CHIẾC HỒ LÔ CỦA CHỊ TÔI * Phạm Mai Hương

06 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 17048)

CHIẾC HỒ LÔ CỦA CHỊ TÔI

(Thương tặng chị Mai Trang và các anh em tôi)

dalat_1_hbp-large-content











Năm 1993, chị Mai Trang của tôi định cư ở Mỹ theo diện HO bởi anh Quỳnh – anh rễ tôi- đi học tập đến 8 năm. Suốt mười năm chị không về VN bởi chị không muốn làm Việt Kiều Kampuchia ( nghèo quá,về không có quà cáp gì cho họ hàng bà con), chị chỉ gởi tiền về báo hiếu ba mạ và lì xì các em mỗi dịp Tết.

Mười năm trôi qua đủ để anh chị ổn định cuộc sống bên xứ người và bên này anh em chúng tôi, mỗi đứa đều có tổ ấm riêng. Khi thấy ba mạ già, thời gian còn ở với con cái không còn nhiều, chị tôi quyết định về thăm nhà. Và như thế, khi ba năm, lúc một năm chị lại có mặt ở Dalat.

 Ngày chị về Việt Nam, Hoành cùng vợ là Mai – Đứa em út hiện sống Saigon - thêm vài đứa ở Dalat rảnh việc ở ra sân bay Tân Sơn Nhất đón rồi cùng lên xe Thành Bưởi về nhà.

Tối hôm sau, anh em chúng tôi có mặt ở nhà ba mạ để thăm chị gái và cũng được tận hưởng niềm vui được chia quà. Dẫu ở lứa tuổi nào,những đứa em tóc hoa râm đi gần hết cuộc đời đến đứa cháu kêu dì, bác ..hay gọi bà trẻ cũng náo nức chờ quà như ngày nào chị tôi đeo chiếc xắc tay đầy ắp đồ Mỹ viện trợ trở về từ trường Sư phạm Qui nhơn.

Căn phòng khách trở nên chật chội , mạ tôi ngồi trên chiếc ghế sopha , ba tôi đi lững thững từ phòng này qua phòng khác, ông không muốn sót đứa con nào. Bản sao của ba, anh Việt hiền lành ngồi trên ghế cạnh bàn tiếp khách . Chúng tôi đứa đứng, đứa ngồi bên cạnh chị.

Chi lãnh nhiệm vụ xuống lò phở lấy tập túi nilon lớn : một túi dành cho ba mạ, mười túi nilon cho anh Việt và các em ( trừ anh Lâm cũng ở Mỹ), ba túi dành cho ba cháu đã lập gia đình.

Dẫu chị về Việt Nam đến cả chục lần nhưng quà hàng không thay đổi nhiều: đầu tiên là kẹo chocolate đủ loại : cái thanh dài , thanh ngắn, viên tròn như cái núi nhỏ, viên dẹp màu xanh đỏ. Kẹo chewing gum cũng đa dạng đủ mùi. Chi và Phương xé từng gói nho khô, táo khô, bánh ngọt,,,., đếm viên hay ước lượng bằng tay cho vào túi nilon nhỏ mà chị để sẵn. Phần chia hơi lích kích, chị tôi phân trần :

-Chị đi chợ thấy cái gì cũng muốn mua về cho mấy đứa ăn thử cho biết.

Đôi lúc vì muốn các em ăn thử khiến chúng tôi cười lăn khi thấy cục xí muội made in VN trở về chốn cũ.

Căn nhà ấm cúng bởi tiếng chọc ghẹo:

-Ba mạ răng giả, sao ăn chewing gum, thôi cho con đi

-Không, để ba mạ đãi khách

- Chẳng công bình chút nào. Nhà em tới bốn đứa con mà bằng nhà Sâm có một đứa.

Chị cười cười:

-Chưa phạt cái tội đẻ nhiều

Bánh trái chia trước và được cất an toàn không dây dưa vào những thứ khác. Lọ dầu gió xanh không thể thiếu: mỗi đứa một lọ dù lọ dầu kỳ trước chưa xài đến. Mỗi đứa hai ống kem đánh răng, cái làm trắng răng, cái thơm mùi bạc hà cộng với bàn chải đánh răng. Đôi lúc chị lên tiếng;

-Nhà anh Việt thêm bàn chải nghe Chi.

- Cái này để làm gì hả chị Trang?

Chi giơ một vật giống chiếc lắc ở ban nhạc

-Á cái này để lăn quần áo.

Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của mấy đứa em, chị giải thích:

-Quần áo màu đen khi giặt hay bám bụi của đồ màu khác, mình lấy cái này lăn lên thì nó sạch .

Cẩn gật gù:

-Người VN mình thông minh kể gì. Mấy bà bán đồ lạc xoong, họ lấy băng keo trong dính qua dính lại sạch trơn. Lần sau, chị đừng mua cái này chi cho mệt, chị phát mấy cuộn băng keo trong là được.

-Salonpass chia đều, phần ba mạ nhiều hơn. Mấy hộp thuốc bổ cho phụ nữ cũng chia đều vì con trai không uống thì vợ nó uống. Con gái cũng có dao cạo râu tại chồng nó cũng có râu.

-Râu em nhiều hơn, em phải gấp đôi.

Chị cười:

-Chi coi còn dư thì cho Cẩn thêm.

-Mấy hộp vitamin dành cho con nít bỏ vào cho Minh Đăng, Quyền và Hoành Mai cho riêng Pingu, Boong và Tí Nị .

Chị với tay lấy ống thuốc dầu nóng đưa anh Việt:

-Anh bôi lưng nghe.

-Mỗi nhà một cục xà bông,một chai rước rửa tay nè.

Cái thú mở quà cực kỳ thú vị ,khiến chúng tôi trở về thuở ấu thơ tò mò lục giỏ của mẹ khi đi chợ về. Bởi chị tôi luôn tạo những sự bất ngờ : chiếc chà nồi soong mà ở VN người ta quảy gánh đi bán dạo dành cho bà nội trợ. Cục đá chà gót chân chắc chị lại liên tưởng đến thời nào tắm rửa cho em phải chà xuống nền xi măng nham nhở .Cứ vậy mỗi món quà đưa ra đều có lý giải của nó: chiếc khăn giấy ướp mùi thơm cho mấy đứa nhỏ xài cho đỡ đau mũi đến cái ngoáy lỗ tai thứ lớn cho người lớn , cái nhỏ dành con nít; miếng băng cứu thương đến cục băng keo; Sợi chỉ nha khóa đến cây tăm xỉa răng bằng nhựa. Trong chiếc hồ lô của chị dường như bất tận, nó giống cửa tiệm chạp phô của bà xẩm ở cạnh máy nước công cộng ngày nào.

Nhìn mấy thùng hàng được chia xong thành những túi nhỏ,chị phân bua:

-Tại nhà mình đông anh em quá nên chỉ có từng đó.

-Phải chi mạ đẻ ngang chị Hương thì chia có 4 phần hà.

-Mạ đẻ ngang chị Trang thì anh Việt giàu.

Đôi lúc chị bực:

-Kỳ này về mệt quá, lần sau, chị không mua gì hết về tay không cho khỏe

-Ừ, cái gì ở VN mà không có, mua chi cho mệt, chị cứ phát mỗi đứa một tờ xanh , tùy đứa nào mua gì thì mua.

Cúc, vợ Cẩn, chậm rãi nói:

-Có tiền thì mua gì cũng có nhưng cầm quà thích hơn

Mặc dù cái đứa thích cầm tiền cho khỏe nhưng thâm tâm cũng muốn tận hưởng giây phút này. Sau đó, phần nhà nào nhà đó cầm về. Đứa nào không có mặt sẽ đề tên lên túi nilon , nhờ mạ cất giùm, cả Hoành Mai ở Saigon, khi nào có ai về sẽ đưa. Chúng tôi cầm phần quà mà cảm giác trở lại tuổi thơ ấu. Nhà đông anh em, mọi thứ đều được chia đều từ vật chất đến tình thương

Chiếc hồ lô đựng hàng của chị tôi nếu chỉ dừng ngang ở đây sẽ là chiếc hồ lô giả mà Tề Thiên cầm nhầm. Bởi ngày hôm sau cho đến ngày chị về lại Mỹ, khi mỗi đứa về nhà ,chị sẽ to nhỏ:

-Lọ lotion này cho Thư .

-Cái bóp này, bác Trang mua có hai cái thôi cho Linh, Dung nè.

-Cái áo này chị Bá mặc vừa ,chị lấy nghe.

Người nhận có cảm giác mình là nhân vật đặc biệt được bác Trang ưu ái mặc dù ai cũng thừa biết cái đứa cùng lứa với mình sẽ có cùng một cái tương tự bởi chị tôi không phân biệt em dâu hay em gái, em trai hay em rễ, cháu gọi dì hay cô.

Chiếc hồ lô không chỉ dành cho người trong nhà. Chị thay áo đi chơi, lui hui lôi trong thùng hàng:

-Chị đi thăm anh Đức, mang gởi biếu vợ anh chai kem dưỡng da, gói kẹo cho đứa cháu.

Bà Tư Chè, bà Bụi qua chơi với mạ tôi:

-Con biếu bác chai dầu gió xanh .

Quà hàng được chị tôi tích trữ từ rất lâu bởi chị không giàu có,mỗi lần đi siêu thị gặp lúc hạ giá chị mua, đôi lúc chỉ cần nghe một đứa càu nhàu :

-Bữa nay xắc thịt cực quá vì lưỡi dao không bén

Thế là đồ mài dao, kéo làm cá… được mua về.

Cháu ngoại tôi có cái tên ở nhà khá đặc biệt : Pingu. chị tìm mua tất cả những gì có hình chim cánh cụt: cuốn sách, chiếc đĩa, cái muỗng,cây bút chì, cả một bầy thú nhồi bông chim cánh cụt, chị còn huy động cả chị Luận ở tiểu ban khác:

-Tau có ít con chim cánh cụt của cháu tau không chơi nữa, để tau gởi cho mi. Có ai về mi gởi cho Pingu.

Chị than thở:

-Tên chi không đặt, đặt tên Pingu khó tìm quà quá, chỉ có cái thùng rác in hình nó là nhiều.

 Nhất Định, vợ Quyền ngắm nghía hộp bút chì màu rách một góc:

-Chị đi đổ rác, thấy hộp couleur còn nguyên người ta quăng. Chị cúi xuống thùng rác nhặt lên, ai ngờ còn sót một cây dưới đáy. Chị ráng khom người cúi xuống, lấy được nó bị sái cả cái xương sườn . Giờ còn đau. Đem về cho Tí Nị vẽ.

Ngày ba tôi mất, chị và Lâm về nước thọ tang. Dù nước mắt chảy, nhưng chị vẫn nhìn quanh nhà cố tìm ra quà đem về cho các em . Vậy mà đến tối, khi đi ngủ, ống kem đánh răng hay lọ lotion bôi tay của chị móp méo như đồ sắp bỏ đi.

Ngày chị trở về Mỹ, chúng tôi chia nhau:

-Em mua chuối xấy rồi đó. Đừng ai mua nữa nghe

- Em mua cà phê .

- Em mua trà.

Chị xua tay

-Thôi thôi chị gởi Mai Hoành ở Saigon mua hết rồi.

Chiếc hồ lô lại mang về nào ớt bột , tiêu sọ, hộp cà ri nị nấu bò kho… dành cho bạn bè, hàng xóm.

Gởi hành lý xong, chị bước ra trò chuyện với các em, đến phút cuối cùng để trở vào phòng cách ly, chị mở túi:

-Còn ít tiền VN, mấy đứa lấy trả tiền xe đi về.

Người ta thường nói: quà tặng không quan trọng bằng cách cho. Chị tôi vậy đó, lúc nào cũng khiến chúng tôi nhỏ bé trước tấm chân tình của chị


 (1-9-2013)

Phạm Mai Hương
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn