Chuyện Kể Cuối Năm
Tôi Đi Chùa
Tôi không phải là người theo Thiên Chúa Giáo. Tôi đạo Phật, theo đạo của ông bà cha mẹ tôi. Hồi nhỏ những ngày lễ lớn của nhà Phật tôi đều đến chùa dự lễ, lạy Phật tụng kinh. Nói cho xôm chứ kinh kệ thì chỉ biết duy nhất một bài kinh sám hối và những câu kinh xướng tụng các danh vị Phật. Ngoài bài kinh sám hối và những câu tụng danh vị Phật, tôi không thuộc một bài kinh nào nữa. Tội lỗi nhiều nên chỉ cần đọc bài kinh sám hối để được hết tội? Khi sinh hoạt Hướng Đạo, mỗi chủ nhật trước khi họp đoàn, tôi và các đoàn sinh theo đạo Phật phải đến chùa lễ Phật và đọc kinh. Bọn nhóc chúng tôi cũng chỉ thuộc một bài kinh sám hối mà thôi. Khi lớn lên làm huynh trưởng, tôi cũng dắt đoàn sinh đến chùa lễ Phật, cũng đánh huông gõ mõ vang vang trong chánh điện, hương khói bái lạy cũng đủ phần thủ tục. Cũng cần nói là, các em theo Thiên chúa giáo cũng có một huynh trưởng đưa đi nhà thờ xem lễ vào sáng chủ nhật. Ngày lễ lớn như ngày Phật Đản, Hướng Đạo chúng tôi được mời đến chùa tham dự đại lễ, khi thì cử hành tại chùa, khi thì ở sân vận động thành phố, sau đó có màn rước xe hoa cung nghinh Phật đi qua những con đường chính trong thành phố. Ngoài ra chúng tôi còn tham gia tất cả các trò chơi do Gia Đình Phật Tử tổ chức như đánh bóng chuyền, kéo giây, thi xe đạp chạy chậm, thi cắm hoa, thi nấu ăn…và buổi tối chúng tôi cũng được góp phần trình diễn văn nghệ trên sân khấu ở trước chùa hoặc sau này, trước sân trường Bồ Đề. Nói chung, mặc dù chúng tôi là khách nhưng hầu hết các trò chơi chúng tôi đều chiếm giải. Chuyện đi chùa dạo còn nhỏ chỉ đại khái có như thế. Vui là chính. Còn nếu gọi Phật tử thì tôi thuộc loại Phật tử “tài tử”, không có gì đáng nói. Khi đã vào đời lập thân thì tôi mới bắt đầu tìm hiểu Đạo mình theo một cách chín chắn hơn. Nhưng chuyện này không thuộc phạm vi của bài viết này. Có dịp sẽ đề cập trong một bài khác.
Tôi Đi Nhà Thờ
Đi nhà thờ? Phật tử mà đi nhà thờ? Đó là chuyện thường đối với tôi. Dạo nhỏ, nếu có thì giờ, chẳng hạn như có một hai tiếng nghỉ học vì giáo sư vắng mặt, tôi đạp xe chạy qua nhà thờ Con Gà cùng với mấy đứa bạn và vào bên trong nhà thờ, ngắm tượng Chúa bị đóng đinh trên thánh giá mà lòng cũng thấy xúc động, đi vòng vòng bên trong xem các bức vẽ trên kiếng các thiên thần và một số sự tích theo thánh kinh. Có mấy người bạn tôi, khi bước vào nhà thờ thì người hơi nhún xuống, mắt hướng về tượng Chúa trêncao và làm dấu thánh giá, tôi cũng bắt
chước làm theo. Dĩ nhiên khi vào nhà thờ thấy không khí tĩnh mịch trang nghiêm, chúng tôi không dám nói năng linh tinh hay đùa dỡn. Có bình nước thánh (?) đặt bên trong cửa ra vào, có mấy đứa bạn cho ngón tay vào cho dính nước trước khi làm dấu thánh giá, tôi cũng làm theo. Sau đó chúng dắt tôi sang phòng đọc sách cũng nằm bên cạnh nhà thờ. Nơi đây toàn là sách báo của người Thiên chúa giáo như tờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Những Lời Răn Của Chúa, Công Giáo Tiến Hành, sách cho những người trẻ có tập san Hùng Tâm Dũng Chí và Thanh Sinh Công cùng một số tạp chí nói về sinh họat của giáo hội La Mã và Việt Nam. Tờ nào tôi cũng có lật ra đọc và xem hình. Đại khái thì cũng hiểu chút chút về Đạo Thiên Chúa. Và tôi cũng nhớ trong các ngày lễ lớn của Thiên Chúa Giáo cũng có những cuộc rước lễ đi qua nhiều đường phố mà đa phần là rước vào buổi chiều tối. Đó là những lần tôi đi xem rước kiệu. Ngoài cờ xí với các màu xanh trắng vàng, mỗi người trược kiệu đều có cầm một ngọn nến được đặt bên trong một cái ly để chắn gió. Nếu tôi viết không đúng những điều trên thì xin quý độc giả niệm tình tha thứ vì trí nhớ càng ngày càng cùn lụt.Mùa Lễ Giáng Sinh
Mục đích chính của bài viết này là đoạn viết sau đây. Chỉ còn một hai hôm nữa là đến ngày lễ Giáng Sinh. Từ sau ngày lễ Tạ Ơn, thiên hạ đã chưng hoa kết đèn khắp nơi để chuẩn bị đón Giáng Sinh và Năm Mới. Đặc biệt là những nơi buôn bán sầm uất, đông người mua sắm ghé đến. Các mặt hàng mùa đông năm ngoái bán không hết cũng mang ra rao bán đại hạ giá năm mươi bảy mươi phần trăm, bán một cho một, có nơi bán một cho hai…nhưng tựu trung thì hàng hóa được nâng giá lên rồi rao cho xuống giá, thế là phe mua sắm nhà ta phấn khởi chen lấn nhau vô giành giật trong các cửa tiệm vào cái ngày gọi là “Black Friday” vui ra phết. Tôi ở xứ Cờ Huê hơn hai chục năm nhưng chưa bao giờ bén mảng tới các cửa tiệm trong ngày “Black Friday”, chỉ nhìn thấy thiên hạ lều chỏng cắm ngay trước các cửa tiệm trước cả tuần để đến sáng sớm “Black Friday” là “a la xô” vô ôm ngay các món hàng mà mình đã nhắm sẵn để mua. Sao mà khổ quá vậy trời! Thành phố nơi tôi ở có nguyên một gia đình gồm hai vợ chồng hai đứa con nhỏ dựng lều trước một tuần ngay cửa tiệm Wal Mart. Được phóng viên hỏi tại sao mà cả nhà cắm dùi (nói theo kiểu Việt Nam “căm dùi chiếm đất” trước 1975) sớm thế thì anh chồng trẻ trả lời…ngủ nhà cũng vậy…ngủ đây cho nó tiện…Hết biết luôn.
Chưa hết, hôm “Black Friday” ngồi xem TV thấy cảnh đánh nhau túi bụi trong tiệm để giành nhau các món hàng, đàn ông đàn bà thượng cẳng tay hạ cẳng chân lăn té xuống sàn la lối om sòm, lại thấy có mấy chàng bị cảnh sát còng tay lôi ra ngoài vì giật hàng trên tay người khác. Những người mua được những món hàng giá rẻ thì mặt mày hớn hở. Có người cho biết mua các món hàng điện tử giá rẻ được cả bốn năm trăm đồng. Cũng không bỏ công chen lấn giành giật thức hôm thức khuya dãi dầu sương lạnh ban đêm, đội mưa hứng nắng ban ngày.
Suốt mấy tuần nay, kể từ đầu tháng 12, trên màn ảnh computer xuất hiện rất nhiều lời Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới kèm theo những tấm thiệp của bạn bè khắp nơi. Mười người như một. Cũng “Giáng Sinh Vui Vẻ”, “Năm Mới Hạnh Phúc”. Rồi cũng phải đáp lễ “Giáng Sinh Vui Vẻ”, “Năm Mới Hạnh Phúc”. Vui vẻ cả ta lẫn bạn. Cụ thể hơn là từ đấu tháng đến nay đã đưa các em Hướng Đạo đi đây đi đó suốt những cuối tuần để làm cho Mùa Giáng Sinh vui thêm. Chủ nhật đầu tháng 12 nhé, tham gia đi bộ gây quỹ giúp nạn nhân bão Haiyan ở Phi Luật Tân. Chủ nhật thứ nhì tổ chức vui chơi và phát quà cho thiếu nhi. Chủ nhật thứ ba đưa các em đến thăm và phát quà cho các cụ già trong viện dưỡng lão. Thấy mà tội cho các cụ quá chừng. Các cụ đều ngồi trên xe lăn và được đẩy ra quây quần bên nhau nghe các em Hướng Đạo trình diễn giúp vui với những bài Christmas Carol. Có cụ nghiêng đầu qua, có cụ ngoẻo đầu lại, có cụ gục đầu nhắm mắt suốt buổi…không biết có nghe có thấy được gì không? Các em trao qua tận tay cho các cụ, quà nắm một lát lại rơi xuống đất. Cụ nào còn khỏe còn tỉnh thì rất vui khi được nắm tay hỏi han. Đặc biệt cũng có một số cụ là người Việt Nam. Các cụ thấy các em Việt Nam đến thăm nên rất vui. Không biết khoảng mươi mười năm nữa mình có bị chui vô đây hay không nhưng trông cái cảnh các cụ thì vừa thương vừa buồn vừa chán. Ngấp nghé tuổi trời rồi đó…Chủ nhật thứ tư lại đưa các em đến một trung tâm truyền hình để hát nhạc Mừng Giáng Sinh và phát quà cho thiếu nhi nữa. Hết Giáng Sinh, Tết Tây rồi lại đến tết ta. Công việc “ngoài ngõ” còn kéo dài cho đến tết “Con Ngựa”. Cũng khá tối tăm mặt mày. Nhưng được một cái là, những chuyện vừa kể như trên cũng đã quen với kẻ ưa “lăng xăng” này. Thế nên cũng đã có người chê kẻ này là “lăng xăng” quý vị ạ. No Star Where…
Những Đêm Giáng Sinh Xưa
Bắt đầu từ tháng 11, với tập tục “kinh doanh thương mại” của người Mỹ trong công việc chào hàng khắp nơi bằng mọi phương tiện thì không ai trong chúng ta là không biết mình đang ở trong thời điểm nào của năm. Mùa lạnh đến với những hình ảnh của ông già Nóel và những bài thánh ca vang vọng từ mọi hướng khiến tôi nhớ đến một người bạn thuở còn cắp sách ngồi chung một lớp. Đó là bạn Nguyễn Hữu Nhu, người vừa vĩnh viễn xa rời vợ con bạn bè hôm 4 tháng 11. Nhu học chung với tôi từ đệ thất đến đệ nhị thì xung phong vào quân đội, binh chủng hải quân, phục vụ ở ban quân nhạc (dân văn nghệ đi đâu cũng có đất dụng võ). Hai chúng tôi đều là dân vừa chơi thể thao vừa tham gia sinh họat văn nghệ của lớp của trường. Nhà Nhu ở dưới ấp Cô Giang, thỉnh thoảng có giờ nghỉ học, Nhu rủ cả bọn đạp xe qua nhà thờ Con Gà và Nhu làm cái gì thì chúng tôi cũng làm cái đó khi vô nhà thờ vì Nhu là người theo Thiên Chúa Giáo. Có khi cả bọn xuống nhà Nhu chơi hoặc chạy thẳng đến Saint Benoit, hồ Than Thở, thác Prenn hay đi xa hơn là còng lưng đạp lên mãi tận Suối Vàng. Mỗi lần ghé nhà Nhu thì bác gái có kẹo cho kẹo, có bánh cho bánh, có khoai cho khoai, có gì cho nấy. Nói chung là các bà mẹ của chúng tôi rất thương bạn của con. Nhu là người vui tính, xuề xòa, không kiểu cách, người cao ráo đẹp trai. Anh chị và em của Nhu cũng vậy, người nào cũng xinh đẹp. Nguyễn Hữu Cư, em của Nhu ở California cũng bảnh trai không kém anh mà tôi có vài dịp gặp lại. Cư hiện sinh họat văn nghệ vùng Nam Cali được nhiều người biết đến. Như đã nói ở trên, Nhu là người theo Thiên Chúa Giáo, cho nên mỗi lần mùa Giáng Sinh đến là Nhu rủ rê đám bạn tụi tôi năm bảy thằng “ngoại đạo” chiều tối ngày 24 đi lễ nhà thờ, xem kermesse và sau đó, một hai giờ sáng kéo đến nhà Nhu ăn Réveillon. Nhu không vô trong nhà thờ xem lễ mà cùng đi chơi với chúng tôi trong khu hội chợ được mở ngay trong khuôn viên nhà thờ và trường Trí Đức. Chúng tôi ghé xem hết gian hàng này đến gian hàng khác. Ở gian hàng thảy vòng vịt có khoảng chục con vịt được thả trong trong một cái vòng chắn hình tròn làm bằng tấm phên, thấy mấy chú vịt kêu cạp cạp inh ỏi và chú này lủi đầu vào cánh chú kia rồi túm tụ vào giữa vòng tròn nên những người chơi đứng bên ngoài tấm phên chắn chỉ thảy trúng lưng mấy chú mà thôi, giỏi lắm thì thảy trúng đầu rồi rơi xuống đất chứ làm sao mà chui vô cổ vịt cho được. Những trò chơi khác hầu như cũng như thế, rất khó xơi. Lại có gian hàng thảy vòng vào bàn tay của người đẹp, mấy chàng thanh niên thảy trật hết vòng này tới vòng khác và từ thua đến thua. Có chàng bạo gan, sau khi thua, đã đánh liều với người nắm bàn tay đẹp khiến người có bàn tay đẹp vội thụt bàn tay xuống. Khách đứng xem lại có dịp cười vui.
Lại có gian hàng dùng một chú chuột bạch lớn nhốt trong lồng kín, người chơi sau khi mua vé, giở cái lồng ra, hễ chú chuột chạy vào ô nào có để sẵn quà tặng thì người chơi được lãnh món quà đó. Quà là những nồi niêu soong chảo ly tách khăn mặt, dép v.v…Gian hàng nào chúng tôi cũng ghé qua nhưng chẳng đứa nào có tiền để chơi. Đứng xem người lón chơi là cũng đủ vui rồi. Cho đến giờ tan lễ một hai giờ sáng, chúng tôi mới lên xe đạp về nhà Nhu để ăn Reveillon, một bữa ăn do mẹ của Nhu đã chuẩn bị cho cả nhà và có dành phần cho đám nhóc chúng tôi. Đạo đó bọn tôi chưa biết uống rượu uống bia nên chỉ được uống nước cam Birley, như vậy đã là thích quá rồi. Chúng tôi được ăn riêng ở một góc phòng nên tha hồ mà đấu láo và nói cười rôm rả, tranh nhau kể những chuyện chẳng đâu vào đâu cho đến gần sáng thì lăn ra ngủ cho đến trưa hôm sau mới thúc dậy. Bụng lại đói, Nhu lục lạo thức ăn còn lại đêm qua, có thứ gì chúng tôi ăn thứ đó trước khi ra về. Một đêm Giáng Sinh thật vui vẻ và no nê. Rồi cứ thế, mỗi năm Nhu lại kéo mấy thằng “ngoại đạo” chúng tôi về nhà quấy rầy ông bà già. Mùa Giáng Sinh lại về, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những mùa Giáng Sinh xưa nơi quê nhà, trên thành phố Đà Lạt, dưới mái trường thân yêu Trần Hưng Đạo và với biết bao nhiêu bạn bè người còn người mất, trong đó có Nguyễn Hữu Nhu, người bạn hiền lành dễ mến. Lời nguyện cầu của tôi là xin Chúa rước linh hồn bạn tôi mãi mãi được ở trên Thiên Đàng.
Chuyện Kể Cuối Năm, nhắc đến chuyện xưa không thể không nhắc đến hai việc đã xảy ra vào Lễ Giáng Sinh năm 1962. Năm ấy chúng tôi học lớp đệ nhất. Tôi theo ban A, bạn tôi là Nguyễn Quang Tuyến và Trương Sỹ Thực theo ban B nhưng chúng tôi chơi rất thân. Tôi và Nguyễn Quang Tuyến thân vì chúng tôi là những học sinh làm báo cho trường, báo in chứ không phải báo quay ronéo. Còn tôi và Trương Sỹ Thực là dân họat động văn nghệ. Bộ ba chúng tôi thân lắm. Nhớ năm đó trước ngày Giáng Sinh, nhà thờ Con Gà lại mở hội chợ, vào tối 22 hoặc 23 gì đó, Thực rủ tôi và Tuyến đi xem hội chợ. Trời ĐaLạt lạnh lắm. Khoảng mười giờ tối Thực lấy chiếc xe gắn máy hiệu Sach (hay Gobel ?) bảo tôi và Tuyến leo lên phía sau ngồi ôm eo rồi Thực nổ máy phóng qua hướng nhà thờ Con Gà. Để xe ở bên lề đường (dạo ấy chưa có những chỗ gửi xe. Để xe suốt đêm cũng chẳng mất) rồi đi rảo xem các gian hàng triển lãm và các trò vui chơi trong khuôn viên nhà thờ. Đi xem chán, chúng tôi ghé vào gian hàng thảy vòng vịt, chúng tôi bàn với nhau hễ dớt được chú vịt là mang về làm thịt nấu cháo. Trời lạnh “nửa đêm về sáng” mà xì xà xì xụp húp chén cháo nóng kèm theo mấy miếng thịt thơm ngậy thì hạnh phúc biết dường nào! Nhưng mộng “thơm tho mùi cháo vịt” cũng theo tiếng cạp cạp của mấy chú vịt bay lên không trung khi năm chiếc vòng cứ lần lượt rơi xuống đất chứ chẳng có chiếc nào lọt vào cổ vịt.
Thực không chịu thua, kéo hai thằng tôi sang gian hàng “thả chuột”. Thực mua vé và nhìn chúng tôi cười, cái cười của kẻ sắp sửa thắng trận. Tôi và Tuyến cũng cười theo hy vọng. Rất trịnh trọng, Thực nhấc chiếc lồng lên, một chú chuột bạch to bằng cái ly cối chui ra khỏi lồng, đứng lại một hai giây, mắt dớn dác ngó quanh rồi vụt chạy, đâm đầu vào trong một cái lỗ mà bên trên có để một mớ soong chảo bằng nhôm khoảng chục cái.Thực thắng ván đó. Thế là cả ba chúng tôi vui vẻ. Muốn đi vòng vòng ngắm thiên hạ thêm nữa nhưng ngặt một nỗi là mớ soong chảo không biết vất vào đâu. Tính ra cũng có lời rồi nên Thực bảo về. Tôi và Tuyến, mỗi đứa chia nhau ôm một mớ để cho Thực lái xe trở về hướng trường Trần Hưng Đạo. Tôi và Tuyến ngủ lại nhà Thực là nơi của giáo sư Trương Văn Hoàn ở trong khuôn viên nhà trường.
Chuyện thứ nhì trong mùa Lễ Giáng Sinh năm 1962 là chuyện giáo sư Nguyễn Thị Hoàng, tác giả “Vòng Tay Học Trò” mời mấy đứa học trò đệ nhất chúng tôi đến nhà để mừng đón lễ Giáng Sinh và ăn Réveillon. Nguyễn Quang Tuyến đã ghi lại chuyện này với tựa “Đêm Ấy, Trên Cao” được đăng trên “Đặc San Đại Hội Cựu Học Sinh BÙi Thị Xuân – Trần Hưng Đạo 2012 ở trang 153 và được Phạm Bá Đức đưa lên web anhdao.org (mục Đặc San…)
Để kết thúc “Chuyện Kể Cuối Năm”, như thông lệ, người viết xin kính chúc quý Giáo Sư và Anh Chị Em cựu học sinh Bùi Thị Xuân – Trần Hưng Đạo Một Mùa Lễ Bình An và Một Năm Mới Hạnh Phúc.
Phong Châu
Giáng Sinh 2013
Tuyến và Châu
Ban Văn Nghệ Trường Trần Hưng Đạo Niên Khóa 1962-1963. Hàng sau (từ trái sang phải): Lê Mạnh Trí, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Hạnh Phúc, ?, Lê Đình Hồi, Hoàng Kim Châu, Thường. Hàng trước (từ trái sang phải): ?, Võ Sanh Thành, Trương Sỹ Thực, Bùi Bích Liên, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Công Tằng Tôn Nữ Xuân Ninh, Lê Mộng Hoa và GS Nguyễn Văn Thành.