QUẬN TUY PHƯỚC – KÝ ỨC KHÔNG QUÊN.

13 Tháng Bảy 201611:31 SA(Xem: 4129)


images (4)
QUẬN TUY PHƯỚC – KÝ ỨC KHÔNG QUÊN.


Ngày 15.5.2016, em gái của ba tôi là O Phạm Thị Tiếu Lan qua đời ở Houston , Mỹ được đưa về Việt Nam an táng.
Quanh những chiếc bàn tròn trên mảnh sân nhỏ của căn nhà từ đường ở An Cựu Huế, con cháu, bà con thân bằng quyến thuộc, bạn bè, thầy cô xuất thân từ trường Sư Phạm Qui Nhơn ..hội tụ về, nhớ thương, gợi lại kỷ niệm về O Lan Em ( tên chúng tôi thường gọi người cô vừa mất) hình thành một câu chuyện bi hùng về quận Tuy Phước, Qui Nhơn, Bình Định cách đây nửa thế kỷ.
****
Vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, chú Phạm Gia Tùng, em trai ba tôi làm Quận Trưởng quận Tuy Phước,Qui Nhơn, Bình Định . Lúc ấy chú mới trên 30 tuổi, chú đem gia đình mình và gia đình chú Phạm Gia Ngô về sinh sống trong quận. Chú tôi thông minh, ham học, ngoài tài lãnh đạo về quân sự chú còn tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh. Chú tạo đời sống thanh bình cho người dân, giúp xây ngôi chùa để người mộ đạo có nơi tu tập. Cuộc sống các em tôi giản đơn như những đứa trẻ trong trại gia binh. Quyển nhật ký của chú ghi lại sự lớn lên từng ngày của các em: đứa mới mọc răng, đứa chập chững biết đi…nói lên sự chăm sóc chu đáo của chú đối với vợ con
Mùa Giáng sinh năm 1967, O Lan Em đang học khoá 5 Sư Phạm Qui Nhơn, O và các bạn cùng khóa thực tập ở trường tiểu học trong quận Tuy Phước, nhân dịp đó, O và các bạn nghỉ lễ cùng gia đình hai anh, là em gái út nên O đươc thương yêu và cưng chiều.
Buổi sáng, một người lính lấy xe jeep chở O và các bạn đi khắp nơi. Đêm Noel, chú Ngô ra thành phố Qui Nhơn chơi. O Lan em cùng các bạn ngồi đánh bài tứ sắc. Chú Tùng ngồi học bài, chú đang theo học cử nhân Luật. Chú bảo:
-Khuya rồi, mấy đứa đi ngủ đi.
Mọi người nghe lời, dọn dẹp, chuẩn bị vào giường, O Lan mở cửa đi vệ sinh thì từ dưới chỗ trại tù bắn lên, viên đạn trúng bụng làm bể xương chậu. O kêu lên :
-Em bị bắn rồi.
Chú Tùng nghĩ các nghĩa quân bắn lầm nên chú bước ra quát:
-Đứa mô mà bắn ẩu vậy.
Không ngờ VC đã tràn khắp quận, chú bị bắn khi cúi xuống đỡ O Lan Em lên, viên đạn trúng ngay tim khiến chú chết ngay. O Lan Em lết được vào trong nhà, hoảng sợ:
-VC chiếm quận rồi.
Bấy giờ trong phòng vẫn còn đèn sáng, thím Tùng mang thai em Tùng Nho tính đứng dậy tắt đèn thì Bích Hà, cô giáo sinh Sư Phạm bảo:
-Chị để em tắt cho.
Cô vừa với tay lên công tắt đèn thì bị bắn, khiến cô ngã xuống chết trước mặt mọi người. Tình hình hỗn loạn, VC tràn vào văn phòng Quận, họ tìm chú Tùng và chú Ngô mà không ngờ rằng chú Tùng đã mất, chú Ngô ra Qui Nhơn. Họ gặp thím và các em trốn với các cô giáo sinh trong phòng, có người kệu:
-Đàn bà con gái sao mà đông vậy,
Cô Kiều Loan mặc bộ đồ bộ màu đen nên VC buộc cô kéo cờ V.C lên, người giáo sinh vô tội vừa mới ra đứng trước cột cờ thì trúng đạn, vết thương chảy máu khiến cô chết vì không được cấp cứu. 
Nghe tin quận bị tấn công, quân đội VNCH phản công, trực thăng bay lượn trên bầu trời, pháo nổ khắp nơi. Đến sáng, quân đội chiếm lại quận thì ngoài chú tôi và một số người linh tử trận, có thêm 2 giáo sinh chết oan. O Lan Em bấy giờ bị thương nặng. 
Chú tôi được đưa về Huế an táng. Chú mất là một tổn thất lớn trong gia đình nhưng có thể chú đã thay mạng cho nhiều anh em, bởi chỉ 1 tháng sau là tết Mậu Thân. Năm đó, ba tôi hẹn mấy chú ăn tết ở Huế. Nếu cả mấy gia đình cùng về thì hậu quả chắc nhiều người không thoát nổi cái chết.
Quận Trưởng Hoài An Nguyễn Đôn Tuệ được điều về thay chú Tùng, ông cho rào ba lần rào dây kẽm gai và gài mìm claymore chung quanh. 6 tháng sau VC lại tấn công quận. Đêm đó, Quận Trưởng Tuệ đang ngủ, mơ nghe tiếng chú Tùng tôi gọi:
-Dậy mau, VC tấn công quận.
Ông choàng dậy cùng mọi người đối phó, mưa pháo của VC dội vào vang trời. Một trái pháo của VC nổ ngay trước cửa nhà, trong nhà lúc ấy có Quận Trưởng , người con trai của ông và chú Nguyên Đôn Kháng, bạn của O Lan Em cũng đang học Sư Phạm. Cái chết chỉ cách trong gang tấc. Trận đánh kéo dài suốt đêm đến sáng VC rút lui để lại trên hàng rào dậy kẽm gai nhiều xác người
Cảm ơn báo mộng cứu mạng, Quận Trưởng xây một cái khám lớn để thờ chú Phạm Gia Tùng, những người lính và 2 cô giáo sinh tử nạn trong trận công đồn lần trước. Ông mời thím và các em cùng ra dự lễ khánh thành. 
Năm 1975, chiếc khám đó bị phá bỏ, ngôi chùa chú xây nên cũng đập phá và được xây lại trên nền ngôi chùa cũ nhưng vị sư cô trù trì vẫn còn nhớ ơn chú nên ngày thím Tùng mất, ni cô từ Tuy Phước về Saigòn làm lễ cầu siêu cho thím.
49 năm sau, nhân chứng của đêm Giáng sinh năm 1967, O Phạm Thị Tiếu Lan qua đời khép lại một trang sử hào hùng của quận Tuy Phước. 

31.5.2016
Phạm Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn