Thư Gửi Các Bạn Mình 5.17.2015

17 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 4998)

Thư Gửi Các Bạn Mình

1424185772-gysgmai_anh_dao_1_nhhn-large-content 













Các bạn mình thân mến,
Tháng tư vừa đi qua là tháng đánh dấu những ngày không vui của 40 năm trước. Mỗi năm đến ngày này vẫn không vui. Trong suốt hơn một tháng, chúng ta đã nghe và đọc nhiều câu chuyện, xem nhiều hình ảnh nói về tháng tư của năm 1975. Đã bốn mươi năm, thời gian của gần nửa đời người chứ đâu phải ít ỏi gì! Chúng ta bỏ quê hương ra đi mang theo bao niềm thương nhớ. Ngày đêm vọng về cố hương, nhớ ngọn nhớ ngành con suối nhỏ, đồi thông xanh, những hàng cây cho bóng mát ban sân trường, những con đường lên xuống quanh co, những thảm cỏ xanh mướt của những mùa xuân mùa hạ, những buổi sáng mù sương, những buổi chiều mưa bay, những đêm bảng lảng vi vu gió nổi Đồi Cù… Trăm nghìn kỷ niệm của thời ấu hiện về từng ngày từng đêm không sao xóa nhòa đi được. Nhiều lắm và nhiều lắm các bạn mình ạ…Hôm nay trên trang anhdao này, xin nhắc vài chuyện xưa rất xưa để các bạn mình đọc xem có nhớ lại gì những ngày tháng ấy hay không. Dĩ nhiên kẻ viết thư này cũng không còn nhớ hết mọi chuyện mọi điều. Xin các bạn chỉ cho những gì viết không đúng. Đa tạ các bạn mình.

Khi lớn lên vào thời đại học, thời tuổi lính, nhiều bạn mình đã phải xa thành phố Đà lạt để phục vụ trên khắp bốn vùng chiến thuật với nhiều chức năng nghề nghiệp khác nhau! Nhưng dù có đi đâu ở đâu, chắc các bạn không bao giờ quên Dalat. Hôm nay kẻ viết thư này mạn phép nhắc lại một số hình ảnh của những ngày “khi ta còn bé”. Thật vậy, chúng ta đã trải qua quãng đời “nhi đồng” làm học sinh tiểu học. Nhớ hồi nẳm, các bạn mình học từ lớp năm đến lớp nhứt, cuối năm lớp nhứt thì các bạn mình phải lều chỏng đi thi tốt nghiệp bậc tiểu học. Nghe oai quá các bạn mình nhỉ? Mấy thằng nhóc như bọn mình còn độ tuổi bắn bi đánh đáo, còn mấy mợ nhóc chơi đất vọc cát đánh thẻ nhảy dây ở các sân trường. Rồi đến một buổi sáng “trọng đại”, các cậu các mợ ăn mặc áo quần chỉnh tề, con trai thì thường áo bỏ vô thùng kèm thêm chiếc áo ấm bên ngoài, mang đôi sandal hay đôi dép Nhật lẹp xẹp, tóc tai được chải chuốt gọn gàng có chẻ đường ngôi hoặc húi cua như nửa trái dừa khô; còn đám con gái chẳng biết ăn mặc ra làm sao, vì thời đó chưa có cái màn mặc quần tây áo chemise, chắc là mặc cái quần đen đen hay trắng trắng gì đó và áo cổ tròn như kiểu áo bà ba hoặc áo cổ bẻ, bên ngoài mặc chiếc áo laine dày cộm chống lạnh, tóc thì túm lại thành một bó toòng teng sau ót và kẹp bằng chiếc kẹp inox màu trắng, chân chắc là mang guốc gỗ, dép Nhật hoặc sandal con gái. Đa số các mợ ôm cặp bằng da đi học và khi đi thi cũng cặp da luôn, trong đó có bỏ thêm vài món linh tinh như vài cái bánh cái kẹo trái ổi để khi ra chơi nhâm nhi lo-muc-large-contentcho đỡ buồn cái miệng. Trái lại mấy gã đầu hớt cua thì họa hoằng mới có cặp, thường thì chỉ hai ba cuốn vở, cây bút lá tre và một hũ mực xanh. Thỉnh thoảng cũng có cậu xài mực tím như đa số các mợ ưa dùng. Chưa hết đâu các bạn mình ạ! Mấy cậu mấy mợ học hành tử tế thì ngoài những thứ trên, còn mang theo cây thước kẻ dài độ ba xăng ti mét làm bằng gỗ, có cậu mợ chơi ngon, xài cây thước bằng nhôm khá nặng, hễ có gây gỗ với ai thì chỉ cần cầm cây thước này nhá nhá thì coi như địch thủ phải tìm đường mà chạy, nếu không thì thước nhôm cũng làm chảy máu đầu chứ không phải chuyện đùa. Giấy thấm hay còn gọi là giấy chậm cũng cần thiết để nhỡ khi mực vấy ra tập vở vào cả áo cả quần, với lại cả tay. Nhiều cậu mợ vô ý làm đổ cả bình mực lên bàn lên tập vở là chuyện thường xảy ra. Chưa hết, thỉnh thoảng có vài cậu nổi cơn nghịch ngợm cầm bút chấm đầy mực để vẩy vào người các cậu các cô ngồi cạnh để lấy làm vui. Ngoài ra còn có thêm cục tẩy bằng cao su màu hồng hồng, đọc theo tiếng Tây tiếng U là cục “gomme” (gôm) hoặc giả với cây bút chì một đầu có đính cục tẩy tròn tròn. Dạo tiểu học con trai con gái học chung nên có vài cũng cậu thích “dợt l’ air “ với đám con gái ra cái điều ta đây hơn chúng bạn…Phe đầu húi cua thì không thiếu màn cãi nhau rồi kéo ra sân sau trường đánh nhau cho cả bọn đứng quanh cổ võ. Nếu sợ bị thầy cô bắt gặp thì sau giờ tan học, kéo nhau đến một bãi cỏ nào đó bên vệ đường để ra tay tỉ thí, về đến nhà mặt mày lấm lem lấm luốt, áo quần xốc xếch đôi khi lại bị thêm một trận đòn do ông bà bô tặng cho. Ngược lại, một số cậu nhóc bậc tiểu học lại quá hiền lành, mặt nhìn khờ khờ thường hay bị những đứa nghịch ngợm bắt nạt bằng cách vô cớ gây gổ hoặc chọc phá cho các bạn khác cười chơi. Mấy cậu khờ này thường chẳng thèm chơi thèm nói chuyện với ai, chỉ một mình lặng vào lớp, đến giờ tan trường cũng lặng lẽ ôm tập ra về…chẳng biết đánh bi đánh đáo là gì. Lê đũng quần suốt 5 năm ở bậc tiểu học, từ lớp 5 đến lớp nhất rồi trải qua kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Còn nhớ, sắp đến ngày thi thì thầy giáo (hay cô giáo) dạy lớp nhất phải dặn dò đủ thứ cho lũ học trò những điều cần biết trước khi bước chân vào phòng thi: điều quan trọng nhất là phải thuộc các bài học, các môn phải thi gồm một bài viết luận văn thường là tả cảnh hoặc tả người hay bình luận một câu ca dao hay tục ngữ nào đó, một bài toán đố, một bài về khoa học thường thức (còn gọi là môn quan sát). Nếu các cô các cậu học hành tử tế từ đầu đến cuối năm thì phần thi viết sẽ trót lọt một cách dễ dàng. Phần thi viết (ba môn) một ngày rưởi, nghỉ một buổi chiều rồi hôm sau sẽ vào thi vấn đáp luôn. Thi viết và vấn đáp liền tù tì chứ không phải chờ kết quả thi viết mới vào vấn đáp như thi trung học hoặc tú tài sau này. Hôm thi vấn đáp thì các cậu các cô tay không vào phòng thi để chọn một trong hai cách: đọc một bài đã học thuộc cho thầy giáo giám khảo nghe, sau đó thầy sẽ hỏi một số câu hỏi trong phạm vi bài đã đọc như định nghĩa vài danh từ và nói ý nghĩa của toàn bài, ý nghĩa từng đoạn trong bài văn đã đọc. Lựa chọn thứ hai trong phần vấn đáp là hát một bài hát, dĩ nhiên là bài hát mình đã dợt trước, thường là các bài hát ngăn ngắn, vui và có nội dung lành mạnh hay bài hát nói về lịch sử . Xong ra về thơ thới chờ ngày xem kết quả. Mình không biết có cô có cậu nào thi rớt bằng tiểu học hay không chứ lên đến bậc trung học thì thấy thiên hạ rớt lia chia đến nỗi có người nhảy hồ Xuân Hương tự tử. Dạo đó thi cử sao mà khó quá có phải không các bạn mình nhỉ? Sau khi đậu tiểu học, các bạn mình còn phải chuẩn bị bài vở để nộp đơn thi vào lớp đệ thất trường trung học công lập nữa chứ. Dạo đó, các bạn mình chỉ nộp đơn vào trường công lập duy nhất là trường trung học Quang Trung mà tên trước đó là Phương Mai, rồi sau này đổi thành trường trung học Bùi Thị Xuân. Nói cho rõ hơn là niên khóa 1956-1957 các bạn mình học lớp đệ thất trường  Quang Trung cùng với mình. Thi vào đệ thất không phải dễ đâu nhá! Có kẻ rớt người đậu.
nha_ga_da_lat-large-contentCô cậu nào rớt thì đi học trường tư thục, cha mẹ phải đóng tiền học hết tháng này sang tháng khác cho các cô các cậu, chờ năm sau nộp đơn thi vô lại đệ thất công lập. Thế nhưng cũng có các cô các cậu suốt đời chỉ học ở các trường tư, hết trường này đến trường khác. Năm các bạn mình thì đậu vào trường Quang Trung thì mình nhớ có đến ba lớp đệ thất, đệ thất A, đệ thất B và đệ thất C. Mỗi lớp có từ năm đến sáu chục mạng. Hai lớp A và B toàn là mấy mợ, còn lớp C toàn là đám đực rựa. Vô học đâu được một tuần thì thấy có ba mợ con gái được thầy (cô) giám thị dắt vào lớp để học chung với bọn này. Ba mợ này tên là Nguyệt, Ngọ và Khuê. Hình như ba mợ này ngồi ở dãy bàn sau cùng và cứ giờ ra chơi là chạy đi tìm mấy mợ của hai lớp A và B. Mình hơi thắc mắc là có ba lớp đệ thất mà hai lớp là nữ, một lớp nam, chẳng lẽ bọn con trai thi vào đệ thất ít đậu hơn là mấy mợ? Có một kỷ niệm khó quên là vào năm học đệ thất ở Quang Trung: vào một buổi sáng tất cả học sinh vào lớp và đang ngồi chờ giáo sư môn Pháp văn (cô Nguyện) vào dạy thì bỗng đâu có ba bốn anh chị học lớp lớn vào lớp và yêu cầu cả lớp hãy đi ra sân để tham gia biểu tình. Cả lớp lớ ngớ chẳng biết chuyện gì xảy ra nhưng nghe ra khỏi lớp là vui quá rồi! Thế là cả lớp nhào ra sân tham gia biểu tình. Các lớp khác cũng ra sân tham dự. Đám cậu nhóc mợ nhóc đệ thất chẳng hiểu lý do tại sao, cứ theo lệnh mấy anh chị lớp lớn bắt xếp hàng rồi dắt ra khỏi cổng trường theo đường Võ Tánh hướng xuống hồ Xuân Hương qua cầu Ông Đạo để đến tòa thị chánh trên đường Trần Hưng Đạo. Nhưng khi đoàn đang đi xuống dốc gần đến hồ Đội Có thì được lệnh dừng lại. Chắc là phía chính quyền biết sự việc nên ra lệnh cho đoàn biểu tình dừng lại. Khoảng một tiếng đồng hồ sau thì các anh chị lớn ra lệnh cho cả đám quay về trường. Không biết các anh chị được phía chính quyền giải quyết ra sao. Mãi sau đó mới biết là có chuyện cãi cọ đưa đến xô xát giữa hai giáo sư mà các anh chị lớp lớn vì bênh một vị giáo sư nên xách động đám học sinh đến tòa thị chánh để khiếu nại hoặc yêu sách gì đó. Chẳng biết sau đó sự việc đến đâu nhưng hôm đó đúng là một ngày thật vui vì được nghỉ học. Cuối năm đệ thất mình xếp hạng nhì lớp, hạng nhất là Phạm Văn Đức con giáo sư Phạm Văn Phúc, được lãnh phần thưởng rồi được cho đi trại hè học sinh toàn vùng Cao Nguyên Trung Phần ở Nha Trang một tuần lễ cùng với các anh chị các lớp khác. Kỳ trại này do thầy Nguyễn Trọng hướng dẫn và ở tại trường nữ tiểu học Nha Trang. Mỗi ngày đều có tắm biển, có chương trình đi thăm suối nước nóng Ba Bể (gần Ninh Hòa), hải học viện ở Cầu Đá (Chụt), viện Pasteur, nhà thờ chánh tòa gần ga xe lửa, chùa Hải Đức, Tháp Chàm, Xóm Bóng…

po-nagar-cham-towers-nhatrang-large-content

Ban đêm có chương trình văn nghệ do các anh chị lớp lớn trình diễn. Mỗi ngày được ăn ba bữa no nê, có vài buổi được thả cho tự do đi chơi, thăm viếng thành phố Nha Trang. Mình đi theo mấy anh lớp đệ lục đệ ngũ ra phố đi vô Chợ Đầm dòm ngó tứ tung chẳng khác nào mấy chú Mán (nói đúng là mấy chú Thượng Đàlạt). Có hai kỷ niệm đáng nhớ là, gần nơi ở của trại hè (nữ tiểu học Nha Trang) có một hiệu chụp ảnh là Photo Giai, cứ mỗi lần đi ngang qua tiệm là chúng tôi bốn năm đứa đứng ngay trước cửa tiệm chõ mõm vào trong và cứ thế mà réo…Ba Giai Tú Xuất…Ba Giai Tú Xuất…cho đến khi có người đàn ông trong tiệm ra đuổi mới chịu chạy đi. Chúng tôi rất thích trò chơi này mỗi khi có dịp đi ngang qua tiệm. Thứ hai là, được đi chung với mấy anh lớp lớn hơn ra phố thấy hai bên đường có bày bán đủ thứ như sách bói toán, tiểu thuyết, đồ chơi trẻ em, tranh ảnh và đặc biệt là bán những ảnh trắng đen của các nữ tài tử Âu Mỹ, ảnh các lực sĩ với hai cánh tay khoành trước ngực trông rất ngầu. Có anh móc tiền mua một một hai tấm ảnh nữ tài tử, có anh mua hình lực sĩ bỏ vào ví ra điều thích thú. Tôi chỉ nhìn ké chứ không không có tiền để mua.Thích nhất vẫn là được đi bằng xe lửa lượt đi lẫn lượt về. Từ Đàlạt xuống, xe chạy qua các ga Cầu Đất, Trạm Hành, trên đoạn đường từ Trạm Hành xuống Đơn Dương thì xe lửa được cài và bộ phận răng cưa chạy rất chậm để khỏi bị tuột dốc, lúc về lên dốc cũng vậy. 250px-duong_sat_rang_cua-large-content

Đến Krông Pha, đoàn tàu cũng được móc vào răng cưa để bò ì ạch xuống và lên. Đám học sinh nhóc chúng tôi tha hồ ngắm nghía phong cảnh hai bên. Đi nữa thì đến ga Tháp Chàm thuộc địa phận thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận). Có điều đặc biệt là các chuyến xe lửa từ Đàlạt xuống đến ga Tháp Chàm thì phải xuống để chuyển sang một đoàn tàu khác từ Sài Gòn ra rồi mới tiếp tục chạy đến Nha Trang. Tại ga Tháp Chàm, nhìn quanh thấy thấp thoáng các ngôi tháp xây bằng gạch đỏ có vẻ điêu tàn cùng với thời gian. Đoạn đường ra Nha Trang có nhiều tháp nằm trơ vơ giữa những bãi xương rồng khô cằn, thỉnh thoảng thấy những người đàn ông Hời choàng những bộ y phục trắng phủ cả người cầm những chiếc gậy đi sau đàn bò ốm yếu nhô cả xương ra ngoài, phụ nữ thì trùm những bộ y phục màu, trên đầu đội những chiếc vại bằng đất nung… Những ngày được dự trại hè học sinh là những ngày đầu tiên mình được đi xa khỏi thành phố Đà Lạt…mà cho đến nay thỉnh thoảng ngồi nhổ râu nhớ lại tuy không đầy đủ nhưng cũng có một số chuyện “lặt vặt” để viết cho các bạn mình đọc giải khuây trong vài giây đồng hồ. Hẹn các bạn mình thư sau.

p1-large-content



















Phong Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn