Mùa Hè Đã Qua Về Đại Hội THĐ &BTX Đà Lạt Ký Sự Phong Châu

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 4853)

MÙA HÈ ĐÃ QUA VỀ ĐẠI HỘI 2014

 
Phong Châu

image376Chỉ còn 8 tháng nữa là đến ngày Đại Hội Cựu Học Sinh Trần Hưng Đạo – Bùi Thị Xuân Đà Lạt sẽ được tổ chức vào ngày 5 tháng 6 – 2014 tại Thung Lũng Hoa Vàng. Ban tổ chức là các anh chị đang cư ngụ tại San José, nơi tập trung khá đông cựu học sinh của hai trường công lập miền Cao Nguyên Trung Phần. Nơi tập trung đông cựu học sinh THĐ-BTX nhất phải nói đến miền Nam California là địa điểm tổ chức đại hội năm 2012. Trước đó, những nơi đã đứng ra tổ chức là: Houston, Montreal và Washington DC, riêng Houston tổ chức ba lần. Đây là lần thứ bảy đại hội được tổ chức để các cựu học sinh của hai trường có cơ hội gặp lại nhau nơi hải ngoại, cùng nhau ôn nhắc lại những kỷ niệm khó quên của thời cắp sách tới trường.Đây cũng là dịp Thầy Cô gặp lại học trò cũ của mình.Tình Thầy Trò và Bằng Hữu cùng với tình đồng hương Dalat đã mang lại nhiều niềm vui cho những người tham dự cứ hai năm một lần.

Trưởng ban tổ chức là Chị Bùi Thắng Lợi, trưởng nhóm cựu học sinh THĐ – BTX tại San José là một người rất tích cực đồng thời với sự tham gia của hầu hết anh chị có mặt tại San José, lớp niên trưởng như các anh chị Đặng Kim Quy – Nguyễn Thị Hiếu, anh chị Trần Trung Lương và Đan Thanh. Những lớp kế tiếp có chị Bùi Bích Liên và anh Lộc, chị Lê Mộng Hoa, chị Bùi Huệ Thu, chị Vũ Mai Hương, chị Nguyễn Bích Liên (em anh Nguyễn Đình Hiệp), các anh chị Trần Quốc Tôn, Trần Ngọc Linh, Nguyễn Xuân Tân, Lê Đô, Ngô Văn Hồi, Nguyễn Đình Hiệp, Phan Văn Dũng… Anh Trương Sỹ Thực sẽ phụ trách du thuyền. Hy vọng với một lực lượng nhân sự hùng mạnh như thế, đại hội chắc chắn sẽ mang lại niềm vui lớn cho những người tham dự. Chẳng những thế, ban tổ chức còn nhận được những vận động khuyến khích và cố vấn của các giáo sư Trương Văn Hoàn, Trần Phương Thu, Lê Bạch Yến, Nguyễn Thị Quảng, Nguyễn Đình Cường, Cao Thu Cúc… Giáo sư Tôn Nữ Cẩm Quỳ vẻ tặng đại hội tranh “Cổng Trường Trần Hưng Đạo”, năm 2012 giáo sư Cẩm Quỳ đã vẻ tặng đại hội bức tranh “Cổng Trường Bùi Thị Xuân” rất đẹp, giáo sư Nguyễn Đình Cường tặng một “Banner Đại Hội”. Được biết, tính đến tháng 9 -2013 số người ghi danh đã lên đến con số gần hai trăm.

Theo cuộc thăm dò riêng của PC, còn rất đông anh chị em sẽ ghi danh tham dự đại hội và du thuyền nhưng phải chờ thu xếp công việc gia đình và việc làm trước khi ghi danh. Ngoài ra cũng có rất đông anh chị sẽ không có mặt tại Đêm Đại Hội ở San José nhưng sẽ có mặt ở Seatle để cùng đi du thuyền vào ngày hôm sau.Về văn nghệ, nghe đâu tại Bắc Cali, Nam Cali đang nổ lưc tập dượt ráo riết. Tại Houston, nghe phong thanh rằng cũng sẽ đóng góp một hoạt cảnh do chị Trần Kim Quỳ và QT Trần Ngọc Toàn cùng với BTX Đào Thị An và anh Đặng Đình Hiệp thực hiện.
ĐOÀN LỮ HÀNH TEXAS

Cuối tháng bảy -2013, ĐPV “bất đắc dĩ” Phong Châu có dịp cùng gia đình sang California viếng cảnh, có cơ hội ghé thăm một số anh chị em cựu học sinh THĐ – BTX. Đặc biệt ghé thăm các anh chị tại San José, nơi sẽ tổ chức đại hội 2014. “Đoàn Lữ Hành Texas” là tên do niên trưởng Trần Trung Lương đặt cho “bầu đoàn thê tử” của ĐPV “bất đắc dĩ” này. Như thông lệ, mỗi lần có dịp ghé đến San José là ĐPV tôi được tiếp đón rất thân tình. Được ăn uống no say, nghe ca hát vui vẻ và hàn huyên với bao nhiêu là bạn cùng trường cùng lớp. Đặc biệt, tại San Jose số bạn học cùng lớp với PC khá đông, nào là Trần Quốc Tôn, Ngô Văn Hồi, Trần Ngọc Linh, Lê Đô, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Đình Hiệp, Lê Công Mừng…niên trưởng có các anh Quy, anh Phương, anh Lương…bạn học chung năm cuối trung học có thêm các chị Nguyễn Thị Bình, Lê Mộng Hoa, Bùi Bích Liên; Bùi Thắng Lợi của lớp niên khóa 65 cùng sinh hoạt Hướng Đạo tại Dalat. Cũng trong lần này, được gặp lại chị Cao Thu Cúc, cùng học năm đệ thất Quang Trung và sinh hoạt Hướng Đạo tại Dalat, sau chị là giáo sư của trường Bùi Thị Xuân. Buổi họp mặt tại nhà của Thắng Lợi với món bún bò đặc biệt hương vị San José. Nghe Thắng Lợi và niên trưởng Trần Trung Lương phát họa chương trình đại hội cũng thấy háo hức muốn ghi danh tham gia ngay. Chia tay ra về trời đã khuya. Sáng sớm hôm sau mấy tay THĐ chúng tôi lại kéo nhau ra quán cà phê nhâm nhi trò chuyện (chuyện đâu mà lắm thế!) cho đến trưa mới chịu tha cho “Đoàn Lữ Hành Texas” xuôi Nam sau khi kéo nhau vô tiệm để dằn bụng bữa trưa. Xin cám ơn các anh các chị của Thung Lũng Hoa Vàng.
image378
Tại Nam Nam California

 Tại Nam Cali “Đoàn Lữ Hành” có cuộc họp mặt loại “mini” với một số anh chị. Lý do là “Đoàn Lữ Hành” có mặt “bất chợt” nên không dám báo cho nhiều người biết. Nguyên nhân: ĐPV là kẻ “đi chơi theo” với con nên nhất nhất phải “tòng tử” để khỏi bị bỏ lại dọc đường. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại một quán ăn ở khu Little Saigon chỉ có vài tiếng đồng hồ nên khi chia tay rất ư là lưu luyến. Hôm đó có mặt các bạn thân là anh chị Phạm Bá Đức, anh chị Võ Thanh Xuân, anh chị Phún Tắc Ón từ thành phố Simi Valley chạy xuống, có Nguyễn Đình Phương lớp 65 và cùng sinh họat Hướng Đạo, chị Đặng Kim Tuyến và GS Nguyễn Đình cường. Có nhờ Đặng Kim Tuyến mời vài anh chị nữa nhưng giờ chót không ai đến được.PC tôi bị hai người trách móc nặng nề. Đó là Giáo sư Nguyễn Đình Cường và chị Đặng Kim Tuyến. Giáo sư Cường phán rằng “khi nào nghe Châu gọi điện thoại thì y như rằng anh chàng đang có mặt ở Cali…”. Còn Đặng Kim Tuyến thì nói “không bao giờ anh sang Cali mà báo trước cho mọi người biết”. Thế đấy! Lỗi tại tôi. Thôi thì lần sau…sẽ thông báo trước vài….năm…cho chắc ăn.

Tình Cờ Thứ Nhất:

Tôi có một người cậu định cư tại thành phố San Diego. Chuyến “lữ hành”này tôi quyết định đưa bà xã, con gái, rể và hai cháu đến thăm và ở lại vài hôm để cậu cháu và mấy anh em chúng tôi có cơ hội chuyện trò hàn huyên sau 20 năm tôi không ghé thăm kể từ lần thăm đầu tiên vào năm 1993 khi tôi mới qua Mỹ được một năm. Cậu cháu anh em mừng rỡ, người mợ và các em bày trò nấu nướng ăn uống vui vẻ. Trong lúc hàn huyên, tình cờ tôi thoáng nghe một cô em nói với người mợ nguyên văn như sau “Phương Anh đang ở san Diego…”.Nghe thế, tôi nghĩ ngay trong đầu…Phương Anh đây có thể là vợ của Phún Tắc Ón? vì tôi biết Phương Anh đã có mặt tại nhà con trai tại San Diego để giúp cháu dọn dẹp nhà cửa trước khi cháu rời 

Những Tình Cở Ở San Diego

San Diego để đi Hawaii theo lệnh của đơn vị vì cháu là bác sĩ quân y. Tôi liền buột miệng hỏi người em “Có phải Phương Anh ở Simi Valley không?”. Nga, tên cô em, trố mắt nhìn tôi hỏi: Sao anh biết? Đúng rồi…”. Thấy cả nhà đều ngạc nhiên nên tôi nói ngay… Phương Anh là vợ của Phún Tắc Ón, bạn học của anh từ lúc còn ở Dalat…
image380
Cả nhà ồ lên…té ra…như rứa hả…Rồi người mợ kể đầu đuôi câu chuyện vợ chồng Phún Tắc Ón. Số là trước kia, gia đình cậu mợ tôi sống tại Quy Nhơn và quen thân với gia đình của Phương Anh.
Khi cậu mợ tôi vào Sài Gòn thì ba mẹ Phương Anh gửi Phương Anh ở tại nhà cậu mợ để học đại học. Cậu mợ xem Phương Anh như con trong nhà và ở suốt bảy tám năm. Thời gian này Phún Tắc Ón nhà ta theo Phương Anh bén gót và thường ghé nhà cậu mợ tôi suốt thời gian Phương Anh còn ở đó. Nghe kể lại, mỗi lần vợ chồng Phương Anh xuống San Diego đều có ghé thăm cậu mợ tôi. Sau khi biết mọi việc, Nga gọi điện thoại cho Phương Anh bảo đến nhà cậu mợ tôi gấp. Khi Phương Anh và vợ chồng người con trai và đứa cháu nội bước vào nhà thì thấy vợ chồng tôi nên rất đỗi ngạc nhiên.Cô Nga kể lại mọi chuyện, mọi người đều cười vui vẻ. Tôi gọi cho Phún Tắc Ón báo tin sự việc vừa xảy ra, Ón cũng rất đỗi ngạc nhiên. Năm 2012 khi sang dự đại hội, chúng tôi ghé nhà Ón và Phương Anh nghỉ một đêm để chuyện trò gần suốt đêm sau gần 50 năm mới gặp lại. Hôm ấy cũng có mặt của Thầy Cô Trương Văn Hoàn - Kỳ Ngọc Hảo và bạn hiền Phạm Bá Đức
image384
Tình cờ thứ hai:
Những năm gần đây, mỗi lần đi chơi xa ngoài thành phố đang ở, chúng tôi - hai kẻ già đều cố gắng tìm cơ hội để đi bộ. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến phát biểu của nhà văn nổi tiếng hiện đại của Nhật Bản Haruki Murakami “Đi bộ là để sống cho trọn vẹnchứ không phải để sống lâu”. Thật chí lý! Đi bộ đã trở thành thói quen khó bỏ, hôm nào không đi bộ thì hình như ngày hôm đó không được sống trọn vẹn và cứ loanh quanh nghĩ ngợi và có cảm tưởng mình đã đánh mất một một báu vật nhỏ. Khi đến San Diego ở nhà người cậu như đã nói đoạn trên, buổi sáng hai kẻ già cũng ra đi lúc 6 giờ sáng. Ngó quanh ngó quẩn nếu thấy công viên thì vào trong đó đi năm bảy vòng là tiện nhất.
image382
Còn không thì cứ theo lề đường mà đi khoảng tiếng đồng hồ. Sáng hôm đó, chúng tôi cứ đi dọc theo trên lề các con đường quanh khu nhà của người cậu (cũng thấy có nhiều người đi như thế).
Đi khoảng hơn nửa tiếng thì thấy người đã nóng, mồ hôi ra ướt lưng, mắt cứ nhìn ra phía trước quan sát xe cộ chạy buổi sáng. Khi đến một ngả tư chúng tôi dừng lại chờ đèn xanh. Tôi nhìn thẳng về phía trước bên kia đuờng thấy có một cặp – một ông và một bà đang bước nhanh về phía chúng tôi. Họ đang đi bộ.Tôi đã nhận ra hai người đó không ai xa lạ mà chính là vợ chồng Phùng Thuận (THĐ 63).Đèn xanh, chúng tôi bước qua đường, nhận ra nhau cả bốn người mừng rỡ. Tôi kể sự tình ghé San Diego thăm người cậu và sáng nay đi bộ quanh mấy con đường trong khu này. Thì ra nhà của vợ chồng Thuận cũng ở gần đây. Thế là vợ chồng Thuận kéo chúng tôi quá bộ về nhà chuyện trò và cà phê ăn sáng. Khoảng hơn một tiếng sau Thuận chở chúng tôi về nhà người cậu. Cũng nhắc lại là năm 2012 chúng tôi đều có mặt trong đại hội BTX – THĐ và đi du thuyền, sáng nào vợ chồng Thuận và chúng tôi cũng lên tầng trên đi bộ cả chục vòng quanh boong tàu. Có hai cặp nữa cũng chăm đi bộ mỗi buổi sáng trên du thuyền là vợ chồng chị Huỳnh Thị Lanh (THĐ 63) và chị Nguyễn Thị Đông (BTX 66 ?). Tôi dự tính sẽ ghé thăm vợ chồng Phùng Thuận theo chương trình định sẵn nhưng đã gặp rất tình cờ. Thêm một niềm vui.



Vườn Cây Trái Việt Nam


image386Trong lịch viếng thăm tại San Diego có Nông Kim Ấn và chồng là Vũ Công Dân. Lần nào ghé San Diego cũng ghé thăm Ấn và Dân, có khi còn ở lại nhà chơi vài hôm để được Dân nấu phở cho ăn và thưởng thức trái cây Việt Nam đủ loại trong khu vườn rợp mát. Nông Kim Ấn (BTX 65) là lớp đàn em trong sinh hoạt Hướng Đạo Dalat. Nhớ năm 1970 (?) tôi từ Vũng Tàu chạy honda về Sàigòn để dự đám cưới của Ấn và Dân tại câu lạc bộ hải quân ở An Đông. Khi tôi chuyển công tác về Sàigòn thì nhà tôi và nhà của Dân ở gần nhau, một ở quận ba, một ở quận mười nhưng chỉ cách nhau hai bên con đường Lê Văn Duyệt. Dân di tản trước 30 tháng tư, Ấn thường đưa con ghé nhà tôi chơi và cũng có đi chung trong vài lần vượt biên nhưng thất bại, chạy trối chết. Sau Ấn và các con đi theo diện bảo lãnh, còn tôi mãi năm 1992 mới ra đi theo diện tỵ nạn.Ấn và Dân đón vợ chồng tôi đến nhà vào buổi sáng. Trước tiên là thăm vườn trái cây. Dân giới thiệu thêm vài loại cây và rau mới trồng. Đi một vòng khắp vườn mới thấy công sức của Ấn Dân đã bỏ ra để tạo dựng mảnh vườn đầt cây trái Việt Nam như cam quít, chanh, mận, ổi, chùm ruột, chôm chôm, mảng cầu, khế, táo Thái táo Mỹ, thanh long, mít…và đủ loại rau. Mùa này chỉ còn ít ổi, Dân hái một mớ cho chúng tôi chấm muối ớt, tiếp đó lại mở dàn karaoke bắt vợ chồng tôi ngồi bên dưới sân khấu nhỏ để rống hết bài này đến bài khác trong khi cả hai vợ chồng sửa soạn giàn giáo để nấu phở đãi khách phương xa. Có điều lạ là giàn Karaoke sắm chỉ dành cho bạn bè thỉnh thoảng đến hát chứ Ấn và Dân không thèm hát. Trong căn phòng nhỏ có sân khấu và hệ thống âm thanh tốt, dạo tháng 6 vừa rồi Ấn Dân tổ chức “Đêm Ca Nhạc Tưởng Nhớ Lê Uyên Phương” với sự hiện diện của hai người em của Lộc là …Hồng Mai và Tuyết Lan cùng một số ca sĩ thân hữu. Phải công nhận Dân là tay nấu phở có hạng, nước lèo vị thơ m đậm đà chan ăm ắp lên những miếng nạm miếng gầu ửng vàng bắt mắt. Ăn hết một tô rồi vẫn còn muốn ăn thêm một tô nữa. Khi ra về Dân nhổ tặng cho chúng tôi một bụi dược thảo quý mà tôi chỉ nghe chứ chưa bao giờ được trông thấy tận mắt. Đó là cây linh chi, ngoài ra còn tặng thêm hơn chục củ linh chi đã phơi khô màu trắng. Giữa tháng 9 vừa rồi tôi gọi qua thăm hỏi thì Ấn cho biết mấy bụi linh chi của Ấn đã theo ông bà về núi. Nghe thế tôi bèn chạy ra sau vườn xem thì thấy linh chi nhảy ra thêm một bụi nữa. Hy vọng chúng cầm cự được với thời tiết quá ấm ở Texas để hôm nào tôi còn đem hoàn lại cho Ấn Dân một bụi để trêu ngươi chơi… Cám ơn Hoa và Thuận. Cám ơn Ấn và Dân. Cám ơn San Diego.
image388
Trở Về Miền Nắng Nóng

Sau ba tuần chu du trở về vẫn còn hưởng cái nóng mùa của Texas. Nhiệt độ vẫn giữ ở mức ba con số nhưng mọi sinh hoạt vẫn tiếp tục, chẳng hạn như mỗi ngày hai buổi PC phải đội nón đeo kiếng đen (trông rất giống Văn Vỹ) để cầm vòi tưới nước liền ba bốn tuần cho cây cối trở lại màu xanh. Kế đến là có vài sinh họat phải tham gia. Chắc các bạn còn nhớ tại Houston có Gia Đình Củi Ngo thành lập vào tháng ba – 2013 với buổi sinh hoạt đầu tiên tại nhà THĐ Hoàng Kim Châu. Tháng 6 có buổi họp mặt tại nhà BTX Vũ Thị Hiền. Tháng tám có buổi sinh họat tại nhà BTX Lê Thị Cẩm. Trong lần sinh hoạt tháng tám, ngoài anh chị em của Gia Đình Củi Ngo (gồm 24 thành viên) còn có sự hiện diện của THĐ 63 Trần Đình Bút từ Việt Nam mới qua Mỹ thăm con ở thành phố “chỉ có một gia đình VN” là thành phố Lubbock, nằm ở phía bắc Texas giáp với Oklahoma.
image390
Trần Đình Bút ở nhà Hoàng Kim Châu trong thời gian thăm viếng Houston và hai chúng tôi quen thân từ năm học chung lớp đệ thất C trường Trung Học Quang Trung. Bao nhiêu kỷ niệm vui (chứ làm gì có kỷ niệm buồn) của thuở còn cắp sách đến trường được cả hai nhớ ra hết và kể cho nhau nghe rồi cùng nhắc tên từng thằng bạn, đứa còn đứa mất, đứa ở đứa đi. Giờ thì đứa nào cũng dăm ba đứa cháu nội ngoại. Trần Đình Bút nhắc lại những biệt danh quen thuộc của một thời mà giờ đây có ai nhắc đến một thằng bạn cũng kèm theo một chữ theo sau tên cúng cơm. Chẳng hạn trong suốt những năm trung học, lớp chúng tôi có bộ tứ nổi tiếng luôn đi với nhau trong các sinh họat văn nghệ và thể thao của lớp. Đó là bộ tứ Châu Đen – Hiển Trụ - Bút Cụ - Nhu Cai (Hoàng Kim Châu, Nguyễn văn Hiển, Trần Đình Bút, Nguyễn Hữu Nhu). Nhân đây cũng xin thêm là có những biệt danh khi nghe, nếu không phải học chung lớp thì khó mà hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Chẳng hạn lớp tôi có một anh bạn tên Hùng, không hiểu cơ duyên nào mà anh ta lại có biệt danh là “Hùng việt cộng”. Dạo đó anh ta ốm tong ốm teo nên lũ bạn xúm lại đặt cho anh cái tên “Hùng việt cộng” chăng? Mới học lớp đệ thất mà đã biết mấy anh VC ốm đói kể cũng hay cho mấy thằng học trò nhóc con chúng tôi. Sau tháng tư 75, Hùng VC bị đi tù VC trên 5 năm. Chắc PC phải có một bài viết riêng để nói về mấy cái biệt danh vẫn còn đeo đuổi mãi những thằng còn sống và cả những thằng đã ra đi cũng thế, như một Nguyễn Đức Phống thủ khoa khóa 22B Võ Bị Dalat, khi nhắc tới, chúng tôi không bao giờ quên hai chữ “Phống Tịt”. Ôi! Lũ học trò quỷ quái chúng tôi…Trở lại chuyện họp mặt Gia Đình Củi Ngo, trưa 11 tháng 8 bỗng dưng có một cơn mưa, dân Houston mừng như bắt được vàng. Trong ngôi nhà ấm cúng của Cẩm – Lộc chúng tôi như thường lệ, có ăn uống, chuyện trò, dự tính này nọ trong tương lai như việc dự đại hội 2014 tại San José. Đôi gia chủ đưa đi thăm vườn sau đầy cây trái, đặc biệt là giàn bầu của O Cẩm với những nậm bầu còn xanh lủng la lủng lẳng trông rất ngộ mà mới mấy hôm trước đây Nguyễn Mậu Lộc đã gửi email cho cả nhà báo tin là “O Cẩm Có Bầu”. Thế là cả nhóm reply để chung vui “O Cẩm Có Bầu”. Lại chương trình văn nghệ văn gừng thật vui. Dịp này Trần Đình Bút không quên cho biết cảm tưởng khi được đến sinh hoạt chung với gia đình Củi Ngo. Đặc biệt, Bút cũng ở trong binh chủng hải quân nên khi gặp niên trưởng Đặng Đình Hiệp (anh Cả của Gia Đình Củi Ngo), hai người đã hàn huyên đủ chuyện của những người con của biển trong thời chiến tranh… Buổi họp mặt đem niềm vui cho mọi người, đặc biệt là Trần Đình Bút chắc cũng cảm nhận được thế nào là tình bằng hữu phát xuất từ những người đã cùng trường cùng lớp và hơn hết, cùng sinh ra và lớn lên trên vùng đất cao nguyên mù sương Dalat…và giờ đây gặp nhau nới đất khách quê người. Xin ghi thêm, trước ngày đưa Trần Đình Bút đến với Gia Đình Củi Ngo hai hôm, PC có đưa Bút đến thăm hai bạn THĐ là Nguyễn Huy Suyến (THĐ 62) và Vũ Thế Hùng (THĐ63 tức Hùng VC), trưa hôm đó vợ chồng Hùng VC đãi chúng tôi ăn trưa tại một tiệm ăn khá ngon ở vùng tây bắc Houston.

Trần Đình Bút Tiếp Tục Thăm Bạn Bè

Tin Trần Đình Bút qua Mỹ thăm con được loan trong đám bạn cùng lớp. Bút sang Mỹ từ tháng 5 -2013 nhưng mãi tháng 8 mới rời thành phố Lubbock đi thăm bạn bè. Chuyến đi đến Houston thăm Hoàng Kim Châu, Vũ Thế Hùng và Nguyễn Huy Suyến vào thượng tuần tháng 8. Chuyến đi tiếp sang California vào giữa tháng 9. Đầu tiên Bút bay qua San Jose để gặp các bạn cùng lớp như Ngô Văn Hồi, Trần Quốc Tôn, Lê Đô, Trần Ngọc Linh, Nguyễn Đình Hiệp, Nguyễn Xuân Tân, Phan Văn Dũng…Ngoài việc gặp thăm bạn bè THĐ cùng lớp, Bút được các anh chị trong hội BTX – THĐ tiếp đón trong một buổi họp mặt thân tình, nghe nói được tổ chức tại nhà của niên trưởng Đặng Kim Quy. Buổi họp mặt ngoài các bạn cùng lớp, có các niên trưởng Đặng Kim Quy và chị Nguyễn Thị Hiếu, Trần Trung Lương và chị Đan Thanh, Bích Liên, Thắng Lợi…tiếp đến Trần Đình Bút dùng xe đò Hoàng để xuống Nam Cali thăm một số bạn bè khác. Được Đào Văn Bình tiếp đón tại nhà và tổ chức cuộc hội ngộ bỏ túi tại Little Sàigòn với các bạn Đồng Văn Dũng, Hoàng Văn Thái, Trần Ngọc Thạnh, Lê Công Mừng, Trương Nho… Từ California gọi về Texas, Trần Đình Bút cho PC biết đi đến đâu cũng được bạn bè tiếp đón chân tình, thể hiện được sự trân quý của tình bằng hữu. Những kỷ niệm đã ở thật xa của một quá khứ nửa thế kỷ nay lại được gợi lại trước những ly cà phê, những chai beer ngọt ngào và tiếng nói râm rang cười đùa như lúc tuổi chưa bước vào đời va chạm với những nghiệt ngã của trăm ngàn gian lao thời lửa đạn. Nhớ lại một thời hãy còn ngồi trong lớp mà tai đã nghe tiếng súng đạn vèo vèo bay ngoài cửa lớp. Trần Đình Bút là một trong những chàng trai như thế nên chàng theo nghiệp đao binh trước số đông bạn bè khác…

image394
 TĐ Bút (thứ nhì bên trái) với GĐ Củi Ngo HoustonTĐ Bút (thứ ba bên phải) tại San José

Hè Đã Qua Thu Lại Đến

Những dòng ký sự này được ghi khi cái nóng bắt đầu dịu xuống dần để chuẩn bị đón mùa thu đang ngấp nghé quanh đây. Mùa thu ở Texas không có rừng lá vàng đổi màu như ở miền đông bắc hay tây bắc Hoa Kỳ. Mùa thu nơi đây là mùa luôn được nhắc nhở như mùa của những cơn bão từ vịnh Mễ Tây Cơ hay xa hơn, từ Đại Tây Dương đánh vào. Hết tháng chín, bước qua tháng mười có thể có những cơn mưa từng chặp, mưa đến không vội, có khi mưa không đến như những dự báo thời tiết và người ta vẫn cứ chờ một trận mưa thật lớn mới xóa tan được cái dư vị hầm hập của mùa hè cháy bỏng.
Có lẽ đến hạ tuần tháng mười một, các anh chị trong Gia Đình Củi Ngo Houston khi dự họp mặt định kỳ thì người nào cũng phải mặc áo ấm và tay cầm dù che mưa. Thanksgiving nơi đây lạnh lắm….
image392
Đô-Tôn (đứng), Linh-Tân-Bút và Dũng Thái- Bình-Dũng-Nho (đứng), Thạnh-Bút và Mừng
Phong Châu
*****

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn