Những con dốc núi đến trường * Trần Ngọc Toàn

02 Tháng Chín 201512:30 CH(Xem: 5080)

Những con dốc núi đến trường 

Trần Ngọc Toàn
DL

Khi trời Đà lạt dịu xuống và những cơn mưa với mây đen chập chùng bao phủ đồi núi, niên học bắt đầu. Đầu năm 1948, mải đến năm lên 8 tuổi, tôi mới được ông Nội cho lên chiếc xe ngựa, với người anh, đi nhập học trường Sơ học Đa Nghĩa ở đầu Ấp Số 4, dưới chân ngọn núi với Nhà Thờ Domaine de Marie sừng sững trên chỏm màu cam đỏ. Ba tôi bận rộn với chiếc xe chở hàng rau cải đường Đà Lạt-Sài Gòn. Còn mẹ tôi lại phải chăm lo hai đứa em trai còn nhỏ của tôi ở nhà. Ông Nội tôi được mọi người gọi là ông Hai Cam, có lẻ khá tiếng tăm nên chỉ giao cho anh đánh xe ngựa một mảnh giấy, trao tay cho thày Hiệu trưởng dạy lớp Ba.

Tôi vào học lớp Năm duy nhất do Thấy Năm Một- Mắt giảng dạy. Nghe nói trước kia ông đi lính bị thương mù một mắt. Thời đó, thầy dạy rất nghiêm khắc. Ông ngồi trên chiếc bàn, đặt trên bục gổ, với cây roi Mây dài có thể với đánh tróc vào cái đầu hớt trọc của trò ngồi cuối lớp. Tôi bị xếp ngồi dảu bàn đầu. Do tôi vốn bị tật nói ngọng lúc nhỏ và đầu óc phát triển chậm nên giờ tập đọc hay giờ Pháp văn, Toán, đều bị ăn đòn đầu chốt roi mây. Tôi ít nói vì sợ bị trêu chọc nên càng lầm lì, khiến Thấy tưởng tôi cứng đầu lại thêm roi vọt. Những ngày đi học sau, hai anh em tôi thả bộ từ ngôi nhà trong mảnh đất gần 10 mẩy tây của ông Nội. Ngôi nhà vách ván, lợp tôn nằm lưng chừng triền núi nhìn về con đuờng Hai Bà Trưng còn trải đá, về hướng Đông là núi Mả Thánh, gần cuối đuờng tiếp giáp đuờng Thi Sách, dẩn lên Ấp Số 6 và Tùng Lâm lên Ankroet, dưới chân Núi Bà phía Bắc. Đa số xóm nhà rải rác trên lưng chừng triền núi, dọc theo đuờng Hai Bà Trưng. Phía dưới là vườn rau cải dọc theo con suối dọc theo khe núi, từ Tùng Lâm chảy xuống dọc theo thung lủng, giửa đuờng Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, xuyên qua Ấp Lò Gạch, Hoàng Diệu, xuống thác Cam Ly. Rời khỏi nhà, chúng tôi đi ngang chùa Linh Quang với ngôi tháp vươn cao giửa khu cây trái. Mùa Phật Đản nào mẹ tôi cũng dắt cả bốn đứa con trai vào phụ nấu ăn cúng kiếng. Bọn tôi tha hồ chạy nhảy, bẻ trộm trái ổi, trái mận, trước khi đuợc kéo vào ăn chay. Dọc đuờng  chúng tôi nhập chung với đám bạn cùng trường, đi nghênh ngang trên đường vì hiếm khi gặp xe, trò chuyện, cười đùa tíu tít. Trước khi đến con đuờng cắt ngang lên núi, từ Phan Đình Phùng xuyên qua Hai Bà Trưng, với chiếc cầu gỗ thấp nhỏ, thường bị ngập nước vào mùa mưa lũ, dẫn vòng quanh núi Mả Thánh, đến hồ Vạn Kiếp, bên dưới khu trường nội trú Thiếu Sinh Quân Pháp, về sau trở thành trường Trung học Trần Hưng Đạo, chúng tôi luôn dòm chừng căn nhà của Bà Lên Đồng xem còn có bánh trái xót lại.

Khu trường Sơ học Đa Nghĩa chỉ có ba lớp, với vách ván lợp tôn cũ kỷ, bàn học dài xếp hai bên lớp học chừa đuờng giửa lên xuống. Trai gái học chung. Tôi nhớ lớp tôi có Phan Văn Nhiều, Vĩnh Toàn, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Văn Thí về sau là Phi đoàn trưởng Phi Đoàn F5…Khi vào lớp, tôi cứ lay hoay mải với bảng cửu chương, không sao lọt vào đầu. Còn bài viết lại không thuộc, cứ bị thấy Năm kêu lên nằm trên bục, ăn vài roi mây đau điếng. Dù vậy, tôi lại có tật nghịch ngợm. Vào giờ nghỉ học kéo bạn chạy xuống con suối bắc ngang nối con đuờng mòn đi về phía đuờng Phan Đình Phùng, trộm cắp trái cây của ngôi nhà ven suối. Cho đến một hôm, khi tắm rửa ở nhà, mẹ tôi khám phá ra mấy lằn roi lằn đỏ trên mông của tôi, bà oà lên khóc. Tôi không biết chuyện gì cho đến khi mẹ tôi dắt tôi qua chỉ vết bầm cho ông Nôị xem. Không nói gì, ngày hôm sau, ông đến tận trường vào gặp Thấy Năm. Từ đó tôi không bị ăn đòn nửa dù vẩn còn ngu ngơ. Sau này, khi vào Quân đội mang cấp Đại Uý Thủy Quân Lục Chiến, nhân khi đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Trung cấp tại Đà Lạt, tôi ngẫu nhiên gặp lại thấy Năm trong  đám tang của cố Trung Uý Nguyễn Văn Dàng TQLC, ở xóm Suối Cát, Xuân An, năm 1969. Tôi mừng rở chạy đến chào thầy và đuợc biết thầy chuyển về dạy ở Xuân An. Thầy ngẩm nghĩ một chốc rồi nói “ Mày là cháu nội ông Hai Cam phải không “.

Khi được lên lớp Tư, thầy giáo tự ý đổi tên gõi tôi là Ngọc vì trùng tên với Vĩnh Toàn gốc Hoàng gia. Tôi chỉ âm thầm ló mò theo chân các bạn cùng lớp. Chợt một hôm,vào buổi học chiều, một anh đánh xe ngựa hớt hải chạy vào trường gọi hai anh em tôi về nhà gấp. Vừa chạy sổ vào nhà, tôi thấy ông  bà Nội tôi, cô Tuý, cô Uyển và Bác sĩ Phán đang bu quanh chiếc giừơng mẹ tôi nằm. Ai cũng kêu réo thất thanh. Từ trực giác, tôi biết ngay mẹ tôi đang lâm nguy. Mẹ tôi cố chồm người lên, vói tay nắm lấy hai tay hai anh em tôi, rồi thở hắt ra ngả xuống. Tôi òa lên khóc và nhào lên cố ôm lấy mẹ tôi. Mọi người xúm lại đẩy hết bốn anh em trai tôi ra ngòai. Đứa em gái duy nhất mới sanh còn nằm ngo ngoe. Đứa em gái mà mẹ tôi trông đợi, sau này đựơc bà nội ghẻ của tôi chăm nuôi. Ba tôi còn ở Sài Gòn. Cỏi lòng đứa bé, vừa 9 tuổi như tôi tan nát xé gan đứt ruột. Từ đó, con đường đến trường học của tôi đấy quanh co và đồi dốc.

Sau tang lễ, cha tôi bỏ bốn anh  em tôi lên xe, mang đến gởi cho cậu ruột của tôi, đang làm việc cho ty Quan Thuế Đà Lạt, trên ngọn núi nhìn xuống ấp Lò Gạch, Hoàng Diệu, với đồi Domaine de Marie phía Bắc. Tôi phải tiếp tục học lớp Tư, trường Đa Nghĩa. Từ ty Quan thuế tôi lội bộ men con đường trải đá, bên hông Nhà Thương Thí, qua chân dồi Nhà thờ Domaine de Marie, băng qua sườn dốc cỏ, vượt đường Ngô Quyền, nối đường Thi Sách, xuống dốc đến đường Hai Bà Trưng. Cuối tuần nghỉ học, thương nhớ mẹ tôi quá, tôi một mình lội bộ đến trường, rồi băng qua con đường nối liền Hai Bà Trưng và Phan đình Phùng, leo dốc lên gần đỉnh ngọn núi Mã Thánh, phía Tây Bắc, tìm thăm mộ mẹ tôi còn một nấm đất sơ sài. Tôi ngồi đó một mình, suy nghĩ mông lung, nhớ thương mẹ vô cùng.

Năm sau, ông nội tôi dắt bốn anh em tôi, xin gặp ông Lê Thêm để gia nhập trường Tiểu học Dalat, năm 1950, còn mang bảng “École primaire de Dalat”. Tôi được vào lớp Ba với cô Hồng Hoa, cô lúc nào cũng mặc jupe đầm. Nghe nói cô vốn học trường Tây. Tôi nhớ cô hay gọi tôi lên bục đứng hát mấy bài ca yêu nước Việt Nam, như “Đường lên núi rừng”, “Khỏe vì nước", "Trầu Cau"…Do hồi còn ở Ấp số Bốn, tôi ở gần nhà anh tên Xinh dạy tôi hát và nốt nhạc vối những bài như Tiến quân ca, Đường lên chiến khu… Khi lòng thấy buồn, tôi thường hát nghêu ngao cho bớt nổi lòng trên đường dài. Đến trường Tiểu học Dalat, từ ty Quan Thuế, tôi phải lội bộ qua bệnh viện Pháp, đi ngang con đường dốc mòn qua ngay trước cửa Nhà Xác sặc mùi, tuột dốc xuống đường Hai Bà Trưng, băng qua con đuờng dẫn qua Phan Đình Phùng, với chiếc cầu gỗ bắc ngang con suối chảy về Lò Gạch, leo lên dốc Nhà Làng với những bậc thang lót đá xanh, qua một dảy nhà với vườn trồng trái cây nhỏ gọn bên phải, tới ngả rẻ bọc lên đường dốc Minh Mạng dẩn lên chợ Dalat, sau thành rạp Hoà Bình; hoặc đi thẳng men theo triền núi Hoà Bình, leo lên lưng dốc Duy Tân, đi thẳng vào bên hông trường Tiểu học Dalat, sau thành trường Đoàn Thị Điểm. Nhờ ông Cậu tôi thương nên tiền cha tôi giao ông luôn cho chúng tôi mỗi đứa một đồng đi học. Khoảng bờ trải đúc xi măng trước chợ, nhìn sang tiệm Bánh Mì Vĩnh Chấn, lúc nào cũng san sát các gánh xôi cháo, bánh bèo, bún…Anh em tôi tha hồ nhào vô kiếm ăn trước giờ vào lớp với tiếng trống đánh liên hồi thúc giục.

Sang đến khi tôi lên lớp Nhất với thấy Nguyễn Tri Bật, Ông đã để lại trong tâm huyết của tôi một dấu ấn về tình yêu nước sâu đậm và mối tư duy nên người, về sau, ông trở thành Hiệu trưởng một trường Tiểu học bên khu nhà đầu dốc Prenn. Cha tôi tái giá hai năm sau ngày mẹ tôi qua đời. Từ đây tuổi thơ của tôi buớc qua một khúc quanh đầy ác liệt. Chúng tôi đuợc đưa về ở ngôi biệt thự số 17 đường dốc Prenn. Đó là ngôi nhà của một người Pháp hối cư giao cho bác Tư của tôi bên Pháp quản trị. Phía bên kia đường là biệt thự của Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu, Chỉ huy trường Võ Bị Liên quân. Kế bên là nhà của Thếu tá Trần Bá nguyên Chỉ huy Ngự Lâm Quân Bảo Đại. Người Dì Ghẻ của tôi có một đứa con trai riêng nhập vào thành “Ngủ Quỹ”. Cha tôi say men tình mới và vẫn miệt mài đường xa Sài Gòn Đà Lạt. Mổi ngày, tôi phải lội bộ đến trường Tiểu học Dalat, khi đói khi no, nắng mưa dải dầu.

Lên khỏi đầu dốc Prenn, bên phải là đường bên hông Dinh Bảo Đại, dẫn về Trần Hưng Đạo, Gara Martinèche, Trại Hầm. Bên trái là đường Yersin đi về Nhà Thờ Con Gà. Lúc ấy chưa có cây xăng Kim Cúc. Bắt đầu xuống dốc, từ khách sạn Aux Sans Souci, bên phải là sân Vận động, vối Võ đuờng Nhu Đạo, bên trái là khu nhà sàn gổ cho du khách, về sau biến thành trường Quốc Gia Hành Chánh, với hai hàng cây hột Dẻ mang giống sang từ Pháp, xuống tận ngã tư trước khách sạn Hotel de Palace.  Hotel de Palace sừng sững trên cao với sườn khe núi khum bằng nối lên ty Ngân khố và ấp Suối Cát. Đối diện Câu lạc bộ Thể thao (Cercle Sportif) và bắt ra bờ hồ là Ngôi nhà Thủy Tạ (La Grenouillìere), hình con ếch ngồi, sơn màu trắng, với cột nhảy cao dựng đứng, và mảnh vườn hoa vòng cung đầy máu sắc rực rở. Tôi không hề thấy vất vả, cực nhọc mà cứ thả hồn lơ lửng theo dải sương mù tha thướt trên các đồi núi và mặt hồ phẳng lặng như gương hoặc những buổi chiều về nhìn ánh nắng vàng trải dài trên ngọn cỏ xanh vươn ra tận chân trời với dảy núi màu tím than trùng điệp để mơ một ngày bay qua làm chuyến viễn du. Những ngày mưa dầm, đội mưa ướt sũng quần áo trên đường dài hơn 5 cây số, về tới nhà tôi lột ra vắt khô, treo lên, sáng hôm sau, mặc vào đi học tỉnh bơ.

Tại ngà tư Câu lạc bộ Thể thao, chúng tôi nhập vào đám bạn cùng trường, từ Trại Hầm, Ga Xe Lửa và Ấp Suối Cát, đi vòng theo đường vòng hồ nuớc, dẫn qua cầu Ông Đạo với đập nước chảỳ ào về cầu Bá Hộ Chúc, Nhà Đèn, A Ba Toa (Abattoir), Lò Gạch, Cam Ly.. Rồi chúng tôi leo lên cơn dốc Hòa Bình, với hai hàng cây Mai tím, vàng lâu đời. Trái Mai chín đen, vị ngọt nhưng hột lớn. Lên hết dốc vào khu Hoà Bình cả bọn nhập chung trai gái, kéo nhau túm tụm đi theo đuờng Hàm Nghi, với hai dảy nhà lầu nằm chênh vênh theo sườn núi, qua Nhà Thờ Tin Lành, vòng qua ngả ba dẩn về chùa Linh sơn, xuống Phan Đình Phùng và rẽ lên dốc nối liền đuờng Võ Tánh. Đuờng Võ Tánh lúc ấy chỉ mới lưa thưa vài căn nhà dọc theo thung lủng hẹp như ngôi nhà của thân phụ cố Nhạc sĩ Lê Uyên Phương tức Lê Văn Lộc.

Ngôi trường Trung học công lập đầu tiên của Đà Lạt, đuợc xây dưng với hai dãy nhà lầu dài mái ngói đỏ, sân chơi và nhà vệ sinh nằm ở giửa nằm trên mảnh dất đỏ của một ngọn núi được san bằng phía trên Sân Cù. Ngay cổng vào là ngôi nhà tươm tất, tường xây mái ngói của gia đình ông Cai trường. Đầu tiên, dưới thời vua Bảo Đại, trường mang tên Công chúa Phương Mai. Bên kia là trường Trung học Hoàng tử Bảo Long sau thành Trần Hưng Đạo. Khi vua Bảo Đại bị truất phế, trường đổi thành Quang Trung. Năm 1966, do biến cố xảy ra trong trường, tất cả nam sinh được chuyển qua Trần Hưng Đạo, Trung học Quang Trung chỉ dành cho riêng nữ sinh lấy tên Bùi Thị Xuân, tồn tại đến nay. Do đường xa nên vào giờ nghỉ học buổi trưa, tôi được bạn học chia xẻ phần cơm xôi bới theo, rồi lang thang trên chỏm núi đầy cây Thông nằm nghe lá reo trên dồi Hòa Bình. Từ nhỏ tôi có thói quen không xin xỏ và vay mượn với bất cứ ai.

Sau khi thi dậu bằng “Primaire” Tiểu học, tôi tự lò mò đi nạp đơn thi tuyển vào lớp Đệ Thất, trước học tạm ở trường Tây Hồ, do thấy Nguyễn Trọng và cô Nguyễn Văn Đãi tức Diệu Liễu sáng lập. Đây là trường trung học Việt Nam đầu tiên ở Đà Lạt, trước kia, chỉ có Lycée Yersin, Couvent Des Oiseaux, Taberd,…May mắn tôi đã lọt qua đuợc hơn 300 gnười để đưọc vào lớp Đệ Thất trường Phương Mai. Do trường xây cất chưa xong nên phải học nhờ một năm ngay tại trường Tiểu học  Đà Lạt.

Năm 1952, khi vào lớp Đệ Thất nửa chừng, gia đình tôi dời về ở xóm Hồng Lạc, bên cạnh Ga Xe Lửa, trên con đuờng dốc đá Phạm Hồng Thái, dẩn ra ngả ba đường vào Nha Địa Dư. Từ đây, tôi phải lội bộ xa hơn vì không có tiền xe đò Chi Lăng –Đà Lạt. Có khi, tôi thử đi bộ tới trường theo con đuờng dưới khu trường Yersin, qua cầu sắt đầu hồ, vòng lên chân núi khu trường Thiếu sinh quân, sau là Đại học Đà Lạt, rồi vượt lưng đồi cỏ, đầu ngả ba về xóm Dâu Tây, Nghệ An Hà Tĩnh. Đường này tuy ngắn nhưng không có bạn nên tôi cứ thế lội dọc theo bờ hồ từ Nha Địa Dư, qua phòng mạch Bác sĩ Sohier, đến sân vận động, rồi nhà Thủy Tạ. Thời gian này, tôi đã được cố Thiếu trưởng Thiếu Đoàn Quang Trung, Nguyễn Văn Võ, cho tôi vào Hướng Đạo Việt Nam (1952). Khi còn ở Ấp Số Bốn, năm 49, tôi may mắn được bà cô dắt vào Sói Con của Đạo Lâm Viên. Nên con đuờng dài đến trường chẳng hề làm tôi nản chí. Không bao giờ có một đồng dính túi nhưng bạn học và anh em Hướng Đạo sinh luôn mở rộng lòng chia sẻ cho tôi, ngay cả đồng phục và giày dép củ.

Tôi đã trưởng thành trong phong trào Hướng Đạo và may mắn vào được  trường học công lập của Đà Lạt, sau cuộc thi tuyển.

Trần Ngọc Toàn

DL2

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn