Đà Lạt Ngày Nay
1001 Chuyện Ba Láp
Ký Bần
Lời của Ký Què:
Tôi, Ký Què nhận được bài “Đalat Ngày Nay-1001 Chuyện Ba Láp” của anh bạn Ký Bần. Cả hai tụi tui là dân nhập cư lậu từ sau ngày bị phỏng. Tụi tui sống độc thân, rất lạc quan yêu đời, không bao giờ nghĩ đến quá khứ huy hoàng của mình mà chỉ nghĩ đến tương lai đen tối của đám dân lành mà thôi. Nghề chính của tui là chuyên nghe lóm mấy mệ ngồi lê đôi mách nói xấu nhà nước. Còn Ký Bần thì lâu lâu viết: “Chuyện Ba Láp” nhưng không dám gửi cho báo “Tuổi Trẻ” hoặc “Thanh Niên”. Kẹt quá, Ký Bần bèn gửi đến cho tui để đọc cho dzui. Tui xin thay mặt cho Ký Bần phát tán đi tùm lum để ai đọc cũng được. Nếu báo nào vớ được mà đăng thì xin gửi cho tí nhuận bút để uống rượu vang Đalat. Đọc “Chuyện Ba Láp” xin chớ tin vì là “Chuyện Ba Láp”. Những Chuyện Ba Láp của Ký bần ghi như sau:
MỘT
Tết Canh Dần 2010, dân tứ xứ kéo lên Đalat vui xuân đón tết. Xe đổ dốc vào thành phố thì hỡi ôi! Hồ Xuân Hương không khốc, không còn một giọt nước để làm thuốc. Bụi tung mù trời. Đi vòng vòng hỏi thì chẳng ai biết tại sao. Cuối cùng thì cũng có vài tin “tức mình” như bán hồ cho ngoại quốc xây chỗ ăn chơi, lấp hồ để làm sân cù, làm quảng trường đỏ, làm sân đá banh, xây khách sạn vân vân và vân vân... Vài hôm sau cầu Ông Đạo bị bịt kín hai đầu, xe không qua lại được. Vài ngày sau nữa người ta gánh đất đổ thành con đường mang tên “Bùi Mụ” tức “Bụi Mù” nghe rất đỗ nên thơ nối từ Thủy Tạ qua nhà Hướng Đạo trước đây. Kế đó là những chiếc xe đào đất và chở đất được gửi tới để móc đất đem đi rắc khắp các con đường chung quanh hồ cho bà con có cơ hội hít bụi tập thể. Các cán chính quyền nói “vét hồ” để cho thành phố đẹp hơn! văn hóa hơn mà trên thế gian này không một quốc gia nào sánh kịp!. Hỏi đến bao giờ xong thì cán chính quyền trả lời chắc nịch “tháng chín năm nay thôi!”. Hỏi cư dân Đalat thì tuyệt đại đa số vừa cười ruồi vừa trả lời “tháng chín năm Mậu Chuột”...
Lời bàn của Ký Bần: Vét hồ có tiền vào túi. Càng vét lâu tiền chạy vô túi càng nhiều... Khi trả tiền thi công thì làm khó không muốn trả, cuối cùng các đơn vị thi công bỏ luôn... xù... và tiền lại chui vào túi cán...Và bây giờ đã là đệ tứ cá nguyệt của cái gọi là “cuối năm 2010” mà “hồ vẫn cạn, bụi vẫn bay ” khiến thành phố “mù sương” có lẽ vĩnh viễn biến thành “thành phố mù bụi…”
HAI:
Cách đây 25 năm, chính quyền Đalat do mấy chú mấy bác liên khu 5 nối đuôi nhau cầm quyền ra lệnh:
- “Dân phải đào mồ bốc mả ông bà tổ tiên tại khu Mả Thánh đem đi nơi khác chơi”.
Dân hỏi tại sao thì cán đáp:
“Để nhà nước ta xây sân vận động cho dân đến đá banh, đánh vũ cầu, tập yoga, múa tài chi, đi bộ tán gẫu, con nít tới đánh bi hoặc nhảy lò cò tập thể cho có văn hóa, thanh thiếu niên vào đấy chích choác cũng làm tăng vẻ đẹp cho thành phố…”
Nay, mồ mả đã bị bứng hết, chỉ còn le ngoe vài ba chục nấm mồ vô chủ. Khu Mả Thánh vốn tiêu điều nay lại càng tiêu điều thêm. Giữa năm 2010 giới “có chức” liên khu 5 đến khu Mả Thánh nhắm nhắm đo đo ghi ghi chép chép to to nhỏ nhỏ. Bàn dân thiên hạ các phường théc méc hỏi các chú các bác làm gì thế? Các đại cán thành phố nghiêm túc trả lời cực kỳ ấn tượng:
- Chia lô chứ lồm chi mà théc méc! Đừng có hủa! Đã bán hết rồi! Đi chơi chỗ khác…
Lời bàn của Ký Bần: Đó là chính sách và chủ trương nhất quán và đứng đéng... của đảng và nhà nước ta...tất cả vì “lợi ít” của nheng reng…
BA:
Sau ngày các bác các chú các thím liên khu 5 làm trùm băng đảng trên thành phố Đalat, người dân ở đây trở thành bần cố theo đúng “tư tưởng hồ chí minh vãi đị”, còn các bác các chú và các thím nẫu ngày một ngày hai đã biến thành giai cấp địa chủ, tư sản nhờ thấu triệt được cương lĩnh cướp bóc... được gọi là những đại-gia tư-bản-đỏ như những lãnh chúa thời trung cổ ở Âu Châu. Rồi các bác các chú và các thím ra luật cho dân thi hành, chứ không phải các bác các chú các thím thi hành. Điều này chung cho cả nước chứ không riêng gì ở Đalat.
Khoảng năm bảy năm nay, các bác các chú các thím công an cảnh sát ra luật phạt các chủ xe chạy quá tốc độ qui định. Mức phạt nặng nhẹ tùy theo, từ vài ba trăm nghìn đến vài triệu và giam xe 30 ngày trở lên. Nếu khổ chủ thuộc luật “bên lề” và thi hành một cách thông minh và nhậm lẹ thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy! Nói cho dễ hiểu thì cứ tự động móc tiền ra và xin thông cảm hoặc tự động mang đến nhà đến trạm công an năm bảy thùng bia Tiger để anh chị em ta bồi dưỡng là coi như không có chuyện gì xảy ra. Những chuyện như thế là chuyện rất bình thường trong một xã hội đã đạt tiêu chuẩn “tự giác và có văn hóa” khắp “hang cùng ngõ hẻm”.
Ký Bần ưa lân la các quán cà phê rẻ tiền và được nghe nhiều chuyện kể giống y chang nhau:
Các chủ xe du lịch và vận tải hàng hóa nộp tiền cho giới chức cảnh sát giao thông từ hai đến ba triệu một năm để chạy thoải mái và không bao giờ bị cảnh sát giao thông đụng tới vì chạy quá tốc độ giới hạn, vượt đường cấm, đường ngược chiều... Có một anh chủ xe quá hạn nộp tiền hai hôm bèn nhận được điện thoại nhắc nhở. Anh ta phải mất thêm một chầu nhậu cỡ ba triệu nữa!
Tin được nghe lóm ở một quán thịt chó và đã được nhiều giới chức xác minh là đúng “chăm phần chăm” là: Muốn được làm Cảnh Sát Giao Thông phải chi từ một đến hai tỷ bạc VN!
Lời bàn của Ký Bần: Luật là để cho dân nghèo thi hành. Luật không thi hành đối với các bác các chú các thím nẩu và các đấng có tiền. Điều này quên ghi vào hiến pháp xã hơi cả ngày Việt Nam…
BỐN
Cũng vẫn chuyện xe cộ. Đalat trước đây có hai bến xe. Một ở gần Bờ Hồ, sát ấp Ánh Sáng (bây giờ đã biến thành ấp Ánh Tối) và một ở phía sau dãy phố khu Hòa Bình. Ba chục năm trước các chú các bác đuổi hết ra bến xe mới trên đồi đối diện với ấp Saint Jean trên một ngọn đồi được san bằng. Không một xe khách của bất cứ tuyến đường nào được bén mảng chạy vào thành phố. Lý do được mấy cái loa ồm ồm buổi sáng giải thích là để cho thành phố sạch đẹp, văn minh, có văn hóa. Nên nhớ là các chú các bác hễ mở miệng ra nói thì y như rằng chú nào bác nào cũng sặc mùi văn hóa xú uế.
Thế nhưng, khi các đại gia tư bản đỏ làm ăn thì có ngoại lệ tức là áp dụng đứng đéng và đầy tính sáng tạo của “luật bên lề”. Trước tiên các đại gia này bỏ tiền mua đứt bến xe mới. Hằng trăm loại xe chạy đi khắp các tuyến đường đất nước phải trả tiền hằng năm để xe được vào bến xuất bến., Các đại gia này thành lập công ty cổ phần và biếu bác Năm chú Bảy dì Chín... gốc liên khu 5 mỗi người năm bảy cổ phần và mỗi năm lại được chia tiền lời kinh doanh. Cuộc đời các bác các chú các dì liên khu 5 sao mà sướng thế! Người dân Đalat ai ai cũng vừa khóc vừa mừng cho giai cấp lãnh đạo “cực kỳ sáng suốt”.
Tập đoàn làm ăn lớn nói trên không ai mà không biết. Đó là “tập đoàn xe khách Phương Trang” có xe chạy trên nhiều tuyến đường tại Việt Nam. Điều ngon lành hơn nữa là tập đoàn xe Phương Trang có một bến xe riêng của mình ngay trong thành phố ở số 11A/2 Lê Quý Đôn (ngay góc Cường Để - 3 tháng 2 gần nhà đèn). Tuyệt vời hơn nữa là nếu Phương Trang có gây tai nạn, rủi ro cán chết dân ở đâu đó thì các báo các đài phát thanh phát hình cấm không được loan tin!
Nói thêm: Miệt Sàigòn có bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây. Không xe nào vào lọt được Sàigòn. Nhưng tập đoàn Phương Trang có một đoạn đường riêng (không phải bến xe) ở số 272-274-276 Đề Thám để bán vé, lên và xuống khách... làm cản trở lưu thông trầm trọng, dân cư khu Bui Viện – Phạm Ngũ Lão chịu đời không thấu! Đây cũng là khu tập trung mấy anh chị Tây Đầm balô chán sống khoái ăn nước mắm và khoái hít thở không khí bụi bặm XHCN.
Lời bàn của Ký Bần: Các cấp lãnh đạo có “đỉnh cao trí tuệ” rất hiểu và thực hiện đúng câu của người xưa: “Đa Kim Ngân Phá Luật Lệ”.
NĂM
Chuyện nghe ra rất nghịch nhĩ. Số là những kẻ nghèo khốn bần cùng (như Ký Bần tui) thì mới ngày đội nắng đêm hứng mưa để đứng đầu đường góc chợ Giữ Xe cho thiên hạ đi ăn chơi mua sắm... Thế nhưng nhiều năm qua tại Đalat, các bác các chú liên khu 5 muốn những người “Giữ Xe” phải có trình độ văn hóa cao và gốc gác kách mệnh cho nên Giữ Xe là đặc quyền chỉ dành cho vợ con, anh em, cháu chắc, cậu mợ, chú dì... của các cấp lãnh đạo anh minh của thành phố. Những ai có việc xuống phố ghé chợ, vào các hàng quán nếu dựng xe dưới lòng đường thì đã có mấy chú cảnh sát giao thông đến hỏi thăm sức khỏe và xin tí tiền thông cảm.Vài trăm nghìn tiền phạt là chuyện bình thường. Còn nếu dựng xe trên lề đường thì tiền phạt tăng gấp đôi! Do đó, dù chỉ cần năm ba phút chạy vào cửa hàng cũng phải mang xe đến để cho dòng họ ba đời các bác các chú giữ dùm cho. Dĩ nhiên là phải móc túi trả tiền.
Chuyện nhà xí: Cũng như chuyện Giữ Xe. Những nơi có nhà xí công cộng, các bác các chú gọi là “Điểm Thơm” hoặc là “Nơi Có Ăn”. Cho nên hàng hàng lớp lớp những người làm cách mệnh vô sản tranh nhau những “Nơi Có Ăn” này. Những địa điểm thường tổ chức lễ hội, khu chợ búa, khu triển lãm, các trung tâm sinh hoạt đông người... đều có nhà xí công cộng. Bước vào bước ra hai nghìn. Cần giấy vệ sinh ba nghìn. Chỉ vài năm ăn nhà xí, phe cách mệnh đã có thể hiên ngang mua đất (vừa mua vừa giật) xây nhà nhiều tầng cao cấp. Việc kinh doanh nhà xí cũng nằm trong chủ trương “hồng hơn chuyên”. Dân tơ lơ mơ như Ký Bần tui làm sao mó được cái “job thơm” đó!
Lời bàn của Ký Bần: Sau ngày 4 tháng 3- 1975, các bác các chú “nẩu” tại Đalat đông hơn “Ruồi Trâu” (tác phẩm vĩ đại của nhà văn Balavski, Liên Xô), gốc là dân nằm vùng liên khu 5 - Nam-Ngãi-Bình-Phú. Chỉ trong vòng 35 năm, các bác các chú đã phá nát cái thơm và dựng lên cái thối tại thành phố Đalat để hoàn thành kế hoạch “Ngũ Niên Lần Thứ 7”.
SÁU
Một buổi sáng đẹp trời của tháng 7 – 2010 bàng dân thiên hạ thấy môt nhóm người cầm xà beng, dao, búa, rìu, cưa… tập trung tại ngôi nhà gỗ nằm bên hồ Xuân Hương đối diện với hồ Đội Có. Nhiều người théc méc thì biết đây là những người nhận được lệnh của cán thành phố đến để triệt hạ căn nhà này (thi hành đúng cương lĩnh phá phách của đảng và chính quyền nhân dân). Chỉ trong vòng buổi sáng họ đã leo lên nóc cạy ngói, tháo gỗ, phá tường, dục nền để cùng hòa điệu với hồ Xuân Hương nước cạn khô từ đầu năm nằm trơ trẻn như một cô gái ghẻ lở trần truồng khiến ai nhìn thấy cũng phải kinh hãi! Mấy chục năm làm cư dân Dalat, Ký tôi thường lê gót lang thang quanh hồ và từng chõ mắt nhìn vô căn nhà này, nhiều lúc gặp mưa Ký phải chạy vào trú dưới mái hiên ngoài. Hình như có người ở bên trong căn nhà đó nhưng Ký tôi chẳng bao giờ quan tâm théc méc làm chi. Cho tới bây giờ tôi mới nghe được rằng trước khi căn nhà trở thành “Câu Lạc Bộ Câu Cá” rồi biến thành chỗ để “cho thuê xe đạp nước”, đã là căn nhà của Hướng Đạo trước năm 1975. Nghe nói Hướng Đạo là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên trên toàn thế giới nhằm đào tạo những công dân tốt cho xã hội. Thế nhưng Ký tôi chẳng bao giờ thấy Hướng Đạo lai vảng tới căn nhà này. Lại cũng nghe lóm từ các mệ bàn ra tán vào ở quán bún riêu rằng: Nếu cho Hướng Đạo hoạt động trở lại thì ba cái đám “thiếu nhi chùi khăn đỏ, đám thiếu niên bình phong, đám thanh niên “hồ chính mi” sẽ tự động tiêu tùng ráo trọi…
Lời bàn của Ký Bần: Nếu căn nhà này trước đây có bác Lê Khả Phiêu gốc liên khu 5 dắt nữ cán bộ hộ lý vào trú mưa thì bảo đảm trăm phần trăm rằng nó sẽ trở thành “Nhà truyền Thống Kách Mệnh” ngay.