MỘT THỜI ĐỂ NHỚ * Phạm Mai Hương

19 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 78141)

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Phạm Mai Hương

(Thương tặng Thiên Hương với tất cả tình cảm ấm áp nhất)

dalat-1a-large-content

Đứng trên lầu của dãy lớp học, tôi nhìn rõ những viên ngói lá đỏ lợp trên chiếc mái cao gần 20 mét của nhà thờ Cam ly, dành riêng cho người dân tộc thiểu số nằm dọc cao nguyên Lâm Viên. Nhà thờ xây thấp hơn mặt đất 3 mét, kiến trúc đặc biệt theo kiểu nhà rông trong buôn làng Thượng. Phía trước mặt nhà thờ vẽ hình tượng một con cọp và chim phượng hoàng tượng trưng cho sức mạnh và sự thông thái, ngầm ví đồng bào Thượng có bản tính hoang dã của chúa sơn lâm, nhưng trở nên thanh dịu như chim phượng hoàng trước Chúa.

Nhà thờ nằm tĩnh mặc giữa rừng cây thông và một giàn hoa giấy đỏ thẫm. Vào ngày chủ nhật, nhà thờ sống động do việc đi lễ của các con chiên và cha Trung giảng đạo bằng tiếng dân tộc. Đặc biệt vào mùa giáng sinh, người Lạch, K’ho , Chill…về đây dự lễ khiến ngôi nhà thờ sinh động và chợ Dalat cũng nhộn nhịp hơn vì đó là dịp người Thượng sắm sửa trong một năm.

Tôi mường tượng ra con đường mòn dẫn từ dưới chân thác qua xóm 13. Ha Lay đi trước theo sau lũ em nhỏ lóc chóc, áo quần lôi thôi. Đám bạn cũng lũ lượt rời khỏi nhà đi theo. Con gái quấn chiếc ui; tay và cổ đeo những chiếc vòng bằng hạt cườm đủ màu. Con trai mặc quần cộc dù trời lạnh giá. Chúng vẫn giữ thói quen đi hàng một như trong rừng, không nhảy chân sáo , nghịch ngợm như lũ học trò người Kinh. Phía đường Lê lai, một vài đứa trẻ người Việt hiếm hoi được mẹ dẫn vội lên trường rồi quày quả trở về nhà.

Tôi nghe giọng cười trong trẻo và hình dung khuôn mặt phúc hậu của chị Nguyệt chào Soeur Liên, Soeur Liệu vang lên bên hàng rào dâm bụt của dãy nhà dành cho những người phụng sự Chúa. Chị đứng chờ hai soeur cùng vào lớp.

Tôi nhận ra dáng khỏe mạnh của thầy Ha Nhan dạy lớp ba dang tay mạnh mẽ đánh vào thanh ray bằng sắt treo trên cây thông gần dãy lớp học báo hiệu giờ vào lớp của ngôi trường cấp 1 Cam Ly. Và dẫu đã vào lớp, ngôi trường cũng chìm trong sự yên lặng giữa cánh đồi thông mênh mông dường như không có sự ồn ào trần thế nào có thể phá hỏng.

Cam Ly là ngôi trường chị Mai Trang của tôi dạy trước khi chị tình nguyện đi thế chỗ tôi về vùng kinh tế mới ở Bồng Lai. Trường là một phần cơ sở của nhà thờ nên không có rào giậu và bảng tên trường , được mở ra dạy các em dân tộc trong Huyện Mọi nằm cuối đường Hoàng Diệu.

Năm 1977,Trường Cam Ly bị gộp vào một ngôi trường gần đó thành trường cấp 1- 2 Trần Bình Trọng do thầy Nguyễn Văn Cam làm Hiệu Trưởng. Trường Cam ly lặng lẽ biến mất tựa như chưa hề tồn tại.

Cấp 1 trường Trần Bình Trọng còn rất nhiều thầy cô cũ như cô Huệ, vợ thầy Dần, cô đẹp và luôn tự hào có bàn tay tốt mà thầy bói bảo rằng : bàn tay sinh ra vua. Cô Liên, vợ nhà thơ Trần Vấn Lệ; cô Lịch; cô Châu; chị Mượng, vợ anh Long, con ông chủ quán Ba Cao; chị Tươi, con dâu ông Hai Đưa có đàn bò trăm con; chị Tín Hương có giọng Huế ngọt ngào, sau này ra hải ngoại chị trở thành nhạc sĩ khá nổi tiếng và M.C cho chương trình Asia… 

Soeur Liên, soeur Liệu không thể lên lớp với chiếc áo nhà dòng nên thôi việc, dành trọn đời cho việc tu hành. Các em người Kinh không nghe rõ tiếng của thầy Ha Nhan vì thế Phòng Giáo Dục đổi thầy vào tận Đa Cháy. K’a Trang làm phục vụ một thời gian cũng về buôn làm ruộng.Tất cả các em học sinh dân tộc xóm 13 được đưa xuống học trường mới. Các em đi xa, lạ trường lạ lớp nên có em bỏ học. Tuy nhiên đây là vẫn là ngôi trường có các học sinh Thượng nhiều nhất trong thành phố. Cấp 1 còn có một phân trường nhỏ gồm 3 lớp học nằm ở gian nhà của Hợp Tác Xã rau trong khuôn viên xóm đạo Vạn Thành cách đó chừng năm cây số dành cho các em học lớp 1,2,3 vì quá nhỏ không thể đi xa . Các lớp do các thầy cô đạo Thiên Chúa tình nguyện vào phụ trách: thầy Cẩn, thầy Chương và Kim Thanh.

Học sinh cấp 2 học tại dãy lớp của trường Cam Ly. Cấp 2 gồm có 8 lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi khối có 2 lớp: lớp học anh Văn, lớp học Pháp Văn. Giáo viên được phân bổ từ các trường bạn về : Cô Giỏi dạy môn Pháp, cô là vợ của Quận Trưởng nên cung cách quý phái, đoan trang nhưng mạnh mẽ khiến mọi người nể phục. Chị Hoàng Bội Châu dạy môn Anh văn; chị Mỹ Dung,chị Mai, chị Thảo dạy môn Văn; thầy Huỳnh Ba dạy môn Toán cùng với chị Huỳnh thị Xuân, Chị Nguyễn Thị Xuân; Chính dạy Vật Lý…. Tôi được đưa lên dạy kê cấp 2, phụ trách môn sử địa cả 4 khối thêm tiết chủ nhiệm, tiết lao động.

Năm đó tôi đã ngoài 20, người nhỏ con nên mỗi khi vào dạy lớp 8,9 tôi còn thấp hơn vài em học sinh ở Vạn Thành. Tuy vậy so về tuổi, tôi còn lớn hơn một người đó là Thiên Hương.

Thiên Hương là một cô gái mạnh khỏe, có làn da trắng mỏng , miệng rộng hay cười và đôi mắt to thông minh, ánh mắt trong veo không chút phiền muộn.

Tôi biết tiếng Thiên Hương khi còn học trường nữ Trung Học Bùi Thị Xuân. Năm lớp đệ nhị, Thiên Hương lãnh phần thưởng danh dự toàn trường. Phần thưởng dành cho học sinh đạt 2 điều kiện : học tập phải đứng đầu lớp suốt 7 năm học và hạnh kiểm toàn diện về công dung ngôn hạnh. Sự nổi tiếng ấy vang dội hơn khi cùng năm đó bên trường nam trung học Trần Hưng Đạo, anh của Thiên Hương là Bùi Việt Hùng cũng được giải thưởng danh giá ấy.

Ngôi trường nhỏ nên tình thân trong trường cũng thắm thiết hơn, Giáo viên khi dạy xong ngồi chờ tiết tiếp sau hay họp tạm trong một căn nhà tiền chế bằng mấy miếng tôn cong mà ngày trước nhà thờ làm khu y tế. Chúng tôi thường bàn chuyện dạy dỗ học sinh, soạn giáo án hoặc cùng nhau chia phần thực phẩm được phân phối thêm ngoài tem phiếu.

Học sinh thuộc khóm Mỹ Thành, Vạn Thành, Du Sinh, Nam Thiên và cả một số em ở Băng Linh ra học. Dù đời sống lúc bấy giờ khó khăn nhưng các em học hành chăm chỉ. Đặc biệt các em ở Vạn Thành là nơi chuyên canh trồng rau, học tập khó khăn nhưng lại nổi trội việc lao động.

Mỗi thứ năm hàng tuần, tất cả thầy trò đi theo con đường mòn phía sau trường xuống chân thác, qua một chiếc cầu bắc qua con suối Cam Ly đến Công Ty Dược Lâm Đồng mà trước đây là trang trại Lệ Nhung. Chiếc cầu dài hơn chục mét làm bằng mấy cây gỗ thông gập ghềnh không thua gì các cầu tre lắc lẻo ở miền Nam. Nhiều em học sinh nữ vừa đi vừa bò . Vào mùa mưa, con nước suối dâng cao, bước qua chiếc cầu không ai mà không sợ, nhất là bên cạnh còn có cái Am Ông Nuôi

Sau một mùa nước cuốn trôi chiếc cẫu gỗ thông, người ta thay bằng mấy miếng vĩ sắt của quân đội Mỹ để lại trên phi trường Cam Ly nên việc qua lại cũng đỡ nhọc nhằn.

Trước năm 75 , trang trại Lệ Nhung trồng cây ăn trái như hồng, đào , mận ..và cả một khu vực rộng lớn để nuôi heo. Khu trang trại đẹp như một bức tranh vẽ làng quê của Pháp. Chủ nhân ra đi để lại cả một ngọn núi bạt ngàn cỏ tranh lẫn với cây ăn trái cùng với máy móc phần hư, phần mất. Xí Nghiệp Dược không đủ người chăm sóc nên phải thuê học sinh trong thành phố về làm thay tiết lao động chính khóa. Các em phải làm cỏ cực lực, đào hố trồng cây artichaud, bạc hà, dương quy, hà thủ ô….Việc lao động không miễn một ai kể cả giáo viên đang mang thai hay có con nhỏ.

Nhà Thiên Hương mãi tận khu Nha Địa Dư, mỗi sáng lên trường dạy thường ghé ngôi nhà gỗ màu xanh gần cuối đường Hoàng Diệu của chị Thiên Kim, chị ruột của Hương. Khuôn mặt của hai chị em khá giống nhau . Chị Kim hơn Hương đến hơn mười tuổi nên cách thương yêu và chăm sóc em có dáng như người mẹ. Năm đó Thiên Hương đã có hai con. Thấy tôi ngạc nhiên, Hương cười:

-Em lấy chồng lúc còn đi học mà. Em học đại học ở Saigon. Cuối tuần đi máy bay về Dalat thăm gia đình.

Giọng Thiên Hương to, ấm áp:

-Hai đứa con em sanh sau 75, em đặt tên đứa đầu Bít Tết, đứa thứ hai Khoai, là khoai tây chiên ăn với bò bít tết, gọi cho đỡ thèm ấy.

 Đôi mắt trong veo đôi lúc ánh lên nỗi buồn :

-Bố em đau lâu lắm rồi, khi em còn học trung học. Giờ bố đau nặng hơn, bố em chỉ nằm thôi. Tụi em chăm sóc kỹ nên bố không bị lở lưng. Tụi em đặt một chiếc chuông điện bên cạnh giường để bố em cần gì thì kêu. Hôm nay, bố đi vệ sinh mà không ai biết. Em đi dạy về, tắm rửa cho bố xong, giặt mùng mền, quần áo. Vừa xong là chạy vội lên trường. Có kịp ăn gì đâu.

Biết tôi đang mang thai nên Thiên Hương dẫn tôi đến giới thiệu tôi với chị Kim để gởi gắm khi sinh nở, và tôi quen chị Kim cũng từ ấy.

Gần cuối năm, học sinh đang thi học kỳ 2, tôi bảo Thiên Hương:

-Sao, mình quá thời gian dự sinh một tuần mà chưa thấy đau bụng

Hương nói khẽ:

-Vậy hả! Em nói Hương nghe nè. Tí nữa không có ai, Hương xuống phía sau lớp học em làm phép cho nghe.

Hai đứa đi ra phía sau lớp học có một khoảng trống nhỏ được bụi quỳ che khuất. Hương đốt một tờ giy báo, quơ đi quơ lại trước mặt tôi, miệng lẩm bẩm như mấy bà bán hàng ngoài chợ:

-Đốt vía, đốt vang. Đốt thằng đàn ông, đốt con đàn bà. Vía lành thì ở, vía dữ thì đi.

Thiên Hương làm với thái độ trang trọng và tôi cũng trang nghiêm không kém Giữa trời đất rộng mênh mông, tĩnh lặng, có một cái gì huyền bí khó giải thích. Vậy mà thật kỳ lạ đến chiều, tôi bắt đầu đau bụng chuyển dạ. Tôi cố thức suốt đêm để chấm cho xong 16 xấp bài thi giao lại cho trường. Vừa xong, trời rạng sáng, tôi đến đến phòng khám Trương Thị Lập để sinh bé Minh Đăng.

Tôi nghỉ hộ sản xong trở lại trường thì Thiên Hương cũng bỏ dạy về Saigon. Thiên Hương chưa nhìn thấy mặt em bé mãi đến 26 năm sau khi nghe tin Minh Đăng lấy chồng. Từ Úc về Việt Nam, Thiên Hương cất vội chiếc túi sắc ở khách sạn rồi vội đến nhà hàng cho kịp giờ cháu làm lễ Vu Quy.

Vậy đó, Thiên Hương và tôi không cùng nhau dạo phố và hiếm khi gặp mặt nhau nhưng tôi chắc chắn một điều nếu có lúc nào đó nghĩ về nhau thì luôn dành cho nhau những gì ấm lòng nhất.

Phạm Mai Hương ( tháng 8.2013)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn