Lửa Tắt Bình Khô Rượu Tuỳ Bút Phạm Mai Hương

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 5021)
image103
LỬA TẮT BÌNH KHÔ 
 
RƯỢU


Kính tưởng nhớ nhà thơ 
 Việt Trang Phạm Gia Triếp

Bà lọ mọ dậy khi trời còn mờ sương, đứa cháu gái nằm kề bên, trở mình, nói trong cơn ngái ngủ:
- Còn sớm nội dậy làm gì. Ngủ thêm chút nữa đi.
-Thôi! Nội ngủ đủ rồi.
Đánh thêm lớp phấn mỏng, thoa chút son xong bà tự pha cho mình ly sữa, tiện tay bà cắt một gói nestcafé đổ nửa gói vào chiếc tách nhỏ, rót nước sôi vào, bà mới giật mình, lẩm bẩm:
-Lại quên, thôi kệ, tui lỡ pha rồi, mình uống nghe.
Bà để tách cà phê vào chiếc đĩa đặt trước mặt ông:
-Tụi nó đủ đôi, còn tui…
Đoạn bà đốt cây nhang cắm vào bát hương, dưới ánh nến lung linh, ánh mắt ông cười hóm hỉnh:
-Dậy sớm hỉ. Sáng ni có qua nhà Cẩn ăn phở không ?
Bà không vội trả lời, bưng ly sữa ngồi trên ghế tràng kỷ đối diện với ông tự nhủ: mấy đứa nhỏ răng mà tìm cái hình chi mà trẻ rứa, cứ như ngoài sáu mươi, coi không được chút mô cả, bà nhăn mặt:
-Chút nữa Lạc qua chở, tui đi bộ không nổi nữa mà đi một mình cũng buồn. Cứ thứ bảy hàng tuần, ông bà lại lên tiệm phở của cậu con trai thứ cách đó hơn nửa cây số, phải qua một con dốc tuy nhỏ nhưng khá cao. Ông bà sóng bước đi trong lòng tự hào:
đó là tui mới mổ. Vết mổ nơi cổ không nguy hiểm chầm chậm, lên nửa dốc, ông dừng lại chờ, bà thở ra:

-Mình khoẻ ghê hỉ, đi nhanh thoăn thoắt.
Ông không trả lời nhưng ông tỏ vẻ hơi khó chịu. Cậu con trai đón bố mẹ từ ngoài cổng:-Hai tô phở đặc biệt cho hai sếp nghe.
Tô phở của bà nhiều giá, ông không còn răng nên thịt băm nhỏ trụng tái. Uống thêm ly pạc sỉu ít cà phê nhiều sữa, ông bà lại thong thả đi về. Giờ đi một mình bà ngại và nẫu ruột nghe tiếng con:
-Một tô đặc biệt cho sếp nghe.

 Bà trầm ngâm uống chưa hết ly sữa. Ông nhìn bà lại cười:
-Răng mà buồn rứa! Tối không ngủ được hỉ.
-Ừ! Răng giờ tui ít ngủ ghê. Bà vẫn thường than :
Mạ ít ngủ ghê.
Lũ con nhìn nhau cười: rứa mà quay qua quay lại thấy mạ ngủ rồi. Có nói chúng cũng không hiểu bởi bà ngủ mà không say giấc, mắt nhắm đó nhưng chỉ cần ông trở mình rên khẽ, bà tỉnh giấc, xoa ngực, bóp tay. Chẳng hiểu sao dạo này ông không rời bà nửa bước, mùa World cup vừa rồi, của đáng tội coi đá banh mà ông ngồi sát tivi, mở âm thanh thật nhỏ để không làm phiền giấc ngủ của bà. Cũng may, ông coi được hết mùa đá banh.
Một đêm ông trở giấc:
- Mình rên như vậy làm sao tui ngủ được.Bà nói là nói vậy thôi, vậy mà ông không rên nữa, nằm im ngủ rồi đi luôn. Khuôn mặt thanh thản, nét nhăn tuổi già biến đâu mất giống y tấm hình trước mặt bà chụp cách đây gần hai mươi năm. Người chi mà lạ, ít ra khi đi cũng phải nói với bà một câu chứ. Gian phòng khách rộng im ắng, văng vẳng đâu đó tiếng gà gáy sáng, tiếng niệm “A Di Đà Phật “ của chiếc máy nhỏ đặt cạnh hình ông. Bà nhủ thầm:
-Mình chết sướng thật. Chắc tui mô được như vậy . Ri mà bằng được, thầy Minh An còn tị nạnh: Tu lâu như tui, khi chết mà chắc gì được thanh thản bằng ông cụ .

Thuở sinh thời ông là nhà thơ lãng tử, bạn bè đủ mười phương, đủ mọi lứa tuổi, ông đưa thư già vài ngày lại đem đến vài lá thư, có cả những lá thư viết mực tím, chữ viết đẹp như in, ông vừa đọc vừa tủm tỉm cười. Lũ con nhìn lượng khách vào viếng tang đông như đi lễ chùa đầu năm, bảo nhau:
-Có ai vào xin đội khăn, anh em mình nhận nghe. Anh em cả mà.

Biết là chúng nói chơi nhưng bà cũng có ý chờ để xem thử ông có thực lòng với mình không, vì trong cả ngàn bài thơ ông viết ông chỉ dành tặng bà có hai bài lúc ông còn theo đuổi khi bà còn là cô hàng xén ở chợ Đông Ba, rồi khi thời thế xoay vần, ông về ở ẩn yên thân, bà tần tảo nuôi con thành tài. Ông nhăn mặt:

-Tụi nớ nói bậy, mình đừng để ý, mà bài thơ tui làm có hay không? Sao lại không hay, bà thuộc nằm lòng khi còn trên bản thảo:

“Khi chim mẹ về tổ
Tha mồi mớm chim non
Em cũng vừa tan chợ
Kiếm gạo tiền nuôi con
Bay mấy vòng đâu đó
Chim trống hót vu vơ
Rong chơi anh xuống phố
Về nhà ngồi làm thơ “
(Việt Trang)


Bà uống xong ly sữa, ông từ tốn:
-Mình ráng giữ sức khoẻ, lo cái giỗ thứ mười cho tui nghe.
- Trời ! Người chi mà khôn rứa...
image105
Phạm Mai Hương
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn