NHÀ THƠ VIỆT TRANG VÀ THỦ THƯ HUỲNH QUAN LÂM

07 Tháng Mười Hai 201712:06 CH(Xem: 3014)


dalat1-Thư Viện
NHÀ THƠ VIỆT TRANG VÀ THỦ THƯ HUỲNH QUAN LÂM
        

 

Sau năm 75,  hình ảnh một ông già người Hoa bày sách báo cũ trước vỉa hè tiệm thuốc đông y Con Cua  ngay trung tâm chợ trở nên quen thuộc với người dân Dalat. Vào tháng chạp cuối năm, ông bày trên miếng nilon đủ loại sách tử vi, lịch tàu…sách đỏ chói khiến ta cứ ngỡ mình lạc vào một con đường nào đó ở Trung Hoa. Tôi luôn tự hỏi sao ông giống cụ đồ già bày mực tàu viết chữ trên lề phố Hà Nội ngày xưa của Vũ Đình Liên đến như thế.

Ông già bán sách dong dõng cao khác những người đồng hương mập mạp bán chạp phô. Khuôn mặt ông quắc thước dễ gây thiện cảm. Ông khiến khách hàng thán phục vì kiến thức rộng của mình. Ông đàm luận văn chương, lý giải tướng số, tử vi…lúc cao hứng, ông phóng bút viết bài thơ chữ Hán, nét chữ như rồng bay phượng múa.

Ba tôi, khi ấy không còn đi làm, ba hay tha thẩn thăm bè bạn, khi ghé thầy Nguyễn Đức Minh bơm mực bút nguyên tử ở khu Hòa Bình, lúc ghé quán Thủy Tiên uống cà phê với bác Phong Vũ, thi thoảng ngồi bàn cuốn sách cũ với ông già người Hoa. Hai người trở nên tri kỷ vì thú thích văn chương, cũng bởi ba có tài làm thơ bằng chữ Hán, hơn nữa họ cùng là công chức với nhau. Ông là Huỳnh Quan Lâm, quản thủ thư viện Dalat.

Thư viện Dalat được người Pháp xây dựng trên con đường Yersin ( nay đổi là đường Trần Phú) có khuôn viên rộng thoáng mát. Khi trùng tu lại, ba tôi được chỉ thị của ông Thị trưởng Trần  Văn Phước cùng với ông Đổng lý Chánh văn phòng Thị trưởng về Sài Gòn mua sách báo có giá trị bổ sung cho thư viện. Ngày khánh thành, đích thân Bộ trưởng Trần văn Thế lên dự lễ.

 Ông Huỳnh Quan Lâm là người quản thủ thư viện Dalat lâu nhất từ thời Thị trưởng Trần Văn Phước đến lúc chính quyền miền Nam không còn nữa bởi thế kiến thức uyên thâm của ông rông mênh mông không bờ bến.

Sau năm 1975, tất cả sách truyện của miền Nam bị thu gom, phần đốt, phần cho vào kho. Nhớ lại những điển tich xưa, đôi lúc  ba cùng ông tỉ mỉ giở từng trang sách cũ bàn luận. Ông viết tặng hai câu thơ thiền bằng chữ Hán trên tấm liễng đỏ được ba trang trọng đặt trong phòng khách

 

Nhẫn nhất thời phong bình lãng tịnh

Thối nhất bộ hải giác thiên không

                   ( Phạm Gia Triếp nhân huynh hảo niệm )

Dịch:

Nhẫn một chút sóng yên gió lặng

Lùi một bước bể rộng trời cao

                   ( Nhớ  bạn thân Phạm Gia Triếp)

         

Vào thời kỳ bao cấp, khi con người vất vả xuôi ngược tìm kế mưu sinh dù chỉ cốt ăn đủ no mặc đủ ấm. Ông Huỳnh Quan Lâm giữa chợ đời mà vẫn thanh thản tự tại, hưởng thú văn chương thoát khỏi đám đông ồn ào ; khiến ba hình dung ông như con chim hoàng hạc bay từ Trung Hoa sang Việt Nam, mang tấm lòng hoài vọng cố hương, giữa phố thị Lâm Viên đông đúc này, chẳng ai biết đến mình,  mải vui thú văn chương mà quên cả tháng ngày trôi. Đó cũng là ý nghĩa bài thơ tứ tuyệt ba viết tặng ông, với bốn chữ đầu mỗi câu Huỳnh Quan Lâm Thi ( bài thơ dành cho Huỳnh Quan Lâm )

 

 

CẢM TÁC

 

                             Tặng ông Huỳnh Quan Lâm

 

Hoàng hạc du du hướng viễn phương

Quan san hoài vọng vạn trùng dương

Lâm viên trung thị quân hà kiến

Thi cảm vô tri nhật mộ trường

                            

                                      Việt Trang

 

Hạc vàng lơ lững phương xa

Quan san ngàn dặm thiết tha nhớ hoài

Lâm Viên giữa phố ai hay

Yêu thơ quên cả đêm ngày dài trôi

 

 

                                      9 . 5 . 1984

( Việt Trang dịch)

 

Bài thơ khiến ông xúc động, dường như gợi đúng nỗi lòng của người xa xứ. Lúc lâm chung,  ông dặn người con trai trưởng quỳ trước linh cửu đọc bài thơ này khi hạ huyệt.

( 18.10. 2008- viết lại 11.2017 )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn