Vấn Đề các đảo Hoàng Sa và Trường Sa --- Giáo Sư Nguyễn Phú Đức

30 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 102396)

Vấn Đề các đảo Hoàng Sa và Trường Sa

 Gíáo Sư Nguyễn Phú Đức

Giáo Sư Nguyễn Phú Đức tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Luật Khoa Đông Dương nãm 1953, Tiến Sĩ Khoa Học Pháp Lý Đại Học Havard (Doctor of Judicial Science; L.L.M. 1954; S.J.D. 1956) là chuyên gia Luật Quốc Tế, tác giả các tài liệu nghiên cứu tổng quát về Luật Quốc Tế "International Law in the French Legal System" (Harvard 1956). Trong thập niên 60, ông giảng dạy tại trường Luật Saigon và riêng tại Trường Chinh Trị Kinh Doanh Viện Đại Học Dalat về môn Bang Giao Quốc Tế.

Từ năm 1964 đến 1975, Giáo Sư lần lượt đảm nhận các chức vụ: Quan Sát Viên của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đặc trách về ngoại vụ. Năm 1973, giữ chức Tổng Trưởng Ngoại Giao, và sau đó Đại Sứ VNCH cạnh Cộng Đồng Kinh Tế Á Châu (74-75.

Sau năm 1975, Giáo Sư định cư ở Pháp. Từ năm 1977 đến 1992, ông là Trưởng Ban Luật (Tesponsable du Departement du Droit) tại ESSEC (École Superieure des Sciences Economiques et Commerciales) kiêm nhiệm Viện Trưởng Institute due Droit des Affaires. Trong cương vị này, Giáo Sư là tác giả cuốn sách "La Fiscalité Internationale des Entreprises (Ed. Masson, Coll, Le Nouvel Ordre Economique, 1985). Ngoài ra Giáo Sư còn là tác giả tập "Hiện Tình Việt Nam: Xây Dựng Dân Chủ, Phát triển và Đối Ngoại" do Hội Ái Hữu VDHDL xuất bản năm 1997. 


Đọc lại lịch sử Việt Nam từ mấy ngàn năm, qua bao nhiêu giai đoạn, Trung Quốc lúc nào cũng rình thế yếu của ta để xâm chiếm. Sau khi Trung Quốc và Việt Nam cùng theo chế độ Cộng Sản, tham vọng của Trung Quốc về Việt Nam cũng không hề thay đổi.

Sau cuộc đụng độ với Trung Quốc nãm 1979, Bộ Ngoại Giao Hà Nội đã phổ biến một cuốn Bạch Thư quan trọng nhan đề "Sự Thật Về Quan Hệ Ngoại Giao Việt Nam - Trung Quốc Trong Ba Mươi Năm Qua". Theo tài liệu này của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: "Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của Chủ Tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao Động Việt Nam tại Vũ Hán năm 1963: "Tôi sẽ làm Chủ Tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á Châu". Chủ Tịch Mao còn khẳng định trong cuộc họp Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 8 năm 1965: "Chúng ta phải dành cho được Đông Nam Á Châu, bao gồm cả Nam Việt Nam, Thái Lan Miến Điện, Ma-Lai-Xi-A, Xin-Ga-Po. Một vùng Đông Nam Á Châu giầu có, ở đấy có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy".

Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracels) của Việt Nam năm 1974 và quần đảo Trường Sa (Spratleys) năm 1992, cũng thuộc chủ quyền Việt Nam, đã chứng minh điều đó.

 

Đại Cương Về Quần Đảo Hoàng Sa Và Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa ở giữa vĩ tuyến 16 và 17, ngoài khơi ranh giới khi trước giửa Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa, nghĩa là rất xa bờ biển Trung Quốc. Quần đảo này gồm hai đảo chính mà người Pháp gọi là Croissant và Amphirite với hơn 30 đảo con chung quanh, diện tích tổng quát lối 15 ngàn cây số vuông.

Quần đảo Trường Sa lại còn xa Trung Quốc hơn nhiều, ở tận vĩ tuyến 12, ngang tầm vớl hạ lưu sông Cửu Long (Mékong) ở miền nam Việt Nam. Quần đảo này hơn 100 đảo nhỏ, diện tích tổng quát lối 160 ngàn cây số vuông. Vị trí ở giữa Việt Nam về phía tây; và về phía đông nam của Brunei và Sarawak.

Về phương diện kinh tế, quầ đảo Hoàng Sa có phosphate và có thể có dầu hỏa trong vùng biển kế cận (off shore). Còn quần đảo Trường Sa thì có phosphate, guano, ngư sản và - theo các nhà chuyên môn - dầu hỏa ven biển có trữ lượng rất quan trọng, ước lượng lối 105 tỷ thùng dầu, thêm vào đó còn có khí đốt ước lượng lối 25 tỷ thước khối.

Bên lề các nhiên liệu kinh tế, các đảo đó còn ở vào một vị trí địa dư rất quan trọng, chi phối lưu thông trên mặt biển từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, nghĩa là trên đường giao thông giữa Tây Âu với Đông Nam Á va Bắc Á.

Cần nói là theo luật quốc tế cụ thể là Công Ước Luật Biển do Liên Hiệp Quốc soạn và được đa số quốc gia trên thế giới chấp nhận năm 1982, vùng lãnh hải (mer territoriale) của quốc gia có chiều rộng 12 hải lý (lối 22 cây số) bên cạnh lãnh hải thì có các vùng kế cận (Zône Contigué), 12 hải lý nữa. Cộng lại tức 24 hải lý (lối 45 cây số) bên ngoài ven bờ biển lãnh thổ quốc gia. Trong vùng đó, quốc gia có chủ quyền rộng rãi, nghĩa là có thể kiểm soát lưu thông trên mặt biển và kiểm soát bề phương diện y tế, cả về thuế đoan nữa. Ngoài ra lại còn có vùng gọi là "Vùng độc quyền kinh tế" (Zone économique exclusive) có chiều rộng 200 hải lý, nghĩa là lối 370 cây số, ngoài ven biển (1 hải lý = 1.853m). Như vậy áp dụng Luật Quốc Tế, khi một nước chiếm một đảo, dù là nhỏ, cắm cờ lên, là đã có quyền trên một vùng quan trọng.

Sau khi chiếm đảo Spratleys (Trường Sa) của Việt Nam năm 1992. Trung Cộng đã lộ chủ đích kiểm soát việc lưu thông vùng Đông Nam Á khi đòi khám xét một vài tàu buôn trong vùng biển kế cận Spratleys, muốn biến một vùng mà nhiều người ngoại quốc gọi là "Mer Orientale" (Đông Hải), thành một "Biển Hồ Trung Quốc" (un lac chinois).

CHÙ QUYỀN TRÊN CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯƠNG SA

Theo các tài liệu lịch sủ, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ 15, và dưới thời Pháp thuộc, nước Pháp tiếp tục hành xử chủ quyền thay mặt cho Việt Nam dưới chế độ Bảo Hộ.

Từ thế kỷ 15, dưới triều vua Lê Thánh Tông, Việt Nam đã thiết lập bản đồ quốc gia gồm quần đảo Hoàng Sa (Atlas Hong Duc, Historical Research Institute)

Tài liệu "Phụ Biên Tạp Lục" của Lê Quý Đôn năm 1776, mà Pháp dịch là "Melanges sur le gouvernement des Marches". có ghi là Việt Nam thiết lập năm Nhâm Ngọ (1702) một công ty Hoàng Sa để quản trị đảo, mà những nhà sưu tầm Pháp nhận định là "Compagnie maritime de nature gouvernementale". (M. Chemillier Gendreau, La souveraineté sur les Archipels Paracels et Spartleys, L'Harmatan 1966, p. 67).

Thế kỷ 18, trong giai đoạn Trịnh Nguyển phân tranh, theo tài liệu Lê Quí Đôn, các Chúa Nguyễn miền Nam đã thiết lập được các tổ chức thương thuyền để khai thác đảo đó.

Sau khi vua Gia Long thống nhất Bắc Nam, thì việc hành xử chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (Paracels) lại càng rõ rệt. Theo ông Jean Baptisite Chaigneau- Cố Vấn của Vua Gia Long, được nhà Vua ban cho tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thăng- Viết trong hồi ký "Memoire Sur La Cochinchine" năm 1820 thì chính Vua Gia Long đẵ thân hành ngự giá đến đảo Hoàng Sa năm 1816. Việc này cũng được Đức Tổng Giám Mục Taberd xác nhận trong "The Journal of Asiatic Society of Bengal" (Sept. 1837).

Sau đó Vua Gia Long còn cử ông Phạm Quang Anh đến Hoàng Sa vẽ địa đồ và nghiên cứu địa dư đảo đó.

Sau đời Vua Gia Long, theo hồi ký của ông Chaigneau, Vua Minh Mạng tích cực tổ chức việc quản trị đảo Hoàng Sa một cách rất qui mô. Ông Chaigneau ghi chép: "En 1836, l'empereur Minh Mạng poursuit le project de son prêvecesseur d'etablir un cadastre de tout le pays. En matière de cartographie, tout sera noté en détail pour être soumis à la haute attention de sa majesté L'empereur. Dès que les jonques arrivent, it faut mesurer la longuer, la largeur, le pourtour de l' ile, la profondeur des eaux environnantes, et dresser un croquis".

Ngoài râ Vua Minh Mạng còn sai Đô Đốc Phạm Hữu Nhật đến Đảo đóng trụ ghi chủ quyền Việt Nam, mà ông Chaigneau dịch như sau: "La 17è anné du règne de Minh Mạng, pour ouvrè impérial, le commandant Pham Huu Nhat de la Marine est venu ici, aux Hoàng Sa (achiepels) pour la reconnaissance et les levées topographique et laisse ce poteau-temoin pour marquer ce fait".

Còn về quần đảo Trường Sa (Spratleys), trong lối 100 đảo nhỏ của quần đảo đó, Việt Nam chỉ hành xử chủ quyền trên sáu đảo, từ đời các Chúa Nguyễn. Dưới triều Vua Minh Mạng, bản đồ chính thức của Việt Nam có gồm những đảo đó.

Sau khi Việt Nam bị đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp (Hòa Ước 1883 và 1884), thì nước Pháp thay mặt Việt Nam tiếp tục hành xử chủ quyền Việt Nam trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để cho vấn đề rõ ràng, chính phủ Pháp có gởi cho Sứ Quán Trung Quốc tại Paris một công hàm đề ngày 04.02.1932 ấn định nguyên tắc nói trên và đề nghị, nếu Trung Quốc phản đối, thì đôi bên ra trước Trọng Tài Quốc Tế (Arbitration) phân xử. Chính phủ Trung Quốc trả lời mơ hồ, không chấp nhận mà cũng không phản đối.

Một nghị định của Toàn Quyền Đông Dương, số 156-SC ký ngày 15.6.1938, đặt quyền cai trị hành chánh các đảo đó thuộc trong địa hạt tỉnh Thừ Thiên.

Thêm một nghị định thứ hai của Toàn Quyền Jules Brévié ngày 05.05.1939 đặt ra hai tòa Đại Lý (Degélations administratives):

* Tòa Đại Lý thứ nhất quản trị đảo Croissant và phụ cận.

* Tòa Đại Lý thứ hai quản trị đảo Amphitrite và vùng phụ cận.

Sau đó viên Công Sứ Pháp tại Thừa Thiên cử viên chức đến cai trị các đảo ấy, với trụ sở hành chánh đặt trên đảo Pattle và đảo Boisee.

Về các đảo Trường Sa, thí năm 1929, ông Pierre Pasquier, Toàn Quyền Đông Dương, cấp giấy phép khai thác phosphate trên các đảo ấy cho một công ty. Vì quần đảo Spratleys gần nhiều nước Đông Nam Á, nên Lãnh Sự Pháp ở Manille gửi công văn đề ngày 23.3.1929 về việc này đến chính quyền cai trị Phi Luật Tân hồi đó, chính quyền này không phản kháng gì. Chính phủ Trung Quốc ở xa cũng được biết việc này, và cũng không hề phản đối.

Sau đó chính phủ Pháp, bằng thông cáo ngày 23.9.1930, báo cho tất cả các quốc gia liên hệ là nước Pháp chiếm đóng các đảo Spratleys khi trước kia thuộc quyền Việt Nam. Hải quân thực hiện việc chiếm đóng này trong tháng 4.1933, và việc đó được đăng trong Công Báo nước Pháp (Journal Officiel due 26.7.1933).

Trung Quốc không phản ứng gì về sự việc trên cả.

Về mặt hành chánh, ông J. Krautheimer, Thống Đốc Nam Kỳ, ký nghị định ngày 21.12.1933 đặt các đảo Spratleys vào địa hạt tỉnh Bà Rịa.

Trong giai đoạn chiến tranh Đông Dương. Chính phủ Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam trong Thông Cáo Chung ký với Cựu Hoàng Bảo Đại tại Vịnh Hạ Long ngày 07.12.1947. Thực thi nguyên tắc này, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho Chính phủ Bảo Đại chủ quyền trên đảo Paracels trong tháng 10 năm 1950.

Về quần đảo Spratleys thì Pháp trao lại chủ quyền cho Việt Nam trong năm 1956, sau khi Pháp rút hết quân lực khỏi Việt Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm liền cử ngay Hải Quân Việt Nam đến Spratleys, đóng một cái trụ đá ghi chủ quyền Việt Nam. Sau đó một nghị định của Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa ngày 22.10.1956 đặt việc cai trị các đảo Spratleys vào địa hạt hành chánh tỉnh Phước Tuy.

THÁI ĐỘ CỦA TRUNG QUỐC VỀ CÁC ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Tổng Thống Hoa Ky Franklin Roosevelt triệu tập một hội nghị tại Le Caire trong tháng 11.1943 với Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill, và Thống Chế Tưởng Giới Thạch, Quốc Trưởng trung Hoa Dân Quốc. Sau khi hội nghị chấm dứt, một Tuyên Ngôn Chung được công bố, với một đoạn liê quan đến vùng Thái Bình Dương. Dưới đây là trích dẫn đoạn văn tiếng Pháp về vùng ấy:

Le chefs de gouvement des États Unis, de La Chine et du Royaume Uni annoncent qu'ils se proposent d'enlever au Japon toutes les iles du Pacific prise on occupées depuis le debut de la deuxième guerre mondial, de restituer à la Republique de Chine tous les territoires tel que la Manchourie, Formose et lesPescadores que les Japonais ont volés aux Chinois et d'expulser le Japon de tous les autres territoires dont il s'est emparé par la violence" (Lazar Focsaneaunu, "Les traités de Paix du Japon" Nnuaire francais de droit International, 1960, p. 256 et s.)

Tuyên Ngôn Le Caire, khi đề cập đến những vũng đất đai của Trung Quốc bị Nhật Bản tước đoạt, không nói đến các đảo Parecels và Spratleys. Vậy cá đảo này nằm trong đoạn văn "autres territoires dont le Japon s'est emparé par la violence". Thống Chế Tưởng Giới Thạch, đại diện tối cao của Trung Quốc, chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung đó mà không hề nêu lên vấn đề các đảo Paracels và Spratleys.

Sau khi Mao Trạch Đông cướp chính quyền trên lục địa Trung Hoa thì Trung Cộng bắt đầu bày tỏ ngay tham vọng về quần đảo Paracels và Spratleys. nhưng vì lúc đớ còn đuối thế, nên Trung Cộng nhờ Liên Xô trình bày quan điểm về việc này. Trong phien hop khoáng đại tại Liên Hiệp Quốc tại San Francisco ngày 05.9.1951, ông Gromyco, Ngoại Trưởng Liên Xô, đề nghị một dự án Tuyên Ngôn công nhận chủ quyền của "Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên một số lảnh thổ mà nhật chiếm đóng trong thời chiến, gồm các đảo Paracels va Spratleys.

Nhưng kiến nghị này bị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bác bỏ. Chỉ có hai chư hầu của Liên Xô là Ba Lan và Tiệp Khắc, bỏ phiếu thuận.

Đơn phương ông Chu Ân Lai, Ngoại Trưởng Trung Cộng, tuyên bố ngày 15.8.1951 là "các đảo Paracels và Spratleys từ lâu vẫn là lảnh thổ Trung Quốc"

Dẫu sao, Liên Hiệp Quốc không công nhận Trung Cộng, và đối với Liên Hiệp Quốc cũng như cộng đồng thế giới nói chung, trừ khối Cộng Sản, chính phủ Tưởng Giới Thạch là đại diệ duy nhất cho Trung Quốc. Vì vậy khi các cường quốc Đồng Minh ký hòa ước với Nhật Bản để kết liễu Đệ Nhị Thế Chiến, Chính phủ Tưởng Giới Thạch là đại diện duy nhất cho Trung Quốc để ký hòa ước đó.

Trong hòa ước ký ngày 28.4.1952, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ mọi tham vọng trên các đảo đã chiếm cứ trong vùng Đông Nam Á. Chính phủ Trung Hoa Quốc Gia ghi nhận điều ấy và không hề đề cập đến vấn đề chủ quyền trên các đảo Paracels và Spratleys như ông Chu Ân Lai đã tuyên bố.

Về sau, Trung Cộng viện dẫn vãn thư của ông Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đề ngày 14.9.1958 phát biểu quan điểm của Hà Nội về Tuyên Ngôn ngày 04.9.1958 của Trung Cộng, trong đó Chính phủ Bắc Kinh, sau khi tuyên bố rằng lãnh hải của Trung Quốc gồm một vùng rộng 12 hải lý ngoài ven biển, nói thêm rằng các chiều rộng lãnh hải đó áp dụng cho tất cả các đảo thuộc chủ quyền Trung Quốc, trong đó có các đảo Paracels và Spratleys.

Trong Văn thư đề ngày 14.9.1958 gửi ông Chu Ân Lai, ông Phạm Văn Đồng nói rằng: "Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tán thành Tuyên Ngôn của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ngày 04.9.1958 về lãnh hải và sẽ tôn trọng chiều rộng 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc".

Ông Phạm Văn Đồng không đá động gì đến các đảo Paracels và Spratleys trong văn thư đó. Tuy nhiên, vì ông đề cập đến tuyên ngôn ngày 04.9.58 của Bắc Kinh mà không phản đối phần tuyên ngôn của Bắc Kinh về các đảo Paracels và Spratleys, nê Bắc Kinh suy luận là Chính quyền Hà Nội mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo đó.

Lập luận này của Bắc Kinh không vững chắc trên phương diện pháp lý, vì trong giai đoạn đó -năm 1958- Chính phủ Hà Nội không có thẩm quyền trên các đảo ấy.

Thực vậy, hồi đó Việt Minh quản trị miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở lên theo Hiệp Định Genève ngày 20.7.1954, mà Hiệp Định này chỉ là một thỏa ước ngừng bắn. Danh từ chính thức của thỏa ước này là: "Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự tạ Việt Nam". Theo điều 1 và điều 4 của Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17 chỉ là "giới tuyến quân sự tạm thời giưã hai vùng tập hợp" của các lực lượng hai bên. Và điều 14 quy định rằng: "Bên nào có quân đội của mình, sẽ phụ trách quản trị hành chánh ở vùng ấy".

Vùng mà quân đội Viêt Minh tập hợp và vùng Việt minh quản trị hành chánh KHÔNG BAO GỒM quần đảo Paracels và Spratleys.

Ngoài ra, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là do nước Pháp hành xử theo Hiệp Định Bảo Hộ ký kết giữa triều Nguyễn với nước Pháp. Sau khi chấm dứt chế độ Bảo Hộ, Pháp trao trả lại chủ quyền cho Quốc Trưởng Bảo Đại, theo Thỏa Hiệp Hạ Long ký năm 1947 và những Thỏa Hiệp kế tiếp.

Trong thực tế, như đã nói, Pháp trao trả quần đảo Pẩcels cho Chính Phủ Bảo Đại năm 1950 và quần đảo Spratleys cho Chính Phủ Ngô Đình Diệm năm 1956.

Vì vậy trên pháp lý cũng như trên mặt thực tế, chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho đến năm 1975, là thuộc Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Văn thư của ông Phạm Văn Đồng gửi ông Chu Ân Lai năm 1958 chỉ liên quan đến nguyên tắc Đại cương về chiều rộng lãnh hải 12 hải lý mà thôi. Ông Phạm Văn Đồng không đề cập đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì các đảo này, hồi đó không thuộc thẩm quyền của Chính phủ Hà Nội.

Như vậy sự im lặng của ông Phạm Văn Đồng về các đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể được giải thích là mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo đó.

Về phần Trung Quốc để biện minh cho chủ quyền của mình trên các đảo ấy, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phảo biến ngày 30.01.1980, một văn kiện nhan đề "La Souveraineté inconstestable de la Chine sur les Iles Xisha (Paracels) et les Iles Nasha (Spratleys)" (Nouvelles Sinologiques, 1988, No. 8) tuyên bố một cách mơ hồ là các thủy thủ Trung Hoa từng thăm viếng các đảo đó "từ thời thượng cổ". Sau đó Bắc Kinh nói rằng, dưới thời nhà Thanh, vào lối 1710, Trung Quốc cử Phó Đô đốc Wu Sheng phụ trách hải quân đi tuần thám vùng Đông Hải gồm có đảo Hoàng Sa.

Tuy nhiên theo luật quốc tế, các cuộc viếng thăm và tuần thám, dẫu có chứng minh được - việc mà Trung Quốc CHƯA LÀM ĐƯỢC- cũng không đủ để tạo nên chủ quyền trên đất đai nếu không có sự chiếm cứ thực sự ("prise de possession") và hành xử chủ quyền một cách rõ ràng ("exercise manifeste de la souveraineté") (Sentence arbitrate France c/ Mexique relative à l'ile Clipperton, Recueil des sentences arbitrates, VII, p. 1109)

Dưới các tiêu chuẩn Quốc Tế Công Pháp, Việt Nam đã thực sự quản trị các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong nhiều thế kỷ, và chủ quyền Việt Nam đã được chứng tỏ rõ ràng bằng những tài liệu lịch sử, pháp lý và ngoại giao. Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và quần đảo Trường Sa năm 1992, là một việc xâm chiếm thô bạo, bất hợp pháp.

VIỆT NAM NÊN GIẢI QUYẾT VẤ ĐỀ THẾ NÀO

Trong mối tương quan lực lượng hiện nay, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không thể thâu hồi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng giải pháp quân sự được. Tuy nhiên, nếu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cứ tiếp tục giữ thái độ hoàn toàn thụ động như hiện nay, thì sau một thời gian Trung Quốc có thể tạo ra chủ quyền pháp lý trên các đảo ấy dựa vào nguyên tắc "droit de prescription", theo đó một sự chiếm cứ - dù bất hợp pháp lúc đầu - mà không bị phản đối một cách rõ rệt thì - sau một thời gian - sẽ tạo ra chủ quyền chính thức cho quốc gia chiếm cứ.

Vậy việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam phải được thực hiện trên lãnh vực pháp lý càng sớm càng tốt.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã tái lập bang giao với Bắc Kinh từ năm 1992, sau khi bang giao bị gián đoạn từ năm 1979 vì Bắc Kinh cử đại quân "chinh phạt" Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong vụ tranh chấp Việt Miên (Nguyễn Phú Đức, "Viet Nam and China in the Cambodian Imbroglio", Revue des pays de l'Est, Fev. 1991, pp. 153-170).

Với việc bình thường hóa liên lạc ngoại giao, hai bên cháp nhận nguyên tắc là: Mọi tranh chấp phải được giải quyết theo phương thức hòa bình. Nếu Chính Phủ Việt Nam đem việc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Tòa Án Quốc Tế phân xử, thì thể thức này phải được coi là phương pháp giải quyết một cách ôn hòa. Trung Quốc khi gia nhập Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận thẩm quyền của Toa Án Quốc Tế trong mọi tranh chấp với các quốc gia khác.

THỦ TỤC TRÌNH TÒA

Quốc gia liên hệ phải cử một đại diện "Agent de L'Etat" với sự hổ trợ của một Cố Vấn "Conseil" và Luật Sư "Avocata". Bên khiếu nại trình tòa một văn kiện chi tiết gọi là "Mémoires" (Memorials). Phía bên kia trình "Anti-Memoires" (Counter-memorials). Trước khi phán quyết - theo biểu quyết của đa số trong 15 vị thẩm phán- Tòa có thể thiết lập một Ủy Ban Điều Tra, và có thể quyết định những biên pháp tạm thời thông đạt cho đôi bên cũng như thông đạt cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Trong trường hợp chính quyền Hà Nội vẫn e dè, sợ "kiện tụng" có thể làm "mất lòng" ông láng giềng to lớn, thì còn một thể thức khác là: Yêu cầu Tòa Án Quốc Tế cho một "Advisory Opinion". Tức là một phán quyết trong đó Tòa Án Quốc Tế cho một ý kiến chuyên môn về pháp lý liên quan đến một vấn đề gì.

Thủ tục phải qua một Ủy Ban của Đại Hội Đồng Liên Hiêp Quốc (Interim Committee of the General Assembly) hoăc là - về vấn đề này - qua tổ chúc "inter-Gouvernmental Maritime Consulative Organisation".

Ý kiến của Tòa Án Quốc Tế dầu chỉ là một "ý kiến khuyên nhủ", cũng có một tầm quan hệ rộng rãi: Trước hết, khi Việt Nam nêu lên vấn đề chủ quyền của quốc gia mình trên cán quần đảo Hoànng Sa và Trường Sa thì Trung Cộng không thể nêu lên "droit de prescription" để đòi chủ quyền chánh thức trên các đảo đó.

Ngoài ra, khi Tòa Án Quốc Tế đã cho ý kiến về pháp lý, quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc liên hệ có thể yêu cầu Hội Đồng Bảo An quyết định những giải pháp nào cần thiết để thực thi nguyên tắc pháp lý đã được tòa minh định.

Về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi tin rằng Việt Nam có thể thắng Trung Quốc bằng pháp lý, cũng như hồi năm 1979 Việt Nam đã thắng Trung Quốc bằng quân sự trong việc tranh chấp Việt Miên.

Nguyễn Phú Đức

Trích Kỷ Yếu Thụ Nhân Paris 1999

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn