Hoạ lại một câu kinh *** Hoàng Kim Châu

15 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 83701)

Hoạ lại một câu kinh

 

Chiếc sân khá rộng được giăng bạt khang trang, bày biện bàn ghế đầy khách khứa ,nếu không nhìn rõ khuôn mặt trang nghiêm buồn rầu thì tôi và các huynh đệ sợ mình đi nhầm chỗ. Lên năm bậc cấp bước vào phòng khách trống trơn chỉ để chiếc áo quan, một số ni các chùa khác cùng tang quyến đã đợi sẵn.Sau nghi thức làm lễ Phật, chúng tôi bước vào căn phòng bên, trên chiếc giường rộng, một người nằm thẳng phủ chiếc mền Quan Âm, tôi khẽ kéo chiếc khăn vàng, khuôn mặt đã mất hơn một ngày mà vẫn tươi tỉnh như đang ngủ, những nét nhăn nheo của tuổi già, nét khổ nhọc của cuộc sống dường như biến đâu mất, hiếm khi nào đi làm lễ nhập liệm mà tôi gặp được một người chết nào có khuôn mặt thanh thản đến như thế.

Thân hình ông cụ nhỏ bé nằm gọn trong tấm vải trắng, toàn gia quyến đứng xung quanh, khuôn mặt đẫm nước mắt, tiếng nấc nhè nhẹ khi tôi làm lễ nhập liệm đưa ông cụ vào linh cửu, giấy trắng, áo quần đem theo, hoa lài chèn kín xung quanh chừa khuôn mặt ung dung tự tại để con cháu nhìn lần cuối, một bàn tay nào đó kéo khăn che mặt, tấm ván thiêng đậy kín quan tài. Một phút im lặng, một phút sững sờ.

Đứng trước bàn thờ vong, nhìn di ảnh, khuôn mặt hiền từ, đôi mắt như cười hóm hỉnh, tự nhiên tôi cảm thấy quen quen nhưng sao không nhớ nỗi, phải chăng do lời sư phụ dặn trước khi đi:

-Đây là người quen của sư phụ.

Tôi làm lễ phát tang, bấy giờ mới rõ ông cụ có khá nhiều con cháu, những mái đầu bịt khăn trắng quỳ đến nữa sân, thấp thoáng có đến ba chiếc khăn màu vàng. Gia đình tứ đại đường, thật hiếm! Tôi chậm rãi xướng tên từng người một , đến gần sáu mươi tên .Tôi muốn ông cụ được nghe tên của họ lần cuối. Tôi muốn gọi tên từng người nhắc nhở cho họ biết mình thân thiết thế nào với người đã khuất. Lúc này nhằm tháng vào hạ, sắp đến lễ Vu Lan :

btx_thikinh-large-large-content…Ấm no đầy đủ

Cậy có công cha

Chẳng quản yếu già

Sinh nhai lam lũ

Quyết cùng hoàn vũ

Phấn đấu nuôi con…

Những giọt nước mắt tuôn rơi, những ánh mắt ân hận nghĩ đến những điều mình muốn làm cho người thân mà muộn màng chưa kịp. trong số họ tôi cầu mong không có ai “Thấy cha như thấy khách, thấy mẹ như thấy nợ” .trong số họ tôi cầu mong không có ai”thê thiếp sai bảo thì nhất thiết thi hành , cha mẹ nói năng lại không thèm đếm xỉa”. Trong số họ tôi cầu mong không có ai “mê theo chồng con, quên ngày quên tháng, bỏ quên cha mẹ, không tin không hỏi, làm cho cha mẹ nhớ thương sầu khổ”…

 ð ð ð ð ð


Vài hôm sau, đích thân sư phụ làm chủ lễ Tịch Điện nên tôi thong thả dạo mắt nhìn khắp nhà, bốn bước tường nay được treo phủ đầy những câu đối, bài thơ phúng điều, một bài thơ thật quen:

Trần gian là quán trọ

Tạo hoá lẽ huyền vi

Thế nhân là lữ khách

Dừng lại rồi ra đi

 (Stop and go)

Như một luồng điện xẹt qua, tôi nhìn lại bài vị, dưới ngọn nến lung linh, hình như ông cụ nheo mắt, cười hóm hỉnh:

-Mô Phật! Nhớ tui rồi phải không thầy.

Tôi nhớ! Tôi nhớ! Từ ngày xuất gia đến giờ gần 20 tuổi hạ, khi còn cắp khánh theo hầu thầy đến lúc làm chủ lễ trong các đám tang, tôi luôn gặp ông cụ, ông cụ không nằm trong ban tụng niệm hay người làm công quả của chùa, ông là một người đặc biệt.

Cứ vào lúc hạ huyệt, sau khi tôi tụng:

-Nam Mô Tiếp Dẫn Đại Sư A Di Đà Phật…

Và ngừng đến khi hạ huyệt, lấp mộ phần tròn trịa, tôi thường hỏi:

-Tang gia có điều chi muốn nói.

Ông cụ luôn thay gia đình đọc điếu văn đáp từ. Hơn hai mươi năm tôi gặp và có lẽ thời gian trước đó còn nhiều hơn thế, bao giờ ông cụ cũng mặc một bộ quần áo khá lịch sự, luôn là một bộ âu phục, hôm nào trời lạnh khoác thêm chiếc áo pardersuss. Người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng ấm áp, ông cụ lấy trong túi , tờ giấy điếu văn được chuẩn bị kỹ càng và lên tiếng với giọng Huế nhẹ, ấm áp ông cụ cùng với tất cả mọi người hoài niệm người đã khuất, bao giờ ông cụ cũng lấy giáo lý của nhà Phật làm đầu 

Trăm năm trước thân ta không có

Trăm năm sau có cũng như không

Cuộc đời sắc sắc không không

Và cứ như thế, khi tôi xướng câu linh cuối cùng, ông đáp từ bằng bài điếu văn, Suốt từng năm tháng ấy, bài điếu văn không hề trùng lắp, bởi cuộc sống nào có giống nhau. ông cụ luôn tìm được những điều tốt đẹp của người đã khất và đưa vào những vần thơ ngọt đến lịm người:

 Khó nguôi thương nhớ lệ châu tràn

 Áo hiếu bông hồng cũng rã tan

 Lặng lẽ mẹ đi về cõi tịnh

 Bồi hồi con ở lại trần gian

 (khóc mẹ)

Cậu đi rồi mất cậu ngàn năm

Một nửa đất trời bỗng tối tăm

Vân thọ quan hoài sầu khó cạn

Hồng trần mộng đoạn lệ khôn cầm

 (Khóc cha)

Câu thơ bạn cũ tìm trong mộng

Tiếng ngọc người xưa biệt giữa đời

Đốt nén tâm hương xin bái vọng

Theo niềm thương tiếc lệ châu rơi

 ( Nhớ bác Chơn Toàn)

Đường Du Sinh bỗng dưng thành Du Tử

Chiếc xe tang nhoà nhạt với hoa xinh

Gió thở than trên sỏi đá gập ghềnh

Từng bước cuối lặng đưa người vĩnh biệt

 (Thi lệ)

 

Sáng nay, đứng phía trên mộ phần, nhìn ra xa “Đỉnh Lâm Viên trời xanh cao lồng lộng” sau khi tôi tụng:

-Nam Mô Tiếp Dẫn Đại Sư A Di Đà Phật…

Và ngừng đến khi hạ huyệt, lấp mộ phần tròn trịa, tôi lại hỏi:

-Tang gia có điều chi muốn nói.

Và như thói quen tôi nhìn vào di ảnh, ông nheo mắt, cười hóm hỉnh:

-Mô Phật! công việc của tui đã xong rồi thầy ạ, phải nhường người khác thôi”

và vẫy tay:

Xin chào tất cả tôi đi

Nghĩ mình thân phận chim di một đời

Mây trời như sóng nổi trôi

Gió tha thiết mãi như lời từ ly

 

Xin chào…

 Xin chào…

 Tôi đi!


 ( thương nhớ ba, 26.8.2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn