Hải Đảo La Réunion *Huyền Anh
Những ngày gần đây các mạng truyền thông thế giới đều rộ lên tin tức về mảnh vỡ của chiếc máy bay Boeing 777, trôi dạt vào bãi biển của đảo La Réunion trên Ấn Độ Dương. Sự kiện đã từ từ vén lên bức màn bí mật che phủ việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines với 239 người, đột nhiên biến mất trên đường mây từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh, mà không để lại mảy may vết tích nào từ ngày 8/3/2014, gây bao đau thương cho thân quyến cũng như làm đất nước Malaysia khó xử, công ty hàng không quốc gia trên đà khánh kiệt. Nhất là reo rắc nhiều thắc mắc, ưu tư trên lắm bình diện.
"Trước đây, chẳng ai biết về nơi này, còn bây giờ cả thế giới bỗng nhiên đều quen tên.." một cư dân đảo Réunion nói về danh tiếng mới của hòn đảo nhỏ của họ sau khi một mảnh vỡ từ cánh bay, nghi là của MH370 được phát hiện tại đây". Do đã có dịp đặt bước thăm đảo La Réunion, nên.. theo thời sự, xin giới thiệu đến thân hữu của Trang nhà Anhdao bài viết về hải đảo xinh tươi thuộc nước Pháp, đang rất được chú ý này.
Hải Đảo La Réunion
Trong số những hải đảo xinh đẹp trên vùng nước xanh ngát Ấn Độ Dương, nhất định La Réunion đứng hàng đầu về dân trí cũng như mức sống, bởi La Réunion thuộc Pháp nên dân tình được hưởng đầy đủ quyền lợi như bất kỳ các công dân ở tỉnh thành nào của mẫu quốc, vốn có vị thế vững mạnh chốn trời Âu. Trong chuyến viễn du vừa qua, khách rời một Madagascar nghèo khó, nơi mà từ hạ tầng cơ sở cho đến muôn dân, đi thăm từ tỉnh đến làng tòan thấy những hụt hẫng và bao mảnh đời vá víu.. Thật quá động lòng. Rồi sang đến thành phố Saint-Denis của La Réunion với những đường sá to rộng, phố thị và các khu thương mại khang trang, nhà cửa gọn gàng giữa vườn tược xanh tươi tốt đẹp, trường sở tân tiến, nét văn minh tiến hóa đủ điều..
Đảo La Réunion nằm phơi phới thật an bình, thanh thản trong nắng gió chan hòa Ấn Độ dương, chào đón lượng du khách đông đảo đến từ muôn phương, nhất là dân Pháp rất thích thú với cựu thuộc địa "tuy xa mà gần" thật exotic của nước nhà.
Hải đảo La Réunion là một DOM /Département français d'Outre-Mer, với diện tích 2512 km² và khoảng 834.000 cư dân, có nguồn gốc từ những ngọn núi lửa trồi lên từ đại dương nhiều chục triệu năm trước. Chiếm hơn 40% diện tích đảo là chập chùng những thung lũng rộng và đồi xanh ngút ngàn, thấp thoáng các đồn điền mía, café tươi mầu lá. Có nhiều dẫy núi đá đỉnh cao và các ngọn núi lửa thuộc dạng hoạt động mạnh nhất thế giới, trong lòng đất luôn âm ỉ, để như ngọn Le Piton de la Fournaise, thỉnh thoảng vẫn bùng nổ, mang theo bao dòng phún xuất thạch chẩy dài nhiều chục cây số.. Để lại vết tích cho du khách được cơ hội chụp hình cảnh lạ, trên vùng đất đá còn tỏa khói nóng chất nham thạch.
*Tài liệu từ internet: dòng dung nham và vùng núi lửa của ngọn Le Piton de la Fournaise
Được du khách hay tìm đến khám phá, vùng núi lửa mang tên Le Piton des Neiges chiếm đến 26% diện tích hải đảo, có ngọn Le Piton de la Fournaise cao 2632 mét, đường kính 30 km, mà bao năm qua vẫn hay bùng nổ. Năm 2007 có một trận được gọi là của thế kỷ, khiến dân chúng nhiều làng mạc chung quanh phải di tản, do chất dung nham tung bắn cao đến 100 mét, và dòng lửa lỏng đã ào ạt phun trào ra đến khoảng 20-25 triệu m3, tràn chẩy theo sườn núi qua hàng chục cây số, phủ lấp đường quốc lộ và nhiều làng thôn cũng như đồn điền café, mía.. dưới nhiều thước nham thạch, trước khi tuôn đổ xuống đại dương. Qua năm sau, gia đình BTX69 trong chuyến du hành đầu tiên trên La Réunion đã có dịp ghé ngắm quang cảnh rất đặc biệt nơi đây.
Du khách rất chuộng vùng núi lửa có cảnh lạ phủ đầy chất dung thạch cô đặc này. Thích đến ngắm thiên nhiên rạng ngời, một bên là ngút ngàn xanh đồi núi, một bên có Ấn Độ Dương mênh mang sóng vỗ. Cũng không quên thăm nhiều làng nhỏ cận kề, như Le Piton Sainte-Rose. Rất nổi tiếng qua ngôi giáo đường nhỏ được thay tên từ Notre Dame de Sainte-Rose thành Notre Dame des Laves. Do trong một lần ngọn Piton de la Fournaise tung tràn chất nham thạch, đã cuốn trôi và nhận chìm tất cả dưới sức phá, cả phủ ngập với chất dung nham đồn cảnh sát trước mặt ngôi giáo đường mầu hồng.. Nhưng trước ngưỡng cửa của Notre Dame de Saine-Rose dòng lửa lỏng chợt dừng lại, một số khác chẩy bao quanh tường nhưng không gây thiệt hại gì. Thánh đường thoát nạn trong đường tơ kẻ tóc! Người dân ở đây luôn cảm tạ cho phép lạ, sự nhiệm mầu này.
La Réunion là hải đảo hiếm hoi với những cư dân đầu tiên đa số không thuộc dòng giống nô lệ, hay từ lục địa Phi châu, mà là hậu duệ của lớp người Bồ Đào Nha, Anh, Hòa Lan, Ả Rạp.. theo thương thuyền ghé đảo, đặt trạm liên lạc từ thế kỷ 15. Đến năm 1642, do đang chiếm cứ đảo Mauritius gần bên nên các chiến thuyền của hòang tộc Bourbon Pháp tiện dịp đem luôn quân qua chiếm cứ, phất cờ dành chủ quyền cho Louis XIII, Roi de France. Sau đó Pháp cho phát triển mạnh mẽ những đồn điền trồng dừa, café, mía làm đường, vanille, các loại lá thơm và hạt gia vị, nhiều loại hoa cho ngành mỹ phẩm, nước hoa.. Việc này đã mang đến nạn bán buôn đổi chác, cả bắt cóc người da mầu mang đến La Réunion, cũng như nhiều đảo thuộc địa khác của Pháp để làm nhân công trên các đồn điền bạt ngàn cần tay người cần cù, khỏe mạnh.
Sau bao nhiêu thế hệ đầy cay đắng, ngày 20/12/1848 luật bãi bỏ nô lệ đươc chính thức áp dụng để rồi trở thành ngày quốc lễ tại đảo La Réunion, để từ đấy một tinh thần mới, một đời sống mới đã đến với những người phu công khốn khổ qua lắm thế kỷ tủi hận, nhọc nhằn. Đảo Réunion cũng mở cửa đón nhận di dân từ bao xứ sở xa xôi như Mã Lai, Ấn Độ, Indonesia, hay từ Phi châu.. Hoặc những ai muốn tránh chiến cuộc, nghèo khó, bất công, nạn kỳ thị trên chính đất nước của mình, mong tìm vùng trời nào khả dĩ cho gia đình, cho con cháu họ một tương lai sáng sủa hơn. Nhất là trong thời 2 trận Thế Chiến, hay khi bao lọan lạc đói khổ hoặc những thanh trừng, khủng hoảng chính trị bên Trung Hoa..
Năm 1946 La Réunion trở thành một tỉnh bang hải ngoại của nước Pháp, như một số cựu thuộc địa mà Pháp chính thức chấp nhận là Tahiti, Martinique, Guadeloupe, Mayotte, Guyane, Calédonie.. Ngày nay, nguồn lợi chính của đảo La Réunion và các đảo DOM /Départements français d'Outre-Mer dựa trên canh nông, hải sản và khách du lịch.. Những bờ biển trải dài mênh mang sóng vỗ của các đảo thuộc địa xa luôn là nơi người Pháp lục địa vẫn hay đến thư giãn nghỉ ngơi hưởng không khí trong lành, khí hậu nóng ấm, núi rừng nhiều cây cành chim muông thú lạ, cả bên nào rừng xanh đồi rộng, thác đổ, hồ xinh. Do từ nguồn gốc núi lửa nên La Réunion chỉ có một số ít bờ biển cát trắng, đa số là những bãi cát sạn đen lẫn đá sỏi cho tên như Plage des Roches Noires, tuy làn nước biển khá trong trẻo, xa xa là nhiều rặng san hô to đẹp. Biển rộng La Réunion vướng phải những dòng nước soáy khá bất thường và nguy hiểm, chưa kể báo chí hay đưa tin cá mập tấn công người bơi lội, trượt ván /surf trên sóng nước nơi đây. Nhưng những làng thôn nhỏ xinh như Pointe Corail, Bois-Blanc, Anse des Cascades.. đều là chốn nghỉ dưỡng thật an lành.
Những đồn điền của La Réunion sung túc cây trái hoa mầu, ngành biến chế hải sản tiến mạnh, các trang trại nuôi thú được sự trợ giúp của chính phủ nên rất khả quan. Du khách khi đến thăm La Réunion không khỏi thích thú trước vẻ đẹp người dân, là một pha trộn nét duyên của nhiều sắc tộc qua bao thế hệ. Họ có làn tóc soăn nhẹ, mầu da nâu hồng khỏe mạnh, đường nét thanh tú mũi thẳng mắt sâu, cho các cô gái thuộc địa hay dành vị trí cao trong nhiều cuộc tuyển chọn người đẹp nước Pháp. Tiếng créole được dùng khá nhiều, các cộng đồng cư dân Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rạp.. đều được khuyến khích gìn giữ tập tục và ngôn ngữ nước mẹ trong một nền văn hóa rất pha trộn, đa dạng của hải đảo.
Thành phố chính Saint-Louis của La Réunion rất xinh tươi, hàng quán và khu thương mại gọn gàng, tấp nập khách ghé. Giới tiểu thương đa số là người gốc Ấn Độ và Trung Hoa. Các đền thờ Hồi giáo, Công giáo, Ấn Độ giáo đều có nhiều tín đồ ra vào cầu nguyện thảnh thơi.
*Tòa thị chính xây theo kiểu colonial, rất đặc trưng trên các thuộc địa Pháp xưa
Những ai yêu thích chơi hay.. xem môn thể thao tennis đều không xa lạ với tên Roland Garros. Nhưng đa số biết đến Roland Garros qua Championat de France International de Tennis, với sân đất đỏ tại Paris của The French Open, một trong 4 giải Grand Slam danh giá của chương trình tranh tài giữa các tay vợt cừ khôi nhất thế giới như Nadal, Murray, Djokovic, Federer, Williams..
Roland Garros, công dân Pháp sinh trưởng tại Île de La Réunion năm 1888, là một phi công anh hùng trong cuộc Thế chiến I, người phát minh ra kiểu bắn súng từ khuôn lái máy bay xuyên qua cánh quạt, cả sáng tạo ra nhiều kỹ thuật cho các trận không chiến. Năm 25 tuổi ông trở thành anh hùng nước Pháp khi điều khiển chuyến bay đầu tiên xuyên biển Méditerranée trong vòng 7h53', từ Fréjus đến Bizerte, 780km, với vận tốc 101km/h. Roland Garros từng bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến, và tử nạn năm 1918, khi chiếc máy bay của ông trong một cuộc không chiến chống quân lực nước Đức đã bị trúng đạn nổ tung. Roland Garros hy sinh khi tuổi đời chưa trọn 30.
Đảo La Réunion qua nước Pháp cũng có nhiều liên hệ kỷ niệm với Việt Nam. Năm 1916, vua Thành Thái sau nhiều thất bại chính trị, bị người Pháp biệt giam ở Cap Saint Jacques /Vũng Tàu trước khi họ đầy ngài qua đảo La Réunion. Cùng chuyến lưu đầy với vua Thành Thái có thái tử Vĩnh San /vua Duy Tân, hoàng thái hậu và đệ nhất hoàng phi. Nhưng do hai bà không chịu được phong thổ nên xin được quy hồi thành Huế. Vua Duy Tân sau đó, do hoàng phi Mai Thị Vàng giữ vững nền nếp không chịu ly hôn mà vào chùa tu thân, nên ngài Duy Tân theo thời gian đã chung sống với 3 phụ nữ bản địa gốc Âu châu và có tổng cộng 10 người con. Trong cuộc Thế chiến II, ngài Duy Tân phục vụ dưới mầu cờ tam tài như một chuyên viên chế tạo và xử dụng máy truyền tin, thu thập được nhiều kết quả khả quan khiến người Pháp luôn khen ngợi.
Sau thế chiến, ngài Duy Tân được phong chức sĩ quan ngành thông tin ở đảo Madagascar cận kề, cũng đang thuộc Pháp. Tổng thống Charles de Gaulle đã dành cho ngài Duy Tân nhiều quý trọng, và cuối năm 1945 đã lấy quyết định mời ngài sang Pháp để bàn tính về một kế hoạch chính trị cho cuộc chiến mà Pháp đang đương đầu với lắm khó khăn bên Indochine cũng như ở nước Việt. Trong tập Hồi ký chiến tranh, tổng thống Charles de Gaulle viết ".. Tôi tiếp cựu hoàng Vĩnh San và sẽ cùng ông xem xét xem chúng tôi có thể làm được những gì.. Đó là một người thật cương nghị. Mặc dù bị lưu đầy suốt 30 năm nhưng tôi tin rắng hình ảnh ông không hề phai mờ trong tâm hồn dân tộc Việt Nam..". Hoặc như sử gia Philippe de Villiers trong quyển Histoire du Viet Nam, de 1940 à 1952, ghi nhận "Hoàng đế Bảo Đại sau khi thoái vị đã bị nhận xét nghiêm khắc, nhưng với Charles de Gaulle, người đáng được chú ý là một nhân vật tiền nhiệm, đã bị lưu đầy đến đảo La Réunion từ nhiều chục năm qua khi mới 16 tuổi, là cựu hoàng Duy Tân.."
Sau cuộc hội thảo với tổng thống De Gaulle, ngài Duy Tân tỏ ra rất lạc quan và viết ra những cảm nhận "C'est fait, c'est décidé, le gouvernement français me replace sur le trône d'Annam. De Gaulle m'accompagnera quand je retournerai là bas, probablement dans les premiers jours de mars 1946. D'ici là, on va préparer l'opinion française et indochinoise. Demain, à Huế, à Hanoi, à Saigon, deux drapeaux flotteront côte à côte: celui de la France avec ses trois couleurs, et celui du Viet Nam avec ses trois barres symbolisant les trois Kỳ" / "Xong rồi, chuyện đã được quyết định, chính phủ Pháp sẽ đưa tôi trở về ngự trị trên ngai vàng An Nam. Tổng thống De Gaulle sẽ cùng đi chung chuyến qua Việt Nam với tôi, chắc chỉ trong khỏang đầu tháng 3 năm 1946. Từ đây đến lúc ấy, mọi người sẽ sửa soạn việc thu thập ý kiến của Pháp cũng như bên Indochine. Mai kia, ở Huế, ở Hà Nội, ở Sàigòn, hai lá cờ sẽ cùng tung bay cạnh nhau: cờ tam tài Pháp với 3 màu, và cờ Việt Nam với 3 làn sọc biểu tượng của 3 Kỳ". Và vua Duy Tân tỏ ra vô cùng sung sướng "..Sẽ được trở về đất nước của tôi như tổng thống De Gaulle đặt chân lên Bayeux sau Thế chiến". *Bayeux là thành phố đầu tiên của Pháp được Quân đội đồng minh giải phóng.
Nhưng thật bất hạnh và thảm thương, 10 hôm sau khi gặp gỡ và bàn luận những dự tính quốc sự với tổng thống Pháp, ngày 24 tháng 12 năm 1945, vua Duy Tân trên chuyến bay có 10 người, từ Paris trở về đảo La Réunion với gia đình, đã gặp một cơn bão lớn làm máy bay chao đảo rồi rơi nổ tung trong một khu rừng già xứ République Centrafricaine. Tổng thống Charles De Gaulle đã bầy tỏ nỗi buồn và rất "sốc" trước tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của vua Duy Tân, người mà ông đã đặt nhiều kỳ vọng cho một chiến lược chính trị tại Đông Dương..
Hưởng cuộc sống dương trần chỉ trọn 45 năm. 45 của bao đảo điên quốc sự, của những năm sống lưu đầy xa quê hương. Hài cốt của vua Duy Tân sau được đem về an táng tại lăng Dục Đức trên thành phố Huế, cạnh nơi an nghỉ của phụ vương là vua Thành Thái -đã được phép về sống chuỗi ngày cuối cùng trên nước Việt. Ở thành phố Saint-Louis của xinh tươi đảo La Réunion, từ năm 1992 có một đại lộ mang tên Avenue Vinh San.
Gửi ý kiến của bạn