Nam Phi, Republic of South Africa
Mục Du hành ký đã có dịp giới thiệu đến thân hữu của trang nhà Anh Đào xứ Nam Phi, cùng cuộc đời và sự nghiệp của người con yêu dấu nhất đất nước được danh là đẹp hàng đầu lục địa vốn còn nhiều khăn khó Phi châu, Nelson Mandela 1918-2013. Là nhà đấu tranh cho độc lập và tù nhân nổi tiếng nhất thế giới, Mandela đã kiên trường trải qua 27 năm trong lắm trại giam và ngục tối, mà 18 năm trên đảo nhỏ khô cằn nắng cháy Robben.
Là ánh sao Bắc Đẩu, Kim chỉ nam cho dân tộc Nam Phi qua phong trào đấu tranh dành độc lập, trong giai đoạn bị chèn ép và hạ thấp nhân phẩm từ vương quyền Anh với sự tách biệt chủng tộc apartheid. Từ trong bóng tối ngục tù, tinh thần Mandela đã sáng ngời vượt qua khỏi bao năm tháng dài đăng đẳng đầy gian nan để chiến thắng thật vẻ vang, khôi phục lại niềm hãnh diện cho mầu da dân tộc, cùng thiết lập một nước Cộng Hòa Nam Phi rất xinh tươi, nằm cuối lục địa Phi châu, thoải dài ven bờ biển ngọt ngào nắng gió của cả Ấn Độ dương lẫn Đại Tây dương.
Robben Island, Đảo ngục tù của Nelson Mandela
Mang tên "Đảo hải cẩu" do những con thú ngộ nghĩnh này sống đầy rẫy trên những ghềnh đá và bờ cát của hải đảo chỉ được 5km2, cách Cape Town khoảng 7km. Robben Island được khám phá từ nhiều thế kỷ trước, để người Nederland /Hòa Lan dùng như một nhà tù trên đường mở rộng bờ cõi vương triều trên các đại dương. Đến cuối thế kỷ thứ 18, hoàng gia Anh chiếm đoạt nhiều phần đất miền cực nam Phi châu, cho xây dựng nhiều thành phố với đông đảo dân Anh sang sinh sống.. Sau khi ổn định vùng The Cape, hải quân hoàng gia đem chiến thuyền chiếm luôn đảo Robben, xây dựng một trại lính với một nhà tù mênh mang rộng, giam giữ đa số tù nhân quan trọng từ nhiều thuộc địa của Anh, cả người da trắng Nederland chống đối.. Và tiếp tục sau này với những nhà lãnh tụ bản xứ, nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị bị kết án chung thân, gồm cả 3 vị tổng thống tương lai của Nam Phi: Nelson Mandela, Kgaleme Motlanthe, Jacob Zuma. Đảo Robben còn có một số trại đặc biệt và nhà thương giữ người bịnh phong cùi, tâm thần.. bị ruồng bỏ nơi đất liền.
Sau ngày Nam Phi độc lập, "Đảo Nelson Madela" được tổ chức UNESCO vinh danh là một di sản văn hóa cần được bảo toàn, từ danh tiếng của vị tổng thống đầu tiên của nước nhà, khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình 1993, đã ghi tên Robben Island lên bản đồ thế giới cũng như trong lòng kính mến của người người muôn phương. Chính quyền cho giải tỏa trại tù và các khu bịnh viện, để Robben Island trở thành một Viện bảo tàng quốc gia, ghi nhớ công lao những danh nhân đã hy sinh cả cuộc đời để tranh đấu cho quyền lợi nước nhà, là chốn "hành hương" cho người hâm mộ Mandela "Madiba". Như Mahatma Gandhi xứ Ấn Độ, Madiba Mandela nằm trong danh sách hiếm của các vĩ nhân thuộc dạng ..Ta thấy tên ta những bảng đường. Đời ta, sử chép cả ngàn chương.. Do trên khắp mọi thành phố của hai xứ sở rất đặc biệt này, tên nhị vị đều được trân trọng đặt cho những chốn công quyền tốt đẹp nhất: công viên, viện bảo tàng, nhà thương, trường học, sân vận động, tem thư..
Cuộc thăm viếng Robben Island luôn được đánh giá là "Must do" để hiểu thế nào là một điều huyền diệu, một kỳ công chính trị thể hiện từ bước đi tiên phong và lòng kiên trì qua biết bao thử thách của Nelson Mandela và các bạn bè cùng chí hướng, đều được tổ chức qua vài chuyến ferry-boat tân tiến hàng ngày, lướt trên sóng xanh từ Nelson Mandela Gateway, một tòa nhà to rộng trưng bầy nhiều hình ảnh cuộc đời đấu tranh của Mandela. Khách muốn thăm đảo Robben hay bị thất vọng, do các tours hoặc hết vé, hay phải hủy bỏ khi khoảng cách chỉ 7km biển xanh lắm cá mập trắng này chợt nổi lên sóng to gió lớn, như gia đình BTX-69 chỉ lên tầu ra đảo được ở chuyến đến Cape Town lần thứ ba vừa qua.
Khách đến đảo Robben đều mang tâm trạng bồi hồi khi theo xe vòng vo trên vùng đất khô cằn, đầy vụn sỏi san hô và đồi thô lởm chởm đá vôi sắc cạnh. Nhiều hướng dẫn viên -từng thụ án tù giam nơi đây vì tham dự các cuộc chống đối phân chia chủng tộc ngày trước, luôn hãnh diện tường thuật lịch sử Robben Island và những giai thoại cuộc đời tranh đấu của các tù nhân án chung thân, mà nổi tiếng nhất là Mandela.. Xe lăn bánh qua những trại giam giữa nhiều vòng dây kẽm gai rào bọc, cho khách viếng nhận thức rõ thêm về lịch sử nước Công hòa Nam Phi vào giai đoạn đen tối nhất, để thấm hiểu hơn về những nghiệp người mang đậm chất xả thân vì đại cuộc. Trại tù đảo Robben là biểu tượng ý chí bất khuất, lòng khao khát tự do và nền dân chủ của người dân da mầu trước những nghiệt ngã của sự phân biệt dòng giống, lẫn bao áp bức thô bạo kéo dài qua nhiều thế hệ, đến tận cuối thế kỷ 20.
Được khách viếng và đứng chần chừ nhiều nhất là căn phòng giam cũ của Nelson Mandela, tù nhân chính trị mang số 466/64 (tù nhân thứ 466/năm 1964). Trên khoảng sân rộng ngoài các chấn song sắt của dẫy nhà tù, Mandela cùng các bạn tù chính trị đã phải 8 giờ một ngày, mỗi người ngồi trước một đống đá to và cứ thế, tay búa liên tục đập, đập mãi cho thành sỏi vụn. Cả bị dẫn độ ra những công trường núi đá vôi, lại phải đập đá dưới ánh nắng chói chang, đổ lửa mà không có gì che chở mắt và thân.. Điều này khiến nhiều tù nhân chính trị dần mòn vương nhiều thứ bịnh như kiệt sức, lao phổi, chấn xương, nhất là giảm thị lực.. Hay như Mandela, khi được thả và gặp ôm thân quyến trong tay, ông bật khóc, nhưng không hề có giọt nước mắt rơi, do bị chứng khô giác mạc. Và các ông cũng không chịu nổi những ánh đèn flash gây nhức nhối của máy ảnh.
Trong suốt thời gian trên đảo Robben, Mandela cho biết chỉ có những phút đứng tựa cửa sổ nhìn lên trời cao, không nghĩ ngợi gì là ông thấy tâm hồn được chút thanh thản. Ngoài ra, 18 năm giam cầm của Mandela là một chuỗi dài kham khổ, không phải chỉ thân xác mà cả bị trù dập tinh thần. Khi một trong những cậu con trai của Mandela qua đời, ông cũng không được phép vượt 7 km sóng nước về nhìn con lần cuối.. Nhưng bạo quyền thuộc địa chỉ làm cho ý chí và tinh thần Mandela được cất cánh bay bổng đi xa hơn, ra khắp toàn thế giới. Các mạng truyền thông ngày nay đã bao lần cho mọi người thấy hình ảnh chấn song sắt và người tù nổi tiếng Mandela, nhất là khi các vị nguyên thủ quốc gia bạn đến thăm Nam Phi, đều được mời lên máy bay trực thăng đến thăm đảo. Cô ca sĩ có giọng oanh vàng người Québec Céline Dion cũng đã từng đến đây bồi hồi. Cô nhiều lần được Mandela đón tiếp tại nhà riêng, và cô yêu quý nhà lãnh tụ đến độ đặt tên cho một cậu con trai là Nelson.
Robben Island nay chỉ còn khoảng 150 người sinh sống, để cai quản và gìn giữ di sản trở thành quốc bảo và biểu tượng tinh thần bất khuất Mandela. Từ lúc còn trong ngục tù cho đến ngày ra khỏi trại, Mandela đã nhận được rất nhiều vinh danh, như ngoài Giải Nobel Hòa Bình, còn có hơn 250 vinh dự qua nhiều hình thức cao trọng từ trong nước nhà đến khắp cùng thế giới.. Khiến Madiba rất bối rối, đã phải chính thức lên tiếng là.. thôi, ông xin phép sẽ không thể nhận thêm một tuyên dương nào khác nữa, xin các cơ quan và tổ chức dành vinh dự này cho biết bao người xứng đáng, nên được chú ý ở khắp các phương trời. Năm 2009, Hội đồng Liên Hiệp Quốc /United Nations ra tuyên bố dành ngày 18 tháng 7 hàng năm là "Ngày quốc tế Nelson Mandela".
Một lần, khi bồi hồi trở lại thăm đảo cũ, đứng ngậm ngùi bên khung cửa và những chấn song giam hãm xưa, Mandela nói "Journeying to Robben Island was like going to another country". Điều hiển nhiên, và rất khác khi so sánh với nhiều nước bạn trên Phi châu, là Nam Phi sau độc lập, đã trở thành xứ sở xinh tươi, giàu mạnh nhất lục địa, nơi du khách có thể đến thảnh thơi hưởng cảnh sắc đẹp như mơ của nhiều thành phố rất tân tiến, với các khu phố thị hiện đại không hề thua kém bất kỳ một thành phố mỹ miều nào trên thế giới.
Khách đến thăm những thành phố tươi đẹp như Cape Town, Durban, Port Elizabeth, Pretoria, Johannesburg hay Kimberley lừng danh với các mỏ kim cương sản xuất nhiều nhất thế giới, đều xuýt xoa khen ngợi. Cả thấy chạnh lòng cho biết bao đất nước khác trên cùng lục địa, mà bao năm qua, từ khi thoát ách nô lệ hay xâm lược, vẫn luôn phải đối diện với những nghèo đói, tệ nạn, hay bao cuộc nội chiến tang thương luôn nhan nhản, làm dân tình phải sống lầm than, không lối thoát.. Đã kiến nhiều cường quốc đến phải chán nản, lơ là do.. quá tải, một phần là dạo sau này phải dồn nỗ lực chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo ngông cuồng ISIS.
* Cape Town
