
Dương bộc bạch: em muốn lớp mình liên lạc, chia sẻ vui buồn và nếu có thể giúp nhau sống tốt hơn.
Tôi và các em học sinh lớp 5C k94-95 cũng mong như thế.
Dù thời thơ ấu êm đềm hay dữ dội, cuộc đời phẳng lặng hay thăng trầm; về lại đây chúng ta chẳng cần làm gì cả: hãy ngồi xuống, lắng nghe ký ức trở về
Phạm Mai Hương ( 14.4.2018)
thumbnail?appId=YMailNorrin&downloadWhenThumbnailFails=true&pid=2
__._,_.___
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn