Amazon River
Xem trong Internet và nhiều quyển encyclopedia, thấy chiều dài của sông Amazon trên Nam Mỹ không hề đồng nhất, được ghi từ 6275 đến 6992 km, vượt cả sông Nile luôn đứng đầu với 6695 km -khiến xứ Ai Cập hay phải ra công tranh cãi ! Nhưng theo một tài liệu mới của Wikipedia, tùy theo cách đo qua các nguồn nước chẩy theo nhiều nhánh phụ, chiều dài sông Nil có từ 5499 đến 6895 km. Riêng sông Amazon, được 6259 đến 6680 km.
Rio Amazonas, dòng sông có vùng lưu vực to rộng nhất thế giới với trên 6 triệu km2, đa phần trên miền rừng xanh nhiệt đới Amazon. Khởi nguồn từ nơi róc rách vài khe nước tuôn ra trong một ghềnh vách đá cao của ngọn Nevado Mismi -thuộc rặng núi Andes trên Peru, dòng nước theo triền dốc và nhiều mạch tuôn lan dần sang Ecuador, lấy thêm năng lượng của vài nhánh sông con để chẩy mạnh đến Colombia, cùng kết hợp với bao dòng sông lớn nhỏ khác cuồn cuộn tiến vào Brazil -xứ sở thênh thang rộng đến hơn 1/2 lục địa Nam Mỹ, để cùng sức nước nhập chung của hơn 1000 phụ lưu, thành dòng sông huyết mạch ngang dọc như một mạng nhện, chảy qua biết bao thành phố, làng thôn, đất hoang, rừng rậm..




Sông Amazon có lượng tuôn đổ đến 209.000 m3/giây, vào mùa mưa đạt tới mức 300.000 -quan trọng hàng đầu các dòng sông lớn, cùng chiếm 20% tổng số lượng nước sông toàn cầu đổ ra biển cả. Amazon khi vào đất Brazil chỉ với khối lượng 1/5 của sức nước, trước khi ào ạt thoát ra cửa biển rộng đến hơn 300 km nơi cuối nguồn, hoà dòng nước đậm mầu bùn phù sa vào làn nước trong xanh của đại dương Atlantic.



Conquistadore Vincente Yanez Pinzón là người Âu châu đầu tiên cho thuyền lướt sóng trên dòng nước này năm 1500, đặt tên Rio Santa Maria del Mar Dulce /Sweet Sea.. Nhiều năm sau Francisco de Orellana theo cửa biển, thám thính đến tận cội nguồn dòng nước cùng đặt tên cho từng nhánh như Rio Negro, Napo, Tapajos, Jurua, Valeria.. Đoàn thám hiểm nhiều lần bị thổ dân sinh sống trên các khoảng rừng xanh đôi bờ tấn công dữ dội, đặc biệt là có mặt của nhiều phụ nữ rất gan dạ.. Khiến Orellana nhớ lại một huyền thoại Hy Lạp với nhiều nữ chiến binh rất can trường mang tên Amazonas. Vào thời cũ, theo ước lượng có khoảng hơn 3 triệu thổ dân sống trên vùng châu thổ dòng sông.
Từ giữa thế kỷ 16, các conquistadores đã cho xây nhiều thành lũy trên phần đất cửa sông ven biển, để theo thời gian thiết lập những hải cảng thuận lợi cho việc chuyên chở thành phẩm của mía, tôm cá muối, gỗ quý, cà-phê, dây sợi cói.. mang đi tiêu thụ khắp nơi. Cả dùng các thành phố lớn làm trạm giam giữ dân Phi Châu bị ruồng bắt, trước khi phân tán họ đi các miền đất thuộc địa cho các đồn điền bạt ngàn -bởi họ khỏe mạnh và dai sức hơn dân bản địa, vốn đã bị tàn sát quá nhiều vì chống đối khi nhà cửa cùng đền đài thờ đa thần của họ bị đốt phá, khi bị cưỡng bách làm phu tù lao động, hay khi họ từ chối hôn thánh giá và chịu phép rửa tội tổ tông theo đòi hỏi của các nhà truyền giáo. Cũng từ Atlantic, các thuyền tầu theo Rio Amazonas tiến sâu trong lục địa để chiếm hữu thêm nhiều vùng đất mới trên Tân Thế Giới, nhất là ở Peru, nổi danh với El Dorado /City of Gold, hay La Canela /Valley of Cinnamon -gia vị rất được ưa chuộng bên trời Âu.



Trong chuyến Amazon Explorer vừa qua, BTX-HA được theo thuyền ghé nhiều thành phố và tỉnh làng ven sông, từ Belém nơi cửa biển trên hải trình đến Rio de Janeiro.. Rồi khi ngược về, thuyền từ Atlantic nơi hạ nguồn vào sâu theo sóng nước Amazon Waterways qua những Santarém, Boca da Valeria, Manaus, Parintins, Alter do Chão.. trên một đoạn dài hơn 1500 cây số của dòng sông. Ngắm những bình minh chan hòa trên trùng điệp ngàn xanh, nghe từ các khu rừng vang vọng thánh thót tiếng chim ca.. Đến lúc tàn ngày nhìn những đôi cánh nhỏ lượn bay giữa khung trời rộng, ríu rít gọi nhau về tổ khi hoàng hôn thả hiu hắt ánh vàng trên sóng nước mênh mang. Thuyền lướt êm theo hun hút dài của những nhánh sông con giữa hai bên bờ trùng điệp cây cỏ, ven bạt ngàn xanh tươi, qua những thành phố, thôn, làng.. Thỉnh thoảng thấy lẫn trong mầu cây lá vài ba nóc gia cùng chiếc thuyền gỗ nhỏ neo dây lung linh trên mặt nước.



Khách xa cũng được biết là ở sâu phía trong ven sông vẫn còn sinh sống rải rác nhiều bộ tộc nhỏ của các sắc dân da xậm thuở trước, đã luôn từ chối rời bỏ làng thôn và nguồn cội, cũng như không cần biết đến nền văn minh đô thị.. Nhưng thật thê thảm, do họ ngày càng bị đẩy lùi vào chốn hoang sơ rừng già, bởi nhân danh tiến bộ và nhu cầu, phần đất của họ bị trưng dụng để biến thành những đồng bằng phì nhiêu dùng nuôi bò, các đồn điền trồng soybeans, cây palm với từng chùm quả hột chứa dầu.. cho kỹ nghệ thực phẩm, mà khách hàng qua trọng nhất là công ty McDonald's Hamburger! Con người văn minh đã vì lợi nhuận nên đang tàn phá thiên nhiên -không chỉ trên những xứ sở còn kém mở mang hay có chính quyền tham nhũng, mà cả tại nhiều cường quốc giầu mạnh, qua cách nay hay kiểu khác, cũng đều khá giống như nhau.
* BOCA DA VALERIA,



Nằm ven một nhánh sông Amazon, làng Boca da Valeria /Mouth of Valeria River, rất nhỏ với chỉ vài chục nóc nhà sàn gỗ và một số nhà chung rộng rãi, là nơi sinh sống của khoảng 120 người, đa số là thổ dân bản gốc cùng một ít lai giống với dân quân Bồ Đào Nha qua đây sinh sống từ nhiều thế kỷ trước, gọi là caboclos.







Nhiều năm trước, những chuyến du thuyền khám phá dòng sông to rộng nhất thế giới Amazon River, từ chốn hạ nguồn ven Atlantic vẫn ghé bến cảng các thành phố lớn đông dân cư như Santarém, Manaus, Parintins, Alter do Chão, Icoarici.. Nhưng một lần, có ông thuyền trưởng của công ty Costa Cruises, khi lướt sóng nhỏ trên nhánh sông Valeria, tình cờ thấy tên Boca da Valeria nhỏ xíu trên bản đồ.. Tò mò, ông cho nhân viên dùng ca-nô đi khám phá.. Để chỉ ít lâu sau ngôi làng nhỏ biệt lập chốn hoang sơ của dân indigenous bỗng trở thành nơi dừng bước rất thú vị, được lòng khách thăm.




Du thuyền thả neo ngoài xa, cho khách theo ca-nô lên bờ vui với gia đình các thổ dân, được bọn trẻ nhỏ mặc trang phục cổ truyền bộ tộc vây quanh tiếp đón, khoe những con thú lạ ôm trên tay như con cù lần, cá sấu, chồn, kỳ đà, rắn, vẹt.. Người lớn cũng trổ tài khéo qua các món hàng thủ công, cả mời khách theo những lối mòn đất bùn khô thăm sâu phía trong, lên vùng đồi cao nơi họ trồng trọt khoai sắn, đậu hột, chuối, bắp.. Bởi do vào mùa nước nổi, mực nước sông có thể dâng lên cao đến nhiều thước.




Nhờ lượng khách viếng, Boca da Valeria tiếp cận với thế giới văn minh. Ngôi trường làng nghe vẳng ê a tiếng học trò, trạm y tế chăm sóc sức khỏe cùng giúp tỉ lệ tử vong nơi trẻ em giảm rất nhiều. Ghé căn giáo đường nhỏ, vài băng ghế mộc, tượng gỗ đơn sơ và máy hát cho ngân vang nhạc thánh ca.




Người dân làng bản tộc Boca da Valeria được khuyến khích giữ nét cội nguồn, bảo tồn truyền thống và tập quán xưa. Có vẻ họ không bị khuấy động bởi những len lỏi của ánh sáng văn minh đô thị. Đa số chỉ biết dùng thổ ngữ, sống an bình chăm lo nương rẫy, đánh cá, dệt sợi.. Riêng trẻ con thì hớn hở lắm, chỉ chờ dịp khách đến để diện trang phục, tô vẽ mặt mày và.. tíu tít nhận quà, bởi khách thăm được khuyến khích mang cho trẻ sách vở, bút chì mầu, đồ chơi để học hỏi..



* Huyền Anh, BTX-69
Gửi ý kiến của bạn