Đà Lạt Mỹ Tho Biên Hòa

26 Tháng Bảy 201712:25 CH(Xem: 3342)

Đà Lạt                                                                                                                                   
Mỹ Tho                                                                                                                                
Biên Hòa


1406858691_cay-buoi
            Có một địa danh của Miền Nam Việt Nam khi nhắc tới thì không ai là không liên tưởng đến một loại trái cây gắn liền với tên của nó. Biên Hòa. Bưởi. Bưởi Biên Hòa. Nói đến Biên Hòa là phải nhắc đến Bưởi và nói chuyện Bưởi là nghĩ đến Biên Hòa. Nhưng trên hết Biên Hòa là tên của một thành phố, một tỉnh của Miền Nam. Tôi muốn nói đến Biên Hòa trước năm 1975. Sau 75 chẳng có gì phải nói tới ngoài bóng tối đã bao trùm khắp nơi, từ phố thị cho đến thôn quê. Biên Hòa đã gắn liền với dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt.   
         
            Năm 1808, thời nhà Nguyễn khu vực địa lý này có tên là Trấn Biên Hòa thay cho tên cũ là Dinh Trấn Biên. Đến năm 1832 lại đổi thành Tỉnh Biên Hòa. Biên Hòa được nhắc nhở nhiều trong các bài học lịch sử Việt Nam. Buồn nhất khi học môn lịch sử thấy có đoạn Cụ Phan Thanh Giản làm chánh sứ sang Pháp để điều đình về cuộc chiến đang diễn ra tại Việt Nam và Cụ đã cùng với đại diện chính phủ Pháp ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 để nhường ba tỉnh miền Đông Nam phần cho Pháp, trong đó có Biên Hòa, hai tỉnh kia là Gia Định và Định Tường. Vào thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Biên Hòa là một tỉnh lớn có tầm quan trọng về mặt chiến lược – quân sự lẫn kinh tế. Về các phương diện khác, Biên Hòa đã góp công góp của và nhiều nhân tài cho Miền Nam. Dân Biên Hòa không ai là không biết đến Ngài Trần Thượng Xuyên, người có công đầu tiên trong công cuộc khai khẩn vùng đất Biên Hòa. Những nhân vật nổi tiếng Biên Hòa có tầm ảnh hưởng lớn tại Miền Nam không thiếu, trong số đó có ba người tôi rất hâm mộ. Đó là nhà văn Bình Nguyên Lộc với trên 50 cuốn tiểu thuyết, hàng nghìn truyện ngắn, bốn tác phẩm thuộc lãnh vực nhân văn xã hội trong đó có cuốn “Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam”. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước nhà văn Nguyễn Ngu Ý gọi nhà văn Bình Nguyên Lộc cùng với nhà văn Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương là “Tam Kiệt”. Người thứ hai là giáo sư đại học và chính khách Quốc Gia yêu nước lỗi lạc Nguyễn Ngọc Huy. Điều hay là cả nhà văn Bình Nguyên Lộc lẫn giáo sư Nguyễn Ngọc Huy có cùng nguyên quán ở huyện Tân Uyên. Người thứ ba tôi hâm mộ là đại tướng Đỗ Cao Trí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một trong số rất ít sĩ quan được phong lên cấp tướng thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

            Tôi sinh ra và lớn lên ở một thành phố xa thủ đô Sài Gòn, chưa bao giờ được nghe ai nhắc đến hai chữ Biên Hòa. Mãi cho đến khi tôi thi đậu tiểu học vào năm 1955 thì được cho đi theo người ông xuống Sài Gòn ở chơi hai tuần tại nhà người cậu ở bên Khánh Hội. Lúc bấy giờ có hãng xe Minh Trung, sáng sớm xe đến tận nhà để đón và khi đến Sài Gòn cũng đưa về tận nhà. Lần đầu tiên đi xa, nhất là về thủ đô, mọi việc diễn ra trước mắt tôi đều rất lạ. Trong lần đi này tôi mới biết những nơi xe chạy ngang qua có tên như Di Linh, Bảo Lộc (Blao), Định Quán, Phương Lâm, Gia Kiệm, Hố Nai, Biên Hòa, Dĩ An, Thủ Đức… Dạo ấy chưa có xa lộ Biên Hòa nên xe chạy hết quốc lộ 20, rẻ phải vào quốc lộ 1 ở Dầu Dây rồi chạy ngang qua thành phố Biên Hòa, vượt Cầu Gành hướng về Sài Gòn. Tôi không còn nhớ là mình đã thấy những gì khi xe chạy ngang qua thành phố Biên Hòa. Cho đến tháng 12 năm 1959 khi tôi học lớp đệ ngũ thì được theo đoàn Hướng Đạo Lâm Viên để dự trại họp bạn Hướng Đạo toàn quốc tại khu rừng Quốc Gia Lâm Viên Trảng Bom thuộc tỉnh Biên Hòa. Ngồi trên xe chạy ngang qua những rừng cao su hai bên đường trông rất đẹp mắt với những hàng cây lá xanh thẳng tắp cứ chạy thụt lùi ra phía sau, thỉnh thoảng lại thấy vài ngôi nhà ngói đỏ, sau mới biết đó là những cơ sở văn phòng, nơi hội họp, bệnh xá…của các đồn điền cao su. Ngày bế mạc trại chúng tôi được chở về thăm thủ đô Sài Gòn, xe chở chúng tôi cũng chạy ngang qua thành phố Biên Hòa. Đến năm 1962 và 1963 khi thi đậu phần viết tú tài I và II, tôi phải xuống Sài Gòn để thi vấn đáp, khi đó đã có xa lộ Biên Hòa, hai năm liên tục tôi được ngồi trên xe chạy qua xa lộ đầu tiên của Việt Nam dài 31 cây số do tổng thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành vào tháng tư năm 1961.

            Bối cảnh lúc đó là cuộc chiến do cộng sản miền Bắc phát động từ năm 1960 ảnh hưởng đến những sinh hoạt của dân chúng tại Miền Nam Việt Nam. Một số sinh viên chúng tôi mặc dù đang tiếp tục theo đuổi con đường học vấn ở một thành phố tương đối bình yên cũng có ý muốn tìm về những nơi có những sinh hoạt hấp dẫn và sinh động để tham gia những công tác xã hội phù hợp với sở thích hoạt động của những tráng sinh Hướng Đạo đang đứng trước ngưỡng của cuộc đời với nhiều khát vọng. Nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên chưa có những hoạt động xã hội với phạm vi rộng lớn như ở thủ đô Sài Gòn. Từ đó nhóm sinh viên gồm 6 anh em quyết định là phải về thủ đô. Việc đầu tiên chúng tôi thực hiện là thành lập một ban hát lấy tên là Ban Trầm Ca chuyên trình diễn những bài dân ca, các bài hùng ca lịch sử và những bài sinh hoạt ca, sau đó là những bài nhận thức ca để đánh động ý thức vào lớp trẻ thanh niên sinh viên học sinh. Cô Đỗ Phương Oanh đang dạy trường Quốc Gia Âm Nhạc cũng xin vào nhóm chúng tôi. Những nơi chúng tôi đến hát là các trường trung học, các phân khoa đại học, các tổ chức văn hóa xã hội… Chúng tôi còn đến hát cho các thương bệnh binh đang điều trị tại quân y viện Cộng Hòa, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đồn Mang Cá ở Huế…, các trại tù binh việt cộng ở Biên Hòa và Phú Lợi (Bình Dương), trung tâm chiêu hồi Thị Nghè…, các trung tâm huấn luyện quân sự (Đống Đa – Huế, Đồng Đế - Nha Trang…), mở các lớp huấn luyện về “Thanh Ca Tác Động” ở bốn vùng chiến thuật với sự yểm trợ của Bộ Thanh Niên và cơ quan USAID (cung cấp phương tiện vận chuyển bằng máy bay), tham gia sinh hoạt tại các cuộc hội thảo của thanh niên sinh viên và tiếp tay sinh hoạt với Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường (CPS), Chương Trình Công Tác Hè 1965, Chương Trình Phát Triển Quận 8 và tham gia rất nhiều trại công tác ở các tỉnh, đặc biệt các tỉnh Miền Trung. Mặc dầu đang đi học, chúng tôi cũng đi nhiều nơi kể cả những nơi chiến tranh đang diễn ra dữ dội …  

            Mùa hè năm 1964 chúng tôi cùng với một số sinh viên thanh niên thủ đô tổ chức trại hè cho học sinh các trường trung học Sài Gòn và một số tỉnh tại Vũng Tàu với hơn 300 trại sinh, trong đó có phần hội thảo một số đề tài liên quan đến vấn đề ý thức trách nhiệm của lớp người trẻ với hiện tình đất nước. Trại thành công. Qua năm sau, 1965, vào tháng bảy, chúng tôi lại tổ chức trại lần thứ hai tại Mỹ Tho gồm số học sinh các trường trung học như Gia Long, Trưng Vương, Petrus Ký, Chu Văn An, Lê Văn Duyệt, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục, Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Ngô Quyền (Biên Hòa), có cả một số học sinh ở các quận huyện xa của Biên Hòa cũng được mời tham dự như Tân Uyên và Long Thành. Trại kéo dài bảy ngày tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Trong trại này tôi được phân công làm trưởng ban văn nghệ. Chương trình trại gồm có hội thảo, thi đua văn nghệ và thăm phong cảnh. Đây cũng là cơ hội để anh chị em học sinh nhận thức được những vấn đề liên quan đến bối cảnh xã hội Việt Nam trong lúc có chiến tranh nhằm tạo cho anh chị em có một ý thức trách nhiệm hầu có thể dấn thân tham gia các công tác xã hội trong tương lai. Trong số học sinh dự trại, có thể nói học sinh trường Ngô Quyền Biên Hòa khá đông cả nam lẫn nữ, sau này tôi biết tên vài trại sinh như Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Thu Vân, Hà (con của chủ xe đò Liên Hiệp), Thể Hồng, Phạm Thị Trắc…Vì là trưởng ban văn nghệ nên tôi có cơ hội tiếp xúc với một số trại sinh khi hướng dẫn họ trong lúc tập dượt và trình diễn cũng như một số nội dung sinh hoạt khác. Các tiết mục văn nghệ khá phong phú nên chúng tôi có đến ba đêm trình diễn.Tôi còn nhớ có một giọng hát của một nam sinh Ngô Quyền được giải nhất với bài “Tình Yêu Và Thủy Thủ” của nhạc sĩ Y Vân, đó là anh Duy Giám, cao người và đẹp trai. Đặc biệt có một nam sinh Ngô Quyền, sau giờ văn nghệ anh ta về phòng và hát một bài hát trong đó có câu…người yêu tôi đâu rồi…người yêu tôi đâu rồi…đêm nào anh ta cũng hát đi hát lại bài này với một giọng thật ấm và truyền cảm, tôi không biết mặt lẫn tên của anh ta.

            Có một chuyện xảy ra trong trại khiến tôi nhớ mãi là chương trình trại sắp xếp cho trại sinh có thì giờ sinh hoạt tự do, thường là buổi tối để trại sinh được thoải mái, họ hay rủ nhau đi bộ từng nhóm hoặc đi bằng xích lô ra thành phố Mỹ Tho ngoạn cảnh, mua sắm hoặc ăn uống…Có một nhóm nam nữ trại sinh của trường Ngô Quyền đi bộ ra Mỹ Tho bị một số thanh niên địa phương gây sự chọc ghẹo các cô nên có cuộc đụng độ, ban tổ chức trại biết được nên các đêm sau phải nhờ cảnh sát địa phương hộ tống trại sinh ra Mỹ Tho cũng như lúc trở về trại. Nghe phong thanh là các nam trại sinh Ngô Quyền sẽ ra Mỹ Tho để tìm các thanh niên mà họ cho là “du đảng” để trả đủa. Ban tổ chức trại họp và giao cho tôi trách nhiệm giải quyết vụ này. Khó xử cho tôi quá! Tôi phải làm gì đây? Các trại sinh tuổi gần như ngang với tuổi của tôi làm sao tôi có thể lấy tư cách gì để khuyên bảo họ! Cuối cùng tôi yêu cầu ban tổ chức tập họp trại sinh và tôi là người sẽ nói chuyện “phải trái” với họ. Buổi tối khi trại sinh đã tập họp đông đủ ngồi thành một vòng tròn ở sân trước, việc đầu tiên là tôi tập cho họ hát một bài hát ngắn ý nghĩa, bài “Về Với Mẹ Cha”. Tiếp theo tôi tập cho họ một đoạn trong bài hát của Ban Trầm Ca “Ngồi Quanh Đây”  có những câu như sau: “Ngồi quanh đây hôm nay ta hát, hát lên cho đông ta chung một nhà. Nhà thân yêu bao nhiêu giông tố bấy nhiêu tiếng ca không run không lo. Ngồi quanh đây hôm nay ta hát, hát lên cho vui ta chung một giòng. Giòng Việt Nam đã có lắm phen nêu cao chí hùng…Ngồi quanh đây hôm nay ta hát, hát lên cho oai ta chung một đời. Đời người dân bao nhiêu tăm tối bấy nhiêu máu sôi trong anh trong tôi…”. Mọi người đều chăm chú hát theo và tôi đã thấy được trên những gương mặt của họ biểu thị được sự đồng cảm qua những câu hát và bắt đầu biểu lộ sự suy tư về những gì ngoài ý nghĩ phải ra tay với đám thanh niên ở Mỹ Tho. Biết họ đã lắng nghe và hành động theo tôi (cùng hát) mặc dầu tôi chưa nói một lời nào cả. Tôi quyết định trong đầu là sẽ không đá động gì đến việc một số trại sinh bị đám thanh niên gây hấn ngoài Mỹ Tho và việc họ sẽ kéo nhau ra đó để “phục thù”. Tiếp theo là tôi hát cho họ nghe một trong những bài Tâm Ca của Phạm Duy (*), bài Tâm Ca số 5 có tựa đề “Để Lại Cho Em”, đến nay đã 50 năm nên tôi không nhớ hết lời bài hát, chỉ còn nhớ vài câu như: Để lại cho em này nước non mình. Để lại cho em một nước đẹp xinh. Một miền oai linh hiển hách. Chỉ còn dư vang thần thánh. Để lại cho em cuộc sống mệt nhoài. Để lại cho em một nước tả tơi. Đường đời quanh co kẹt lối. Lòng người không căm giận dỗi. Để lại cho em tội lỗi qua rồi…Để lại cho em một nước phân lìa. Để lại cho em một giống nòi chia. Hận thù nhân danh chủ nghĩa. Bạo tàn vênh vang bề thế. Để lại cho em giọt máu dân lành…Nhưng em thương anh thương anh cho nước phải giật mình. Nhưng em thương anh thương anh cho tình lên sức sống. Nhưng em thương anh thương anh cho tủi hờn đi xuống. Nhưng em thương anh thương anh cho niềm kiêu hãnh vươn lên…”. Khi tôi chấm dứt bài hát, chung quanh tôi không có một tiếng động nhỏ. Hoàn toàn im lặng. Các trại sinh như đang bị thôi miên, họ nhìn tôi và tôi nhìn họ. Tôi thấy nhiều người đang khóc. Thật sự khóc! Tôi hết sức xúc động và biết mình cũng đang khóc như họ. Tôi chợt hiểu rằng: tôi không cần phải nói gì thêm với trại sinh điều gì nữa. Tôi cám ơn mọi người và chúc họ những ngày trại còn lại thật vui rồi chia tay. Các thành viên trong ban tổ chức đến bên tôi và không ngớt khen tôi đã giải quyết vấn đề rất “lạ lùng” như vậy. Sau đó ban tổ chức có thăm dò thái độ của họ và biết họ không còn ý định ra Mỹ Tho để trả đũa đám thanh niên kia nữa. Chuyện này không bao giờ tôi quên. 
   
            Ngày bế mạc trại lại xảy ra một chuyện mà tôi cho là kỳ thú. Số là buổi sáng chia tay để rời trại, các thành viên trong ban tổ chức đến chào tiễn tất cả trại sinh. Khi chúng tôi đến chào các trại sinh đang ngồi trên chiếc xe đò cuối cùng sắp rời trại. Cá nhân tôi nhìn thấy nhiều gương mặt trại sinh mình đã gặp trong suốt kỳ trại, nhưng khi sắp sửa bắt tay một nữ trại sinh thì hình như tôi nhận ra rằng tôi chưa bao giờ thấy người trại sinh này. Mặt trông rất hiền và dáng điệu khép nép. Tôi vui vẻ hỏi cô ta: Em tên gì? học trường nào? Người con gái e thẹn trả lời rất nhỏ: Em là….học sinh Ngô Quyền. Sẵn trong tay đang cầm một tập bài hát tôi đưa cho em và nói: Em có tập bài hát này chưa? Cầm về để hát cho vui…Em rụt rè đưa tay cầm lấy tập bài hát. Tôi chào các trại sinh khác trước khi xe chuyển bánh rời sân trường Nguyễn Đình Chiểu… 
         
            Một tuần sau bác sĩ Nguyễn Hữu Ân (dạy trường Ngô Quyền – đã mất) là một thành viên trong ban tổ chức kỳ trại nói trên đến tìm tôi vào buổi sáng ở garage sau nhà của dược sĩ  Hoàng Ngọc Tuệ, đường Sương Nguyệt Ánh (hiện là chủ tiệm thuốc Tây Orange ở Bolsa California). Anh bảo tôi ngồi sau chiếc xe Rumi, chở tôi đến một quán mì ở Tân Định ăn sáng, sau đó ghé uống cà phê ở góc đường Nguyễn Phi Khanh và Phan Thanh Giản. Anh bảo hôm nay anh mượn tôi một ngày. Tôi cứ tưởng anh muốn nhờ tôi đến tập hát tập hò cho một nhóm sinh hoạt nào đó. Xe chạy qua Cầu Bông đường Nguyễn Hữu Nghĩa rồi theo quốc lộ 1 cũ chạy thẳng lên hướng Thủ Đức. Trong lúc đi đường, hai anh em nhắc một vài sự việc đã xảy ra trong kỳ trại ở Mỹ Tho. Anh bảo rằng anh mến tôi và rất phục cách giải quyết của tôi trong vụ các học sinh Ngô Quyền đụng chạm với đám du đãng ở Mỹ Tho. Xe chạy qua về hướng Biên Hòa rồi quẹo phải để đi vào khu du lịch Suối Lồ Ồ. Anh đưa tôi vào trong khu hồ tắm có nhiều cây lớn tỏa bóng mát thì bỗng thấy có một số thanh niên nam nữ chạy ùa đến anh vui mừng chào hỏi. Thì ra đó là các học sinh trường Ngô Quyền. Hôm nay họ tổ chức picnic và mời anh đến dự. Nhìn vào những nam nữ học sinh này, tôi nhận ra vài gương mặt quen, họ đã dự trại hè Mỹ Tho vừa rồi. Một lát sau tôi cũng nhận ra là có mặt cô bé mặt hiền khép nép hôm chia tay ở sân trường Nguyễn Đình Chiểu. Anh Ân và tôi theo họ đến ngồi vòng quanh dưới bóng mát của những tàng cây xanh, họ giới thiệu tên từng người rồi bắt đầu ca hát và chơi những trò chơi. Họ sắp cho tôi ngồi đối diện cô học trò hiền và rụt rè nói trên. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, các trò chơi đang tiếp diễn thì bất chợt các nam sinh đều đồng loạt đứng lên và vây quanh tôi, hè nhau nhấc tôi lên tiến về phía hồ tắm. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, sau cùng tôi hiểu là họ muốn thảy tôi xuống hồ tắm, họ reo hò vui vẻ lắm. Khi đó tôi chẳng có phản ứng và nghĩ rằng chắc chắn họ sẽ quẳng tôi xuống hồ. Họ cứ nhá lui nhá tới như để lấy trớn trước khi ném thì anh Ân đã kịp chạy đến và năn nỉ họ tha cho tôi và hẹn lần khác sẽ cho tôi uống nước hồ. Thế là họ tha cho tôi. Tất cả vui vẻ dự một bữa ăn trưa với bánh mì thịt heo quay và xôi ngon lành. Riêng cô bé hiền lành khép nép nói trên vẫn rụt rè cũng bị các bạn đẩy ra tham dự các trò chơi. Họ có dụng ý mời gọi cô bé hiền hòa cùng trực tiếp dự trò chơi với tôi nhưng cô này lại quá rụt rè e thẹn. Anh Ân cùng học trò chơi đùa vui vẻ cho mãi đến chiều mọi người mới chia tay ra về. Anh Ân chở trả tôi về garage và không quên hẹn với tôi gặp lại sau.

            Thêm một chuyện khá vui nữa với các học sinh Ngô Quyền. Số là sau buổi picnic ở Suối Lồ Ồ, khoảng một tháng sau, một buổi chiều, anh Ân lại đến tìm tôi và chở thẳng lên Biên Hòa. Khi đến Biên Hòa thì trời đã tối, anh thảy tôi vào một ngôi nhà đang có một số nam nữ học sinh Ngô Quyền họp mặt vui chơi ăn uống. Sau này tôi mới biết đó là nhà của chủ xe đò Liên Hiệp chạy đường Biên Hòa – Sài Gòn. Cô Hà là người tổ chức mời các bạn đến dự. Tôi thấy có nhiều nam sinh đã uống bia nên họ cười nói trao đổi chuyện trò ầm ỉ. Càng uống họ càng hăng hái phát biểu đủ mọi thứ chuyện và ca hát tùy hứng. Các cô thì tụ tập ở một góc nhà chuyện trò to nhỏ. Khoảng gần 11 giờ, các nam sinh kéo nhau ra khỏi nhà đi về hướng bùng binh trước rạp hát Biên Hùng, người sau đặt hai tay lên vai người trước vừa hát vừa đi vòng quanh bùng binh như trò múa rồng rắn. Đường phố không còn bóng người đi lại. Tôi biết nhiều người trong số đó đã say và họ cứ tiếp tục đi vòng vòng và cùng hát những bài không ra đâu vào đâu. Tôi đứng bên ngoài để xem hoạt cảnh vui nhộn này. Khoảng 10 phút sau anh Ân không biết từ đâu xuất hiện và bảo tôi nhảy lên phía sau chiếc Rumi trực chỉ về Sài Gòn. Xa lộ Biên Hòa đèn khuya le lói…                                                                                                                                                                                                                                 
            Cô nữ sinh Ngô Quyền hiền hòa khép nép nói trên vừa học xong lớp đệ tam khi dự trại, cô ta đậu tú tài I xong chuyển lên Sài Gòn học tại trường nữ trung học Gia Long rồi theo ngành sư phạm. Lúc ở Sài Gòn, Ban Trầm Ca (**) có mời cô bé đến dự những buổi sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt là thời gian khi Phong Trào Du Ca được chính thức thành lập vào cuối năm 1966. Khi đã quen nhau hơn, cô bé mời anh em chúng tôi xuống thăm nhà cô ở vùng quê Biên Hòa. Sáu anh em leo lên xe đò đi Vũng Tàu, xuống xe tại thị trấn Long Thành rồi lên xe lôi để vào nhà cô bé. Nhà cô bé ba gian hai chái có những cột nhà to bóng loáng cỡ một người ôm không hết. Chúng tôi được cô bé hướng dẫn chào hỏi những người trong gia đình. Buổi trưa được đãi ăn một bữa thịnh soạn. Vì tuổi thanh niên đang độ lớn cho nên chúng tôi không ngần ngại gì trong việc ăn uống. Cơm nước no nê xong, chúng tôi được khuyến cáo rời khỏi nhà trong vườn để ra nhà ngoài chợ cho an toàn (sợ mấy anh du kích mò về hốt). Trong khi chúng tôi đứa nằm trên ván, đứa đong đưa trên võng thì cô bé mang ra hai trái sầu riêng. Có bốn đứa bạn hoan hỉ ra mặt, riêng tôi chẳng biết là trái gì cả. Lúc cô bé vừa mổ quả sầu riêng ra thì tôi và Nguyễn Quốc Văn lập tức bịt mũi và chạy ra khỏi nhà. Hai đứa chúng tôi không chịu nỗi mùi sâu riêng. Riêng bốn chàng kia thì cười ầm ỉ, có lẽ không phải cười vì hai đứa bịt mũi mà cười vì được chia nhau phần của hai đứa chúng tôi… Tôi và Văn chạy vào một tiệm thuốc Bắc gần đó để mua ngay một chai dầu Nhị Thiên Đường, mở nắp và dùng tay quẹt dầu vào mũi lia lịa. Mấy người trong tiệm cứ nhìn chằm chằm hai đứa chúng tôi và chẳng biết tại sao có hai gã thanh niên cứ bôi dầu vào mũi. Chúng tôi chưa dám quay trở lại nhà ngay vì biết bốn ông bạn thân yêu của chúng tôi đang vui sướng ra tay thanh toán hai quả sầu riêng. Đúng vậy! Khoảng 30 phút sau hai chúng tôi trở vào nhà thì chỉ còn thấy một mớ vỏ sầu riêng nằm trên sàn nhà. Bốn người bạn còn ngỏ lời cám ơn hai đứa chúng tôi đã để phần sầu riêng của chúng tôi cho họ…Kỷ niệm có mùi quả là khó quên…

            Câu chuyện quý độc giả vừa đọc ở trên là do cô bé ngày xưa yêu cầu tôi viết cho Ngô Quyền Toàn Tập. Chuyện còn nhiều nhưng thấy tạm đủ nên xin ngưng nơi đây. Cô bé ngày xưa hiền hòa khép nép giờ đã là bà ngoại và là người đã tốn công tốn của để cho tôi không còn bịt mũi khi ngửi thấy mùi sầu riêng nữa. Tôi đã biết thưởng thức món sầu riêng Biên Hòa sau một thứ trái cây đặc sản khác là Bưởi mà tôi đã nhắc khi mới vào bài.

            Và giờ đây tôi phải gọi cô bé ấy là “Bề Trên” (***) và nàng có một tên khác – trong Hướng Đạo gọi là tên rừng do các Huynh trưởng đặt cho là: “Nhạn Trắng Nhu Mì”.   
                      
Phong châu
Ghi chú:                                                                                                                                                                                            
(*) Phạm Duy của thập niên 50-60, thế kỷ 20 hưởng nhiều bổng lộc của Việt Nam Cộng Hòa. Phạm Duy của thế kỷ 21 trở cờ, lòn về Việt Nam xin hát những sáng tác của mình do sự “chỉ đạo” của bộ thông tin văn hóa và đọc (chứ không phải nói!) bài phát biểu cũng do bộ TTVH soạn sẵn!                                                                                                  
(**) Ban Trầm Ca gồm: Nguyễn Đức Quang (đã mất 2011), Hoàng Kim Châu (Hoa Kỳ), Mai Thái Lĩnh (Việt Nam), Đinh Gia Lập (Việt Nam), Trần Trọng Thảo (Việt Nam), Nguyễn Quốc Văn (tử trận năm Mậu Thân 1968) và Đỗ Phương Oanh  (Pháp).                (***) Bề Trên là cách xưng hô vui trong nội bộ huynh trưởng Hướng Đạo thay cho tiếng Vợ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn