Thằng Chế Guitar Truyện Ngắn Nguyễn Trọng

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 4751)

Thằng Chế Guita,

tuỳ bút Nguyễn Trọng,
image423

Kính gửi thầy Nguyễn Trọng,

“ Chắc thầy vô cùng sửng sốt khi lá thư này tới tay thầy. Thầy có thể đoán được thư này là do ai viết không ? Thằng Chế Guita “học trò cũ của thầy ở Đà Lạt 1952. 
Em phải thú nhận em là đứa học sinh nghịch ngợm hay pha trò và cười đùa vui vẻ .nhất là vào những giờ nghỉ ra chơi ngoài sân cỏ, dưới hang thong reo cao và xanh . Chính thầy cũng thường hay đến nghe em kể chuyện khôi hài , và có lần thầy đã nói : “Trông mặt anh Chế lúc nào cũng buồn và tư lự mà tại sao kể chuyện tếu lâm hay như thế ?” 

Em không trả lời câu hỏi của Thầy và bây giờ sau 25 năm Thầy trò xa cách . Thầy cũng chẳng cần hỏi em câu đó làm gì , vô ích! Em còn nhớ Thầy thường nói với chúng em rằng trên đời này , muốn sống cho an bình và đừng gây rắc rối, mọi người chúng ta cần phải đeo một cái mặt nạ để che giấu long mình. Nhưng trong lá thư này, em không đeo mặt nạ đối với Thầy, em cũng chẳng cần giấu diếm tâm sự của em đối với Thầy. Vì em quí Thầy, và em cũng tin tưởng nơi Thầy. Chính vì vậy mà em đến gặp Thầy trong đêm Giao Thừa năm đó, năm 1858 trước giờ em đi … 

Thầy nhớ không, hằng năm cứ vào những ngày Tết học sinh của Thầy thường hay đến nhà Thầy nằm trong một khu rừng nhỏ gần đường xe đò chạy từ chợ Đà Lạt đến St Benoit. Thầy đã lớn tuổi mà vẫn còn độc thân, chỉ thích sống một mình để đọc sách và thỉnh thoảng viết bài cho một vài tờ báo ở Sài Gòn .Chúng em còn nhỏ nên chẳng tò mò tìm hiểu Thầy viết cho những tờ báo nào, và viết về những vấn đề gì. Riêng em chỉ biết là Thầy dạy Việt Văn rất hay . Những giờ giảng văn của Thầy, học sinh chúng em ngồi há hốc mồm mà nghe, như nghe kể chuyện cổ tích lúc còn ấu thơ . Em còn nhớ em đã khóc khi Thầy diễn tả cảnh Kim Trọng gặp Thuý Kiều trong tiết Thanh Minh. Giọng nói và lời văn của Thầy sao mà quyến luyến đến thế ! Chúng em thường bảo nhau: “Chắc ông Thầy yêu mọi người đàn bà đẹp trên đời nên ông mới đa tình và lãng mạng như vậy …”

Em cũng xin nhắc lại với Thầy câu mà có lần Thầy đã nói với chúng em : “Người đàn bà đẹp nào đi lấy chồng, tôi cũng thấy lòng mình mất mát một cái gì …” 
Thầy có một tình thương lai láng bao la, và nếu em đoán không lầm thì cho đến giờ phút này, Thầy vẫn chưa lập gia đình. Thầy là người Bắc độc nhất dậy chúng em môn Việt Văn, lại không có gia đình thân thuộc ở Đà Lạt , cho nên đến Tết là chúng em bảo nhau đến nhà Thầy cho Thầy vui. Nhiều đứa chúng em mời Thầy đến nhà ăn Tết nhưng Thầy đều từ chối. Thầy bảo rằng trong những giờ phút Giao Thừa thiêng liêng của Quê Hương, Thầy muốn sống một mình để suy nghĩ …

Vì thế chúng em thường hay góp tiền nhau mua đủ thứ bánh trái ngày Tét để biếu Thầy. Có đứa còn mua hương hoa đen nến đến trang trí bàn thờ của nhà Thầy . Thầy là người Công giáo nhưng vẫn có bàn thờ tổ tiên trong nhà, đặt bên dưới bàn thờ Chúa .
Có đứa trong chúng emlấy làm ngạc nhiên khi Thầy giải thích cho nó nghe : “Công giáo chúng tôi cũng là người Việt Nam và sống theo phong tục tập quán của người Việt. Chúng tôi tin rằng sau khi chết linh hồn vẫn còn phảng phất đâu đây, nhất là trong những ngày Tết. Vì, thế trong dịp này chúng tôi cũng muốn dâng hương hoa đèn nến để đón mừng linh hồn các cụ về chung vui với con cái …” 

Những lúc đó chúng em thấy Thầy gần gũi chúng em nhiều lắm. Thầy không còn là một ông giáo già "người Bắc" hay là một ông giáo theo đạo Chúa. Thầy là người Việt hoàn toàn như chúng em...

Những lần chúng em tới thăm Thầy vào dịp cuối tuần thì riêng em thường đem theo cây đàn guitar m có tài đánh đàn guitar, nên trong lớp đã tặng em cái hỗn danh là "Chế Guitar". Bây giờ Thầy nhớ rõ em là ai rồi, nhờ vào cây đờn định mệnh. Và chính nhờ cây đờn này mà đời em hoàn toàn thay đổi và... thất vọng cho đến ngày hôm nay ! Xin Thầy cứ đọc hết thư này thì hiểu rõ tâm trạng của em. Đêm Giao Thừa năm đó, thầy còn nhớ không vào khoản gần nửa đêm em đến gõ cửa nhà Thầy, Thầy còn thức ngồi im lặng trước bàn thờ Chúa và bàn thờ Tổ Tiên, miệng như lâm râm cầu nguyện. Em nói với Thầy là em muốn đến thăm và để đánh đờn cho Thầy vui trong đêm giao thừa... Nghe em nói Thầy tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng,không ngờ rằng một thằng học trò ưa kể chuyện tếu lâm mà lại có một tâm hồn sâu sắc và tế nhị như thế. Em hỏi Thầy thích bản nhạc nào thì Thầy bảo: bản "Quê Nhà Tôi" của "Hoàng Quý".

Thầy nghe em đờn mà nét mặt đăm chiêu, buồn bã, như muốn khóc … ! 
Khi đó, thưa Thầy , em chỉ muốn ôm lấy Thầy và nói : "Thầy Trọng ơi ! Đối với em, Thầy là một người anh Cả, một nhà giáo dục đã dạy em biết thăng trầm của cuộc đời, những uẫn khúc của lòng người và nhất là Thầy đã dạy em hai chữ Quốc Gia và Dân Tộc. Những bài giảng văn của Thầy man mác tình quê hương và đất nước."

Thầy đã mô tả cho em cảnh đẹp lịch sử cổ kính của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, vẻ thơ mộng của hồ Gươm, của chùa Trầm và của động Hương Tích. Thầy còn cho em biết về ngôi Thánh Đường Phát Diệm quê hương của Thầy, một ngôi Thánh đường xây xây theo kiến trúc hoàn toàn Á Đông, trông như một ngôi chùa lớn, có hàng cột cao bằng gỗ lim, có phương đình xây bằng đá cảm thạch, và có tiếng chuông giáo đường ngân nga như tiếng chuông thu không vào những buổi chiều buồn khi mặt trời vừa tắt. 

Nhưng than ôi! đến lúc em hiểu được lòng Thầy là lúc em phải xa Thầy. Và có lẽ lúc đó Thầy đã coi em như người đứng bên kia chiến tuyến, trong một cuộc chiến tranh tương tàn mà bây giờ em mới biết là vô nghĩa...
Đến đây Thầy cho em phép em được trở lại cái đêm Giao Thừa năm đó. Khi em vừa đờn dứt bản "Quê Nhà Tôi" Thầy đứng dậy nắm lấy tay em và rót một ly rượu mạnh bảo em uống cùng Thầy cho vui. Em không uống được rượu nhưng vì nể Thầy mà phải đưa chén lên môi, nhấp nhấp một vài hơi.Vừa lúc đồng hồ chỉ đúng 12 giờ, Thầy trịnh trọng thắp nén hương trầm trên bàn thờ. Khói tỏa nghi ngút trong căn nhà lạnh lẽo, bên cạnh bàn thờ Chúa và bàn thở Tổ Tiên. Giờ phút thiêng liêng đã chuyển mình, em nghe như có gì đang thay đổi trong vũ trụ và trong chính lòng em.
Thầy vừa ngồi xuống ghế thì em cũng lấy hết can đảm để thưa với Thầy, tại sao em đén gặp Thầy vào đúng một đêm Giao Thừa, đêm cuối cùng em ở vùng Quốc Gia. Em biết mình không đủ bình tĩnh để nói dài lời cho nên vào đề ngay : "Thưa Thầy sau giờ phút Giao Thừa sống gần Thầy, em xin phép Thầy lên đường vào khu kháng chiến...!"

Hình như linh tính báo trước cho Thầy biết sẽ có một ngày em nói câu này với Thầy, cho nên em thấy nét mặt của Thầy không ngạc nhiên, thay đổi. Thầy thản nhiên hỏi em một câu : "Chế vào khu kháng chiến nào, có phải là khu mà cách đây mấy hôm, khi Thầy trò mình đứng trên đỉnh núi LangBiang,Thầy thấy Chế đăm đăm nhìn xuống hay không? Rồi Thầy nói thêm : "Thầy biết trước mà, người có tâm hồn như Chế, thế nào cũng có ngày phải ra đi làm một cái gì...."

Em gật đầu và trong lòng thầm phục trí thông minh nhìn xa biết rộng của Thầy.Thầy thật là một nhà mô phạm lý tưởng của em. 
Rồi Thầy âu yếm cầm tay em, như cầm tay một người em út sắp bỏ nhà ra đi vĩnh viễn. Thầy bảo em : "Theo kháng chiến là điều tốt nhưng Thầy chỉ sợ Chế lầm lẫn kháng chiến với Cộng Sản. Thầy lo rằng một ngày nào đó, khi người Cộng Sản chiến thắng, họ sẽ bắt Chế theo chủ nghĩa của họ.

" Câu Thầy dặn dò, em chỉ hiểu lờ mờ. Nhưng một khi quyết tâm lên đường phục quốc, em sẵn sàng hy sinh tất cả. Tuổi đời còn trẻ lại có máu giang hồ nghệ sĩ, em muốn dâng tài nghệ đánh đờn của mình để ủy lạo các chiến sĩ ngoài mặt trận, những chiến sĩ đang chiến đấu gian khổ trong khu rừng già ở chân núi LangBiang.

Tấm lòng nhân đạo và thương xót những người đau khổ lầm than ; Thầy có biết em học được của ai không? Em học được của Thầy đó.Chính Thầy đã dạy em rời bỏ mái ấm gia đình trong một thành phố mơ mộng và mát mẻ để dấn thân vào cuộc đời người trai thời loạn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. 

Biết rằng không ngăn cản được quyết định của em, Thầy mở cửa nhìn em bước chân ra đi, vào một đêm Giao Thưa trời tối đen như mực, thỉnh thoảng có tiếng pháo đì đẹt đàng xa như tiếng súng từ chân núi vọng lên. Em đeo cây đờn guitar trên vai, ngoảnh mặt lại nhìn Thầy. Em thấy Thầy còn đứng tựa cửa sổ, nhìn bóng em khuất dần sau rặng thông cao... 
Thế là em được xung vào đội văn công của trung đoàn đặc biệt, và được đi đây đi đó, đem cây đờn của mình ủy lạo thương phế binh trên ba miền đất nước. Có lần đi công tác ở ngoài Bắc, gần dãy núi Hoa Lư em biết rằng quê Thầy ở gần đó mà không sao tới thăm được! Em muốn được tận mắt nhìn ngôi đền Phát Diệm của Thầy để so sánh với ngôi chùa Linh Sơn ở Đà Lạt, nơi em đã nhiều lần đưa Thầy tới vãng cảnh.Nhưng tiếc rằng thời gian công tác không cho phép, em lại phải lên đường đi nơi khác.

Em quên chưa thưa với Thầy là trong thời gian ở ngoài khu, em vẫn thường liên lạc với Thu Hà, vị hôn thê của em, người mà Thầy thường gặp trên chuyến xe đò Đà Lạt - St Benoit vì cha của nàng là chủ chiếc xe đó. Nàng là cô nữ sinh nhỏ bé, lúc nào cũng mặc bộ đồ bà ba đen. Tính nàng nhút nhát sợ sệt nhưng lại thương em một cách liều lĩnh, thường hay ra khu gặp em và tiếp tế cho em. 

Nhờ nàng mà em biết Thầy chuẩn bị về Sài Gòn để di tản qua Mỹ, khi quân giải phóng về gần tới Đà Lạt. Nàng còn cho em biết cả chuyến bay của Thầy nữa. Em lập tức lẻn về khu phố , mặc giả sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa, đeo lon thiếu úy để ra phi trường tiễn biệt Thầy trước giờ máy bay cất cánh. Vừa chợt thấy em, Thầy vô cùng ngạc nhiên, có lẽ Thầy tưởng em đến để ngăn cản không cho Thầy lên đướng. Em hiểu được ý Thầy nên em lễ phép thưa với Thầy, như ngày nào Thầy còn dạy em ở trong lớp: "Em về đây tiễn chân Thầy lên đường bình yên, Em chúc Thầy mọi sự may mắn. Còn như nếu Thầy muốn ở lại Đà Lạt thì em sẽ tìm cách bảo vệ Thầy.Tình Thầy trò mình bao giờ cũng như xưa, em coi Thầy lúc nào cũng là bậc ân nhân của em.

" Thầy ôm chặc em vào lòng, và lần đầu tiên trong đời em thấy Thầy khóc.Thầy bảo em Thầy phải đi vì Thầy không sống được với bọn chúng. Chế ở lại với vợ con, và nếu bao giờ cần đến Thầy thì đây là địa chỉ của người anh Thầy ở bên Mỹ " Nói rồi Thầy lén trao em một mảnh giấy nhỏ, nhét vào túi áo.

Em vẫn giữ địa chỉ của Thầy để làm kỷ niệm, và vì vậy mới có thư này gửi đến tay Thầy ngày hôm nay. Em mong thư đến nơi vào lúc Giao Thừa để Thầy nhớ lại thằng Chế Guitar đã đến thăm Thầy hai mươi năm về trước, vào một đêm tối trời, ờ khu rừng thông nhỏ, đường vào rải đá dăm xanh.
Đôi khi một mình ngồi buồn giữa cảnh núi rừng âm u, núi đồi trùng điệp, nghe tiếng gió rì rào trên ngọn cây cao, nhớ tới đêm Giao Thừa năm ấy, em lại thấy lòng mình băn khoăn, khắc khoải. Em tự hỏi lời Thầy dặn đừng lầm lẫn giữa kháng chiến và Cộng sản có ý nghĩa gì?

Bây giờ là phần thứ hai của lá thư. Cuộc đời của em từ đây khác hẳn cuộc đời cũ.Cuộc đời này Thầy đã tiên đoán sẽ xảy ra cho em từ ngày em vĩnh biệt Thầy.
Sau ngày giải phóng thành công, em trở về Đà Lạt cưới Thu Hà làm vợ. Chúng em có với nhau được hai đứa con trai kháu khỉnh và thông minh. Em vẫn công tác trong ban văn công, nhưng người ta ép em phải vào Đảng mới được đi trình diễn ở nước ngoài. Như Thầy đã biết em là người thích đi đây đi đó, nhất là được ra nước ngoài thì hợp với mong ước của em.Thế mà em đã từ chối vào Đảng vì nhớ lời Thầy dặn. 

Em cho rằng phục vụ Tổ Quốc thì em hết lòng hy sinh, còn phục vụ Đảng thì theo quan niệm của từng người, đừng lầm lẫn cái nọ với cái kia. 
Thế là người ta nghi ngờ em lệch lạc tư tưởng và có khuynh hướng tiêu cực, may mà em có mười mấy năm phục vụ cho Bác và Đảng và được nhiều bằng khen thưởng và huy chương nên không bị hạ tầng công tác, chị bị theo dõi mà thôi. 

Em có ý định cho vợ và hai con em tìm cách vượt biên, còn em thì đành lòng ở lại với bọn họ cho qua ngày đoạn tháng. Em đã lớn tuổi ngoài bốn mươi rồi, đã trót lầm lẫn Kháng chiến với Cộng sản đúng như Thầy nói .Cuộc đời em tính lầm thì em phải chịu, em không muốn vợ con phải gánh chịu cái lầm lẫn của em.
Thế là vợ và hai con em lên đường vượt biên. Em khâu lá thư gửi cho Thầy vào túi áo của thằng con út, dặn vợ em khi nào đến đảo sẽ dán tem gửi Thầy, theo địa chỉ mà Thầy đã cho em ở phi trường Liên Khàng Đà Lạt. Bây giờ thì Thầy đã hiểu rõ tại sao Thầy đã nhận được thư em.

Em chỉ xin Thầy một điều là Thầy chăm sóc giùm hai đứa con của em cho nó thành người, biết yêu quê hương Tổ Quốc và đừng bao giờ quên mình là người Việt Nam. 
Thưa Thầy chế độ nào rồi cũng thay đổi, chủ nghĩa nào rồi cũng có ngày không còn hợp thời, chỉ có lòng yêu nước là tồn tại mãi mãi mà thôi.

Thầy đừng lo lắng gửi tiền bạc giúp em làm gì vì đời sống em như thế này cũng tạm đủ. Ngày thì đánh đàn cho Bác và Đảng để kiếm miếng cơm manh áo,tối về nhà ngắm cảnh núi rứng Đà Lạt, ngắm những ngọn thông cao như những cánh tay giơ lên trời tìm kiếm một cái gì...Thỉnh thoảng em cũng đến thăm ngôi trường cũ và như thấy thấp thoáng bóng Thầy ở đâu đây, đang say sưa giảng truyện Kiều cho em nghe, hay đang chăm chú nghe em kể chuyện khôi hài ở sân trường. Bây giờ người học trò cũ của Thầy không còn kể chuyện khôi hài được nữa vì đời em đây máu và nước mắt. 

Nhưng có một chuyện em còn làm được và sẽ tiếp tục làm mãi cho đến khi chết là mỗi đêm Giao Thừa, em lại thắp nén hương trầm lên bàn thờ Tổ Quốc, nhớ tới ông bà cha mẹ, nhớ tới những anh hùng liệt sĩ và nhớ tới Thầy ở một phương trời xa cách... 
Học trò cũ của Thầy.
Chế Guiitar 
* Lá thư này được hư cấu một phần, phần thực cấu thì một số học sinh Đà Lạt vào những năm 1952- 1956 đều biết rõ.
Nguyễn Trọng
image425


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn